Thứ Sáu, 04/10/2019 11:25

Công việc “truyền niềm vui” hấp dẫn đến đâu?

Bài viết phỏng vấn những người làm công việc “truyền niềm vui”, nghĩa là họ sẽ thực hiện các cuộc điện thoại thông báo giải thưởng, từ xổ số đến giải thưởng Nobel, sẽ hé lộ một công việc ít ai biết tới và những hấp dẫn đằng sau các giải thưởng giá trị.

Bài viết phỏng vấn những người làm công việc “truyền niềm vui”, nghĩa là họ sẽ thực hiện các cuộc điện thoại thông báo giải thưởng, từ xổ số đến giải thưởng Nobel, sẽ hé lộ một công việc ít ai biết tới và những hấp dẫn đằng sau các giải thưởng giá trị.

Cách đây mười hai năm, Anita Pires làm việc tại trung tâm cuộc gọi Camelot - công ty chuyên điều hành xổ số quốc gia của Vương quốc Anh. Cô là một trong 30 nhân viên trả lời các cuộc gọi từ những người trúng giải tiềm năng, kiểm tra số lượng để khách hàng nhận các giải thưởng có giá trị từ 5 đến hàng triệu bảng. Vào năm 2009, cô là người thông báo cho một khách hàng may mắn của mình khi vị khách hàng này trúng xổ số trị giá 45 triệu bảng. “Ngay cả tôi cũng không thể tin được. Những nhân viên liên lạc như chúng tôi chỉ nhận được một lời nhắn tự động ngay trước khi giải thưởng được đưa vào. Đó luôn là một công việc bất ngờ, thú vị. Khách hàng nhận được thông báo hoàn toàn sốc khi họ nhận được hàng triệu tiền mặt. Nhiều tiếng huyên náo vang lên trong văn phòng, nhiều nhân viên dự đoán ai sẽ là người nhận được thông báo thắng giải,” Pires nói.

Anita Pires: "Việc thông báo tin tức may mắn đến mọi người đem lại cảm giác mà đồng tiền không thể mua được".

Theo một báo cáo năm 2016, hơn 700.000 người ở Anh làm việc trong các trung tâm liên lạc thường cảm nhận công việc khá khó khăn bởi sự tổng hòa của tính chất nhàm chán, căng thẳng và việc giữ một cảm xúc tốt, thân thiện trong các cuộc gọi. Nhưng đối với một số nhân viên như Pires, công việc là niềm vui thuần túy. Với cô, đó là công việc cố định bán thời gian, thời gian còn lại cô dành chăm sóc gia đình, con cái. Những nhân viên như cô không được phép chơi xổ số, nhưng là người đầu tiên thông báo tin tức may mắn đến mọi người đem lại cho cô cảm giác mà đồng tiền không thể mua được.

Andy Carter, làm công việc cố vấn giải thưởng trong hơn mười ba năm, cũng có vài chia sẻ riêng. Anh nói, những người đạt giải thưởng lớn, có trị giá trên 50.000 bảng Anh sẽ trao đổi với các cố vấn giải thưởng, sau đó các cố vấn này sẽ đến thăm họ để chuyển tiền mặt trực tiếp. Theo anh, công việc “truyền niềm vui” nhiều hấp dẫn so với bất cứ ngành nghề nào khác. Nó tràn đầy năng lượng, cảm xúc tích cực và vì vậy, những cảm xúc này sẽ lan tỏa theo anh cả khi về nhà. Khi biết thông tin người chiến thắng, anh luôn phải suy nghĩ cách truyền tải thông tin thế nào cho thật thú vị, để họ cảm thấy như mình là người duy nhất có được may mắn, niềm vui đó. Phản ứng của những người thắng giải cũng rất khác nhau. Có người vui mừng đến ngất xỉu, người bất ngờ đến nôn nao, nôn mửa và có người thì im lặng đến khó tin, một số khác thì tổ chức một bữa tiệc linh đình…

Katie Garrett đã làm cố vấn người trúng xổ số quốc gia trong gần mười năm và cô thấy, công việc này có sức cuốn hút khác biệt khi chia sẻ những thông tin vui vẻ đến mọi người. Đã từng có câu chuyện chàng trai 20 tuổi mâu thuẫn với mẹ và sắp sửa phải dọn ra khỏi nhà vì cuộc sống thiếu tự chủ. Nhưng khi nhận được giải thưởng 50.000 bảng, cuộc sống của họ đã thay đổi. Garrett nói rằng nhân viên làm công việc này cần được đào tạo về các hiểu biết đời sống, kĩ năng giao tiếp và biểu đạt ngôn ngữ cơ thể, để có thể liên hệ kết nối với mọi người từ mọi tầng lớp xã hội, từ người vô gia cư đến những người sống trong biệt thự đắt đỏ.

Katie Garrett: “Tôi luôn có được cảm giác ấm áp, nhẹ nhàng khi nói chuyện với những người trúng giải thưởng”.

Đối với những giải thưởng tôn vinh những cống hiến trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, xã hội khác, công việc “truyền niềm vui” cũng mang đến những câu chuyện khác biệt.

Michael Kelleher là giám đốc của giải thưởng Windham Campbell, một trong những giải thưởng văn học lớn nhất nước Mĩ, thành lập từ năm 2013, trao giải thường niên cho bốn thể loại tiểu thuyết, sách khoa học, thơ và kịch. Người chiến thắng hàng năm sẽ nhận được cuộc gọi thông báo thắng giải và phần thưởng 165.000 đô la. “Cuộc gọi luôn mang đến bất ngờ, choáng váng cho các nhà văn, vì trong quá trình xét giải, chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ và tỉ mỉ để giữ mọi thông tin bảo mật," ông chia sẻ.

Michael Kelleher: "Và khi chúng tôi thông báo giải, họ luôn nghĩ rằng chúng tôi ‘chơi khăm’ họ".

Kelleher nhớ, ông từng gọi điện thông báo đến nhà văn quá cố người Mĩ James Salter đoạt giải Windham Campbell vào năm 2013. Nhà văn của tiểu thuyết The Hunters tỏ ra nghi ngờ, yêu cầu ông phải xác thực lại qua email. Khi Kelleher cố gắng thuyết phục nhà văn về tính xác thực của thông báo, nhà văn không nói nên lời mà bật khóc. Sau đó, chính ông biết được, điện thoại của nhà văn sẽ bị cắt vào ngày hôm sau vì không có đủ khả năng thanh toán hóa đơn. Và giải thưởng chính là một phần thưởng đáng quý xuất hiện đúng lúc đã cứu chuộc, nâng đỡ nhà văn tiếp tục say mê, cống hiến cho hành trình nghệ thuật của mình.

Một trong những nhiệm vụ gọi điện “nghiêm túc, lạnh lùng nhất” hàng năm được thực hiện bởi Göran K Hansson - Tổng thư kí của Học viện Hoàng gia Thụy Điển, để thông báo cho những người đoạt giải Nobel. Ông đã gọi điện tới 44 người đoạt giải trong 10 năm qua; đó là một khoảnh khắc huyền thoại, đã được khắc họa trong bộ phim Người vợ mở đầu bằng phân cảnh cặp vợ chồng đang háo hức dự đoán tin tức.

“Tình hình thực tế cũng li kì, gay cấn như vậy. Tôi sẽ gặp người thắng giải vào tuần đầu tiên của tháng 10”, Hansson nói. “Thứ hai là cuộc hẹn người thắng giải Khoa học, Kinh tế, thứ ba là người thắng giải Nobel Vật lý, thứ tư là giải Hóa học. Đúng 9h30 sáng, chúng tôi có quyết định người chiến thắng và một tiếng sau đó, tôi bắt đầu thực hiện cuộc gọi. Chúng tôi không bao giờ gửi gắm gợi ý trước dành cho người chiến thắng. Mà quyết định trao giải chỉ được thực hiện khi Hội đồng xét giải Nobel bàn bạc kĩ lưỡng để đảm bảo đó là người phù hợp. Tôi sẽ thông báo ‘Chúng tôi chỉ vừa quyết định việc trao cho bạn giải Nobel’ - những người giành chiến thắng luôn ngạc nhiên – ngay cả những người đã ấp ủ hi vọng về giải thưởng này. Họ luôn hạnh phúc và họ luôn chấp nhận," ông chia sẻ.

Göran K Hansson - Tổng thư kí của Học viện Hoàng gia Thụy Điển: “Tất cả những gì tôi phải làm là đem đến cho mọi người niềm vui sướng, hạnh phúc – có bao nhiêu người có thể nói điều đó? Rất nhiều người được thông báo qua một cuộc điện thoại cũng đã trở thành bạn tốt với chúng tôi sau đó”.

Göran K Hansson kể lại, có rất nhiều nhà văn, nhà khoa học tỏ ra nghi ngờ người gọi đến đang trêu đùa mình và yêu cầu xác nhận bằng email. Có người đoạt giải Nobel khi đang đi du lịch, chỉ có con trai ông ấy ở nhà. Khi ông gọi, người con trai đó bực tức vì bị đánh thức vào ban đêm và hăm dọa rằng không được gọi tới quấy rầy nữa. Rồi khi người con trai đến chúc mừng giải Nobel của cha mình, anh ta đã rất xấu hổ khi họ nhắc nhở về câu chuyện cũ.

Đối với ông, gọi điện cho những người đoạt giải Nobel là một nhiệm vụ đầy phấn chấn khi có thể truyền đi những tin tức to lớn trong sự nghiệp như vậy. Có rất nhiều cách để gửi thông tin cho người chiến thắng, nhưng chỉ có cách liên lạc qua điện thoại mới đem đến những yếu tố bất ngờ, gay cấn nhất. 

Song, mọi tin tức tốt không phải lúc nào cũng liên quan đến giải thưởng. Vào ngày có kết quả A-level – bằng tú tài quốc tế IB của các trường Trung học Mĩ, các học sinh 17, 18 tuổi sẽ gọi đến đường dây trợ giúp của Ucas để thắc mắc, xin tư vấn hay phúc khảo lại điểm số… Với khoảng 30.000 người gọi cho đội ngũ trợ giúp trong một ngày là một khối lượng công việc khổng lồ, đỏi hỏi khắt khe, mọi nhân viên phải luôn điềm đạm, bình tĩnh, hiểu biết để đưa ra những giải đáp, khúc mắc và phác thảo những hướng đi, đem lại cho các học sinh thêm những hi vọng. Đối với những nhân viên tư vấn, việc giúp đỡ các học sinh là trải nghiệm đáng quý, mãnh liệt và hữu ích nâng bước các bạn trẻ trong bước ngoặt cuộc sống mới.

BÌNH NGUYÊN theo The Guardian, The Telegraph...