Thứ Hai, 04/10/2021 21:38

Cùng chờ đón những chủ nhân giải Nobel 2021

Những chủ nhân của giải Nobel 2021 sẽ lần lượt được công bố trong tuần này, từ 4/10 – 11/10. Chiều tối ngày 4/10 hôm nay, Nobel Y học đã lộ diện, tiếp sau đó sẽ đến Nobel Vật lý, Hóa học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế.

Những chủ nhân của giải Nobel 2021 sẽ lần lượt được công bố trong tuần này, từ 4/10 - 11/10. Chiều tối ngày 4/10 hôm nay, Nobel Y học đã lộ diện, tiếp sau đó sẽ đến Nobel Vật lý, Hóa học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế.

Được biết tới sớm nhất, vào buổi chiều tối ngày 4/10, giải Nobel Y học 2021 đã lộ diện. Các nhà khoa học Mĩ David Julius và Ardem Patapoutian đã giành giải Nobel Y học năm 2021 vì phát hiện ra các thụ thể trên da cảm nhận nhiệt độ và xúc giác và có thể mở đường cho các loại thuốc giảm đau mới.

Công trình của họ, được thực hiện độc lập, đã giúp chỉ ra cách con người chuyển đổi tác động vật lý từ nhiệt hoặc chạm thành các xung thần kinh cho phép chúng ta "nhận thức và thích nghi với thế giới xung quanh", Chủ tịch Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska của Thụy Điển cho biết. "Kiến thức này đang được sử dụng để phát triển các phương pháp điều trị cho một loạt các tình trạng bệnh, bao gồm cả đau mãn tính."

Thomas Perlmann, Thư ký Hội đồng Nobel và Ủy ban Nobel, công bố những người đoạt giải Nobel Y học năm 2021.

Patapoutian, sinh năm 1967 với cha mẹ là người Armenia ở Lebanon và chuyển đến Los Angeles khi còn trẻ, đã nhận được tin vui từ cha mình. Patapoutian là giáo sư tại Scripps Research, La Jolla, California, trước đây đã từng thực hiện nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco và Viện Công nghệ California, Pasadena.

Ông nói: “Trong khoa học, nhiều khi những thứ chúng ta cho là đương nhiên lại được nhiều quan tâm khi giành được giải thưởng có tuổi đời hơn thế kỉ, trị giá 10 triệu vương miện Thụy Điển (1,15 triệu USD). Ông được ghi nhận vì đã tìm ra cơ chế tế bào và gen cơ bản chuyển một lực cơ học trên da của chúng ta thành tín hiệu thần kinh điện.

Còn David Julius sinh ra tại New York, 65 tuổi, là Giáo sư tại Đại học California, San Francisco, sau khi làm việc trước đó tại Đại học Columbia, ở New York.

Trước đó, giải Nobel Y học được cho là có khả năng trao cho những người tiên phong trong công nghệ mRNA dùng để tạo ra các loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm Moderna và Pfizer/BioNTech là ứng viên sáng giá cho giải thưởng Y học hoặc Hóa học năm nay.

Mặc dù vậy, ông David Pendlebury - nhà phân tích thuộc Viện khoa học thông tin thuộc công ty nghiên cứu Clarivate, nổi tiếng với những dự báo về giải Nobel thường niên - cho rằng còn quá sớm để các nghiên cứu về vaccine ngừa COVID-19 được ghi nhận tại giải Nobel. 

Nhưng Y học đã đã chú ý tới đại dịch COVID-19 và các nhà khoa học phát triển vắc xin coronavirus có thể được khen thưởng trong năm nay hoặc trong những năm tới.

Tính đến nay, chưa có học giả Nobel người da màu nào trong lĩnh vực vật lý, hóa học và y học.

Đài CNN dẫn số liệu thống kê trên các trang dự đoán kết quả giải Nobel 2021, cho thấy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là ứng viên tiềm năng cho giải Nobel Hòa bình năm nay, sau 18 tháng dẫn dắt thế giới ứng phó đại dịch COVID-19. WHO là cơ quan chịu trách nhiệm điều hành COVAX - sáng kiến phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. Năm ngoái, WHO cũng được đề cử giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, giải thưởng này cuối cùng được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, với thành tích giúp đỡ gần 100 triệu người ở 88 quốc gia khác nhau.

Một cái tên đáng chú ý khác trong danh sách các ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình 2021 là phong trào Black Lives Matter - vốn nổ ra trên toàn thế giới sau cái chết của George Floyd (một người Mĩ gốc Phi) vào năm 2020.

Trong bối cảnh Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26 sẽ diễn ra tại Glasgow, Anh vào tháng 11/2021, công chúng cũng dồn sự chú ý về nhà hoạt động vì môi trường người Thụy Điển Greta Thunberg.

Ở giải thưởng Nobel Văn học, những cái tên nổi bật được nhắc đến có nhà văn Peter Nadas của Hungary, Margaret Atwood của Canada, nhà thơ Adonis của Syria và tác giả Nuruddin Farah người Somalia. Một số gương mặt mới nổi cũng được đánh giá cao về khả năng đoạt giải, như Vikram Seth của Ấn Độ và nhà văn người Mozambique-Mia Couto. Năm ngoái, vinh dự này đã thuộc về nhà thơ Mĩ Louise Gluck.

Có 329 cá nhân được đề cử cho các hạng mục của giải Nobel 2021. Tuy nhiên, như đã thành thông lệ từ 50 năm qua, danh sách đầy đủ của các ứng cử viên không được ban tổ chức công bố.

Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 theo di chúc của Alfred Nobel, nhà phát minh - nhà từ thiện người Thụy Điển, để lại năm 1895. Giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học, Hòa bình. Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, còn gọi là giải Nobel Kinh tế.

Năm nay sẽ là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm, Thụy Điển sẽ không thể diễn ra do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo thông báo ngày 23/9 của Quỹ Nobel, những người đoạt giải sẽ được trao các huy chương và bằng khen ngay tại quê nhà của họ. Nếu như không có đại dịch COVID-19, những người đoạt các giải thưởng danh giá này sẽ đến Stockholm để trực tiếp nhận huy chương và bằng khen từ tay Nhà vua Thụy Điển trong một buổi lễ trang trọng được tổ chức vào tháng 12 hằng năm.

BÌNH NGUYÊN dịch theo nytimes, reuters, CNN