Chủ Nhật, 03/03/2019 08:29

Chuyện tử tế chưa bao giờ cũ

Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. (HOÀI PHƯƠNG)

 Chiều 2/3/2019, tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) - 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Thư viện Điện ảnh (Góc chiếu bóng/ Viet Ciné Corner) đã tổ chức chiếu lại bộ phim Chuyện tử tế và giao lưu với đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy. Đây là hoạt động mở màn cho Tháng phim tài liệu Việt Nam đương đại của Thư viện Điện ảnh.

Chuyện tử tế được coi như phần II của tác phẩm đã từng gây tiếng vang lớn của đạo diễn Trần Văn Thủy là Hà Nội trong mắt ai. Bộ phim được sản xuất vào năm 1985, nhưng năm 1987 mới được công chiếu rộng rãi. Những khó khăn trong khâu kiểm duyệt đã khiến cho tác phẩm không được biết đến rộng rãi vào thời kì đó. Cả Hà Nội trong mắt aiChuyện tử tế đều chỉ đến được với đông đảo khán giả sau khi có sự can thiệp của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vào năm 1987.

Một cảnh trong phim Chuyện tử tế

Chuyện tử tế mở đầu bằng hình ảnh đạo diễn Trần Văn Thủy cùng các nhà làm phim thắp hương trước ngôi mộ của nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết nhân ngày giỗ đầu của ông. Trước khi qua đời vì căn bệnh ung thư, Đồng Xuân Thuyết đã đề nghị các bạn của mình thực hiện một bộ phim tài liệu thực sự có ý nghĩa về tình thương yêu giữa con người với con người. Lời của người bạn quá cố đã ám ảnh đạo diễn và những người làm phim. Tiếp đó, bộ phim xoay quanh câu hỏi: “Thế nào là sự tử tế?”. Đạo diễn tìm câu trả lời thông qua nhiều con người, hoàn cảnh sống khác nhau.

Chuyện tử tế gây xúc động và kinh ngạc với người xem bởi những câu chuyện, những số phận, và những lời dẫn... “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm...”.

Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy tại buổi giao lưu

Nói về sự ra đời của bộ phim được xem là kinh điển của dòng phim tài liệu Việt Nam, và cũng là tác phẩm thành công nhất của mình, đạo diễn Trần Văn Thủy cho biết: Đó là giai đoạn khó khăn nhất của ông. Nhưng chính vì như vậy nên ông càng quyết tâm làm một bộ phim hướng đến, đánh thức sự tử tế trong con người. Phim tài liệu không chỉ đúng và đủ, mà phải hay. Để hay được thì phải chạm vào dây thần kinh - những vấn đề của xã hội và của con người. Và cái cần nhất của phim tài liệu, đó là đề tài. Người làm phim phải tìm được đề tài hay. Đó là đề tài mà mọi người đều quan tâm nhưng không phải ai cũng có thể phát hiện ra và khai thác.

Ra đời đã hơn 30 năm nhưng Chuyện tử tế là câu chuyện không bao giờ cũ, nó cần thiết cho mọi thời kì, mọi xã hội, mọi con người. Hiểu được nỗi đau của con người là một việc không hề dễ dàng, đó là suy nghĩ của những người làm phim. Bộ phim lay động người xem chính bởi những người làm phim đã chạm vào nỗi đau của con người và nỗi đau của xã hội lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, phim còn được giới chuyên môn đánh giá có giá trị nghệ thuật cao, mang tính đột phá trong thể loại phim tài liệu Việt Nam.

Được một số báo chí quốc tế gọi là “Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig” và đánh giá là một trong mười phim tài liệu hay nhất thế giới, Chuyện tử tế đã được nhiều đài truyền hình nước ngoài mua bản quyền để phát lại. Bộ phim sau đó đã giành giải Bồ câu bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức. Năm 2008 Chuyện tử tế được chọn chiếu tại Liên hoan phim Viennale, liên hoan phim hàng đầu của Áo trong chương trình vinh danh những nhân vật đặc biệt và lịch sử điện ảnh. Năm 2009 Chuyện tử tế cũng được chọn chiếu tại Hà Nội trong loạt phim tiêu biểu của các cựu học viên người Việt Nam của Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên bang Nga.

HOÀI PHƯƠNG