Thứ Tư, 01/07/2020 09:44

Còn với non sông một chữ tình

Tôi đọc tập bút kí Còn với non sông một chữ tình của tác giả Trình Quang Phú (Nxb Hội Nhà văn, tái bản lần hai, 2018) trong những ngày cả nước đang một lòng, chung tay ngăn chặn, phòng chống đại dịch toàn cầu Sars - CoV- 2 (bệnh viêm phổi do chủng mới của virus Corona gây ra).

NGUYỄN THANH TÂM

Tôi đọc tập bút kí Còn với non sông một chữ tình của tác giả Trình Quang Phú (Nxb Hội Nhà văn, tái bản lần hai, 2018) trong những ngày cả nước đang một lòng, chung tay ngăn chặn, phòng chống đại dịch toàn cầu Sars - CoV- 2 (bệnh viêm phổi do chủng mới của virus Corona gây ra). Mối liên hệ không hề ngẫu nhiên, khi tinh thần dân tộc lại một lần nữa được minh chứng bởi ý thức chống lại đại dịch, chống lại những đe dọa đến an ninh, an toàn của mỗi người dân và cả đất nước. Hiện lên từ tập bút kí, những con người mà tuổi tên đã đi cùng thời đại, tiếp nối những trang sử oanh liệt của dân tộc. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Lê Trọng Tấn, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, nhà sử học Trần Văn Giàu, giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, Anh hùng Núp, nữ anh hùng Võ Thị Thắng… Cũng ở đó, qua từng kỉ niệm, hiện lên chân dung những văn nghệ sĩ gắn với nền văn học nghệ thuật nước nhà ở một chặng đường hào hùng như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Văn Cao, Lưu Trọng Lư, Võ An Ninh, Trần Hữu Thung, Dương Thị Xuân Quý… Đọc kí của Trình Quang Phú, đặt mình vào góc quy chiếu của lương tri và trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc, khát vọng dâng hiến, ý chí tranh đấu cho những mục tiêu cao cả vì nước, vì dân lại bừng cháy trong chúng ta.

Thời gian dài rộng, không gian mênh mông (Nguyễn Khoa Điềm), những bút kí của Trình Quang Phú đem đến một trải nghiệm đáng ngạc nhiên về những gì đã đến trong cuộc đời ông. Ở đó, không chỉ có những nhân vật (của ông) mà chính cuộc đời ông cũng đã trở thành một nhân vật - một chứng nhân đằng sau tất cả những gì được nhớ và kể lại. Như thế, người đọc sẽ nhận ra, Còn với non sông một chữ tình vừa là cái tình còn mãi của mỗi nhân vật trong kí, cũng là cái tình của Trình Quang Phú với đất, với người, với non sông và tháng năm đã sống.

Sau khi đọc xong tập kí, ý tưởng đầu tiên ùa đến, thôi thúc việc gọi tên điều tôi muốn viết chính là: Tình trong giây phút, nghĩa ngoài trăm năm. Cái giây phút kia không hẳn là giây phút, nó cũng có thể là trăm năm. Một đời đã đi, đã trải, đã gặp và ân iu từng kỉ niệm, từng gương mặt, dẫu dài, nhưng so với vũ trụ vô thủy vô chung đã xứng là giây phút hay chưa? Thế nên, đời người cũng chỉ xem như là giây phút. Nhưng, giây phút ấy lại thành bất tử ở những cuộc đời đã dâng hiến trọn vẹn cho “sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người” (Thép đã tôi thế đấy - N. Ostrovski). Ý nghĩa ngoài trăm năm đã kéo về vô biên những phút giây hữu hạn. Thành ra, dự định sẽ viết về tập kí với ý tưởng xương sống là cái khoảnh khắc và trường cửu, hữu hạn và vô hạn, còn hay mất của nhân sinh, thông qua những cuộc đời vừa giản dị vừa phi thường, cao cả của các nhân vật cứ đeo bám tôi. Nhưng, ý nghĩ đó cũng dần nguôi ngoai đi khi cảm xúc lắng lại. Hóa ra, cái cốt lõi của giây phút hoặc trăm năm, hữu hạn và vô hạn kia lại chính là cái tình. Cái tình với non sông đất nước, với nhân dân đã biến hữu hạn thành vô hạn, biến đời thường thành phi thường, biến cá nhân thành lịch sử. Trình Quang Phú quả đã chọn được cái tứ đắt nhất, sáng nhất trong chuỗi khả năng để gọi tên tập kí của mình (gợi ý từ câu thơ Cho hay tất thảy đều trôi nổi/ Còn với non sông một chữ tình, theo tác giả là thơ của giáo sư Đặng Thai Mai - nhạc phụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Bởi vậy, không có cách nào khác, tôi trở về với chính điều cốt lõi ấy: chữ tình trong mỗi con người với non sông, đất nước và nhân dân.

Bởi có thêm một nhân vật (tác giả) ẩn sau từng trang viết, thế nên khi nghĩ về chữ tình trong mỗi bút kí, có hai dòng tâm tư từ cái gốc của tình đan bện xoắn luyến vào nhau. Cái tình của nhân vật trong bài và cái tình của tác giả dành cho nhân vật. Kể lại Những kỉ niệm thiêng liêng về Bác, Trình Quang Phú giúp người đọc nhận ra những tình cảm chân thành, ấm áp của Hồ Chủ tịch dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng và đồng bào cả nước. Từ việc lớn của quốc gia dân tộc đến việc nhỏ như tặng cho các cháu nhỏ viên kẹo ngọt, Bác đều gửi trong đó những tình cảm sâu sắc, những tin tưởng và hi vọng lớn lao. Chiếc huy hiệu Người tặng cho cậu bé miền Nam Trình Quang Phú ẩn chứa bao điều về nhân cách, lẽ sống mà Người đặt trọn vào thế hệ măng non. Cho đến bây giờ, những điều Bác Hồ dạy đối với thiếu niên nhi đồng (mà không chỉ thiếu nhi) lại càng ý nghĩa hơn, cần phải được suy nghĩ và hành động thiết thực hơn trong mỗi con người Việt Nam (Yêu Tổ quốc - yêu đồng bào, học tập tốt - lao động tốt, đoàn kết tốt - kỉ luật tốt, giữ gìn vệ sinh thật tốt, khiêm tốn - thật thà - dũng cảm). Điều đáng ngạc nhiên là, năm điều này càng ngày càng thể hiện tính chân lí phổ quát của nó đối với mỗi con người trong việc định hình nhân cách, lối sống, phẩm chất và giá trị bản thân. Soi chiếu vào đời sống cá nhân và xã hội, không chỉ ở thế hệ măng non, không chỉ trong hoàn cảnh Việt Nam, không chỉ ở một thời, chúng ta thực sự nhận ra năm điều ấy là tất cả tư tưởng của Hồ Chí Minh trong việc giáo dục con người, cũng là mô hình con người mà Bác đã kì vọng và hướng tới. Sự vĩ đại của Hồ Chí Minh chính là ở tầm nhìn có tính phổ quát và xuyên suốt ấy. Suy rộng ra, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, phẩm giá con người hiện diện trong cái cách mà họ lựa chọn để trở thành gắn với điều kiện hay bối cảnh hiện diện của họ. Tính xã hội toàn thể với những đòi hỏi thiết thực của nó kiểm định khả năng kiến tạo bản thân cá nhân, theo tôi, không ra ngoài năm điều Bác Hồ đã nói. Thêm nữa, chiến lược giáo dục của bất kì quốc gia nào, đều hiểu rằng, cần phải bắt đầu với trẻ em. Sự định hình từ thơ bé sẽ đem lại hi vọng cho những biểu đạt ở tương lai, đấy cũng chính là tiền đề trọng đại mà Hồ Chí Minh đã gửi gắm vào trong năm điều cốt yếu Người dạy bảo thiếu niên nhi đồng. Cậu bé miền Nam Trình Quang Phú thuở ấy đã nhận được huy hiệu thật thà dũng cảm của Bác từ việc nhặt được của rơi trả người đánh mất. Cùng với những kỉ niệm thiêng liêng trong những lần được gặp Bác, chứng kiến cuộc sống của một vị Chủ tịch nước hàng ngày vẫn áo gụ đơn sơ, cơm dưa cà đạm bạc, dành tất cả cho nhân dân, đất nước, có lẽ Trình Quang Phú đã tìm được cho mình câu trả lời về nhân cách và phẩm giá. Và đó cũng là điều đáng phải suy ngẫm đối với mỗi chúng ta, nhất là khi đặt mình vào các tương quan xã hội, văn hóa, lịch sử của Việt Nam.

Xét đến cùng, trong thế giới con người, tình là gốc của mọi sự. Ở bất kì lĩnh vực nào, ở bất kì đâu, bất kì ai, cái tình chi phối đến khả năng lựa chọn của cá nhân cũng như cộng đồng trước các đòi hỏi của tình thế hiện tại hoặc lịch sử. Viết về “anh Tô” (Thủ tướng Phạm Văn Đồng), tác giả tập bút kí đã đem đến hình dung về một “con người toàn tâm, toàn ý vì dân tộc, sống giản dị, khiêm tốn và thương người” (tr. 39). Tái hiện Phạm Văn Đồng từ góc tiếp cận gần nhất - trực tiếp gặp gỡ và làm việc, Trình Quang Phú có được căn cứ để khẳng định cốt cách, phẩm giá cũng như tình cảm mà Phạm Văn Đồng dành cho đất nước, nhân dân. Từ vấn đề thủy lợi đến khoán vụ, từ những băn khoăn về tình thế miền Nam sau giải phóng với thực trạng chảy máu tri thức, người dân vượt biên, suy thoái kinh tế, sự bất hợp lí trong điều hành quản lí nhà nước do cơ chế cứng nhắc, quan liêu đã khiến Phạm Văn Đồng trăn trở về việc cần phải “Cách mệnh - Đổi mới - Đột phá”. Những âu lo về tình trạng suy thoái đạo đức, lí tưởng, trách nhiệm công vụ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng nói lên mối quan tâm sâu xa và tình cảm thường trực của người đứng đầu Chính phủ lúc ấy. Trình Quang Phú bằng cái tình của mình đã giúp người đọc cảm nhận được cái tình của Ông Lành (ẩn danh của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi làm việc cùng Bác Hồ) đối với đất nước và nhân dân. Những trang viết giản dị, mộc mạc mà ấm áp, trĩu ân tình, nặng suy tư như thế thực sự đã làm lay động cái tình ở mỗi người đọc.

Nhìn lại, những cuộc đời đã đến đã neo lại trong kí ức Trình Quang Phú, làm thành cuộc đời ông ở phần sôi động và ý nghĩa nhất cũng chính là ở cái tình của họ. Lớn là tình non sông đất nước, gần gụi là tình đồng chí, đồng đội, anh em chú cháu, bạn hữu. Mỗi con người đã hiện diện qua từng trang kí như một mảnh ghép của tồn tại, chân thực và lay động. Đó là hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, vĩ đại mà bình dị, sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Lịch sử luôn công bằng theo nhịp điệu của riêng nó, cũng như không có gì mãi mãi bí mật dưới ánh sáng mặt trời. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng đã được minh chứng bằng chính những tình cảm mà nhân dân đã dành cho ông. Tự thân con người ấy đã lựa chọn cho mình một sứ mệnh lớn lao là đứng về phía nhân dân, lấy sự an nguy của quốc gia, dân tộc, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống. Chữ tình mà Đại tướng nói đến khi nhắc lại câu thơ của giáo sư Đặng Thai Mai cũng chính là điều mà tất thảy chúng ta cần phải suy tư một cách nghiêm túc trên nhiệm kì làm người của mình. Hữu hạn hay trường tồn, còn hay mất chung quy cũng tự đó mà ra. Thế nên, ngày Đại tướng ra đi, cả nước khóc thương và đau xót. Ở đó sáng ngời lên cái tình yêu kính thiêng liêng mà toàn dân đã dành cho ông, như ông đã dành trọn đời mình cho dân tộc, cho nhân dân.

Trình Quang Phú không phải là tạng người ưa viết những điều huyền bí, bay bổng hay mượt mà diễm lệ. Văn chương của ông là thứ văn viết nên bằng cái tình dồn chứa và lay động. Không nhiều dụng công trong cấu trúc hay ngôn từ, hình ảnh, bút kí của Trình Quang Phú là dạng kí sự về nhân vật và sự kiện sống giữa cuộc đời với nguyên vẹn ắp đầy những vang động, lan tỏa. Chất giọng miền Trung (Phú Yên) cùng tư duy bộc trực, thật thà của con người nơi đây tạo nên khí chất riêng của kí Trình Quang Phú. Ông viết về luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Chủ tịch Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, Quyền Chủ tịch nước: 1980 - 1981, Chủ tịch Quốc hội khóa VII, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: 1988 - 1994) với thật nhiều kỉ niệm sâu sắc, làm hiện lên một nhân cách bao dung, rộng rãi, một trí tuệ mẫn tiệp và một tấm lòng sắt son, chung thủy với nhân dân, đất nước. Có lẽ, do được làm việc nhiều năm cùng luật sư Nguyễn Hữu Thọ nên trong các bài viết có thể nhận ra những gắn bó nghĩa tình giữa tác giả và nhân vật, giữa nhân vật với đất nước, với công cuộc cách mạng và kiến thiết, với đất và người Phú Yên - nơi ghi dấu những kỉ niệm trong đời hoạt động cách mạng của luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Là một trí thức từ Pháp về Việt Nam theo tiếng gọi của Bác Hồ, hoạt động cách mạng, bị bắt, bị tù đày nhiều năm trong Nam ngoài Bắc, trên rừng dưới biển, luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn bền bỉ, kiên gan với sự nghiệp cách mạng vì dân vì nước. Chữ tình trong con người ông là của một trí thức đầy tâm huyết và trách nhiệm, ý thức rõ vai trò của mình trong sự phát triển của cộng đồng và lịch sử.

Trình Quang Phú đi nhiều, gặp nhiều nên kí của ông đậm tươi chất sống. Dù viết về chính khách hay tướng lĩnh, người ta vẫn nhận ra đằng sau đó một tấm lòng trọng thị, yêu mến dành cho các nhân vật. Từ Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, nhà sử học Trần Văn Giàu, giáo sư viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Anh hùng Núp đến nữ anh hùng Võ Thị Thắng… qua từng trang viết của Trình Quang Phú hiện lên thật đẹp. Lịch sử ghi chép về họ hẳn không ít, nhưng điều chúng ta nhận được ở đây là cái tình sâu đậm, thiêng liêng và trách nhiệm, là nghĩa khí, trí tuệ và sức mạnh của những con người như “chân lí sinh ra” (Tố Hữu).

Có một mảng kí sự rất đậm đà, sâu nặng nghĩa tình, ấy là những trang viết về văn nghệ sĩ. Như đã nói, do công việc, Trình Quang Phú có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ đi lại với nhiều văn nghệ sĩ gạo cội của Việt Nam. Ai cũng biết Nguyễn Tuân vốn là một nhà văn kĩ tính đến khó tính, là một người rất khó chiều bởi gu thẩm mĩ và sinh hoạt đặc biệt, lắm khi đến dị biệt. Thế nhưng, qua câu chuyện của Trình Quang Phú, “chàng Nguyễn” lại hiện lên hiền lành, dễ mến và gần gũi. Vẫn không mất đi sự kiêu kì, tài hoa trong cách sống, cách nhìn nhận thế giới, sự vật, nhưng trong những lần gặp gỡ với tác giả, Nguyễn Tuân hiện lên không quá xa cách như nhiều người có lẽ đã hình dung. Cũng ở đây, ít ai biết rằng, để viết tùy bút Sông Đà, Nguyễn Tuân đã đi cùng đoàn khảo sát địa chất thủy lợi của Trình Quang Phú ngược sông Hồng, sông Đà; đã tham khảo tài liệu do nhóm chuyên gia (trong đó có Trình Quang Phú) ghi chép. Viết kí - tùy bút mà được Nguyễn Tuân (bậc thầy của tùy bút - kí) “hạ” cho chữ được, kể ra cái tình trong ấy đã sâu đậm và gắn bó lắm. Cũng trong mạch kí sự này, chúng ta gặp lại Xuân Diệu hào hoa đa tình nhưng cũng đằm sâu những suy tư về thời cuộc và con người. Gặp Trần Hữu Thung trên thửa bờ thăm lúa, giữ vẹn nguyên một niềm quê mộc mạc. Gặp Lưu Trọng Lư trầm tư sau nhiều mơ mộng. Gặp Văn Cao với kỉ niệm ra đời Tiến quân ca mang hồn thiêng sông núi. Tại đây, ta cũng biết thêm một đội trưởng đội biệt động thành Văn Cao, nhận lệnh từ Xứ ủy Việt Minh, thực hiện nhiệm vụ trừ khử những tên ác ôn của giặc. Văn Cao đã trực tiếp tiêu diệt tên bán nước hại dân, chống phá Việt Minh Đỗ Đức Phin tại Hải Phòng… Bên cạnh một nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ tài hoa, những góc khuất của cuộc đời Văn Cao đem lại cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn, để nhận ra cái tình sâu đậm, say mê và hào sảng của Văn Cao dành cho đất nước, cho nghệ thuật. Cũng ở đây, người đọc được gặp gỡ với lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh, để hiểu hơn về một con người đã dành cả đời mình ghi lại lịch sử bằng ánh sáng. Hơn 100 năm đi qua cõi đời, với 80 năm cầm máy ảnh, đi khắp mọi miền đất nước, có những nơi phải trèo đèo lội suối băng rừng, có nơi phải đi mấy chục lần mới tìm thấy khoảnh khắc ưng ý nhất, Võ Anh Ninh đã thu vào ống kính của ông dáng hình đất nước trong những khoảnh khắc đầy say mê, yêu thương và xúc động.

Còn nhiều cuộc đời, nhiều câu chuyện nữa mà Trình Quang Phú trân trọng ghi lại bằng chất văn sâu nặng nghĩa tình. Tuy nhiên, để được tiếp cận đủ đầy, có lẽ không gì hơn là tự mỗi người tìm đến. Tôi muốn dừng lại ở một chân dung đã khiến tôi bội phần cảm phục: nữ nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý. Tôi đã muốn gọi bài viết này bằng câu thơ của Tố Hữu được chị đề trên tấm ảnh nhỏ giữa rừng Trường Sơn (1968): Đường đi, không đợi mùa trăng/ Ta đi làm ánh sao băng giữa đời. Câu thơ tôi đã đọc, đã chép lên đầu những cuốn vở suốt năm tháng học trò (như cha tôi đã chép lên đầu trang viết úa màu của ông từ cuối những năm 70). Lịch sử sẽ nói về chị như một nữ chiến sĩ anh hùng, một nhà văn, nhà báo đã băng mình vào lửa đạn để sống trọn thanh xuân, để chiến đấu và viết về cuộc chiến đấu của dân tộc. Còn tôi, tôi lại nghĩ về Dương Thị Xuân Quý trong nỗi dằn vặt và suy tư khi quyết định rời đứa con hơn một tuổi để vào chiến trường. Lí tưởng thanh xuân và khát vọng dâng hiến tuổi trẻ cho đất nước đã thôi thúc Dương Thị Xuân Quý lên đường, nhập vào đoàn quân xanh biếc Trường Sơn. Phần cao cả mang tinh thần thời đại và cả phần đời thường trong tiếng khóc trẻ thơ, trong dáng vóc người đàn bà bé nhỏ giữa đại ngàn, có lẽ đều làm tôi xúc động. Tại đó, ý nghĩa làm người một cách trọn vẹn, đủ đầy đã lên tiếng. Dương Thị Xuân Quý hi sinh sau một năm vào tuyến lửa, nhưng lựa chọn của chị, cuộc đời của chị, cái tình sông núi nơi chị sẽ đánh thức lương tri trong mỗi chúng ta. Từ bài kí của Trình Quang Phú, người đọc có điều kiện nhìn về thật gần, một nhà văn - chiến sĩ, biểu tượng ngời sáng cho thế hệ văn nghệ sĩ kháng chiến của một thời hoa lửa.

Sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), trong đoàn thiếu sinh quân miền Nam tập kết ra Bắc có Trình Quang Phú. Cũng từ ngày đó, cậu thiếu niên miền Nam có dịp gặp gỡ, làm quen với nhiều nhân vật quan trọng của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Vì công việc thì đương nhiên, nhưng qua những trang bút kí, chúng ta nhận ra, để đến được bên người, hoặc người đến bên ta, phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, cung cách ứng xử cũng như phẩm chất của mỗi người. Không phải ngẫu nhiên, Trình Quang Phú được gặp gỡ, làm việc và gắn bó với những nhân vật lừng lẫy như thế. Với mỗi nhân vật, dù là chính trị gia hay tướng lĩnh, văn nghệ sĩ, Trình Quang Phú đều bày tỏ một tấm lòng nồng hậu, nhiệt thành và khiêm cung, nhưng cũng đủ đầy chu đáo. Từ những cuộc đời mang nghĩa tình sâu nặng với non sông, đất nước và nhân dân; từ những tâm hồn nghệ sĩ nguyện dâng hiến cho Tổ quốc, cho nghệ thuật; qua những trang kí của Trình Quang Phú, mỗi chúng ta có lẽ sẽ tự ý thức được nghĩa lí làm người của mình trong tư cách một công dân, một người con của nước Việt Nam

 

N.T.T