Thứ Hai, 28/09/2020 21:03

Cho những kí ức phôi thai

Chỉ còn là hoài niệm. Ảnh: Trần Tuấn.

Hôm nay lang thang lướt facebook, tôi bắt gặp bức ảnh của tác giả Trần Tuấn. Lòng bỗng nhớ về căn nhà cũ. Căn nhà mà tôi đã sinh ra và lớn lên, gắn bó biết bao kỉ niệm với cả gia đình, bố mẹ, ông bà. Căn nhà mà tôi và các anh chị em đã sinh ra, lớn lên và cùng nhau vượt qua cả một thời gian khó. Thế rồi một ngày, một con đường chạy qua, đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời, tái định cư... Tất cả bỗng chỉ còn là hoài niệm. Trần Tuấn đặt tên bức ảnh là "Chỉ còn là hoài niệm", đúng như vậy. Cho đến khi tôi xem, nó đã có hơn một nghìn lượt thích, chắc hẳn có nhiều người đồng cảm với tâm trạng của bà cụ trong bức ảnh lắm. 

Để cho một dự án giao thông, một con đường vận hành, có biết bao gia đình phải chia tay với những kỉ niệm của mình. Có lẽ người ta chỉ tính đến những mất mát về vật chất, về việc đền bù quá rẻ mạt, về khu tái định cư xa xôi và bất tiện nhưng ít ai nghĩ đến những mất mát về tinh thần khi mỗi người bắt buộc phải chia xa những miền kí ức của mình một cách cưỡng chế mà thâm tâm họ chẳng hề mong muốn. Không những kí ức của một cá nhân, một gia đình, mà kí ức của một khu dân cư, một khu tập thể, một khu phố cũng bỗng dưng bị xóa sổ một cách lạnh lùng như thế. 

Bức ảnh nghe nói được chụp ở khu giải phóng mặt bằng mở rộng đường Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng Hà Nội, trong những năm tháng vận động và phát triển, còn biết bao khu dân cư, biết bao hộ gia đình, bỗng dưng sa vào cảnh "tha phương" về tinh thần như thế.

Âu cũng là một sự đánh đổi, để những kí ức khác được phôi thai.

Hoài Thương (Đống Đa, Hà Nội)