Thứ Sáu, 15/03/2019 06:25

Chung một giấc mộng

Mộng mị là sự đan xen, hòa hợp giữa ảo và thực, giữa cái thấy được và không thấy được, giữa gần và xa, giữa không và có...

Chiều 14/3/2019 tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại (VICAS ART STUDIO) đã khai mạc triển lãm tranh Mộng mị. Triển lãm đánh dấu lần đầu tiên xuất hiện tại Thủ đô của 6 gương mặt họa sĩ trẻ đến từ Hải Dương.

Như tên của cuộc triển lãm, mộng mị là một trạng thái vừa như được khai sáng, vừa như không thể định hình và nắm bắt. Đó chính là tâm trạng sáng tạo của người nghệ sĩ. Mộng mị là sự đan xen, hòa hợp giữa ảo và thực, giữa cái thấy được và không thấy được, giữa gần và xa, giữa không và có...

PGS.TS Bùi Quang Thắng (thứ 3 từ phải sang) cùng các họa sĩ tham gia triển lãm

PGS.TS Bùi Quang Thắng - Giám đốc nghệ thuật VICAS ART STUDIO, giám tuyển của triển lãm - phát biểu tại buổi khai mạc: Khi chọn tranh để làm triển lãm này, tôi rất bất ngờ bởi sự "lột xác" của các họa sĩ. Tất cả 6 họa sĩ, mỗi người một vẻ, đều thể hiện các tác phẩm của mình bằng phong cách biểu hiện hoặc biểu hiện trừu tượng, rất mới mẻ và đa dạng. Bất ngờ hơn nữa là chủ đề sáng tác của các tác giả lại rất gần nhau, đó là những kỉ niệm xa xưa trong kí ức cá nhân, những câu chuyện huyền thoại của loài người, những con người, cảnh tượng trong những giấc mơ... Tất cả dường như đều đắm mình trong thế giới tưởng tượng.

Sự đa dạng của phong cách thể hiện cùng với cá tính họa sĩ đã mang đến không khí đương đại cho triển lãm. Các họa sĩ không ở trong lòng trung tâm nghệ thuật (Hà Nội), chính điều đó mang đến một cảm nhận hoàn toàn khác cho công chúng. Họ xuất hiện đầy mới mẻ, nguyên khôi. Vẫn là những gương mặt đã và đang nỗ lực để góp phần vào đời sống hội họa hôm nay nhưng dường như cái “chất”, cái “hồn” trong các tác phẩm đã mở ra một “vùng” mới đầy thú vị để người xem khám phá.

Đề tài, ý tưởng của mỗi họa sĩ đều gửi gắm và bộc lộ tư tưởng sáng tác của họ.

Phạm Đình Tùng thả trí tưởng tượng của mình với những huyền thoại của loài người, như vườn địa đàng, chốn thiên thai... Sự hòa quyện giữa các vệt màu, sự ẩn hiện của hình gây nên hiệu quả thị giác lạ (độ nhòe) và chính vì thế nó tải được các nội dung huyền ảo.

Bên đầm - Phạm Đình Tùng

Nguyễn Hùng Cường sáng tạo những tác phẩm về những gương mặt của những người không quen, có thể đó là những người mà anh đã gặp thoáng qua đâu đó ở ngoài đời, cũng có thể là sự ám ảnh của những gương mặt mà anh thấy ở trong mơ. Những gương mặt ấy dị dạng, ma mị nhưng không vì thế mà chúng làm cho người xem có cảm giác xa lạ, sợ hãi mà ngược lại, rất đời thường và thân quen.

Vũ Văn Long vẽ những giấc mơ của mình bằng cả tranh trừu tượng lẫn tranh biểu hiện. Phụ nữ, tính dục là hình tượng lặp lại trong những giấc mơ của họa sĩ, và chập chờn trong tranh anh.

Văn Trọng tham gia triển lãm này bằng những bức tranh vẽ về phụ nữ. Anh không vẽ chiêm bao mà là sự phóng chiếu những ước muốn. Cái hay trong bộ tranh của Văn Trọng là sự xung đột tâm lí giữa một bên là mơ ước trực diện của một người nghệ sĩ và một bên là sự rụt rè, yếu bóng vía của một con người xã hội.

Nắng chiều - Văn Trọng

Mỗi bức tranh của Nguyễn Tiến Quân là một kỉ niệm xa, mờ về một nơi chốn, một người tình cũ. Anh vẽ sơn mài nhưng lại theo phong cách biểu hiện, một sự đột phá đối với chính anh ấy.

Phùng Văn Tuệ là một khác biệt trong nhóm nghệ sĩ Hải Dương. Anh chỉ đắm đuối và mộng mị với màu sắc. Tranh của anh là một sự kết hợp khéo léo giữa biểu hiện trừu tượng và tối giản.

Chốn xưa - Nguyễn Tiến Quân

Là những giáo viên mĩ thuật, các họa sĩ đã mang cái “tôi” của mình để cùng hòa mình, đồng điệu trong vũ điệu của những giấc mộng - giấc mộng nghệ thuật. Và từ đó mỗi người lại chọn cho mình một hướng đi, một con đường riêng biệt, dù xa xôi hay khuất lấp nhưng đó đều là những thành quả mà họ có được khi miệt mài cùng nghệ thuật.

Triển lãm kéo dài đến ngày 31/3/2019 tại 32 Hào Nam, Hà Nội.

TUẤN LAM