Thứ Bảy, 25/01/2020 06:24

Chính ủy Cao Minh Tiến: Mùa xuân, tri thức và niềm tin

Mùa xuân, người chiến sĩ nơi hải đảo tiền tiêu căng mắt sóng. Mùa xuân, người chiến sĩ nơi biên giới vững đôi vai chồi lộc xanh mầm.

Chính ủy Cao Minh Tiến

Mùa xuân, người chiến sĩ nơi hải đảo tiền tiêu căng mắt sóng. Mùa xuân, người chiến sĩ nơi biên giới vững đôi vai chồi lộc xanh mầm. Ở nơi xa tận Nam Sudan nửa vòng trái đất, đôi bàn tay, trái tim nồng ấm của người lính Cụ Hồ đã góp phần gìn giữ hòa bình, chăm chút mạch nguồn khát vọng nhân văn. Mọi sắc lính, mọi chủng quân thảy đều hướng về, góp phần dựng xây mùa xuân bền vững. Trong không khí ấy, Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện thân mật, ấm áp đầu xuân với Thiếu tướng Cao Minh Tiến - Chính ủy Học viện Kỹ thuật Quân sự về chủ đề “mùa xuân, tri thức và niềm tin”.

 

VNQĐ: Thưa đồng chí Chính ủy! Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, toàn Đảng toàn dân ta, đặc biệt là người chiến sĩ lại nhớ tới Bác Hồ. Bác đã đi xa, nhưng như mùa xuân, Bác Hồ luôn sống mãi, luôn ở bên cạnh chúng ta, ở trong trái tim mỗi người chiến sĩ. Trong không khí đón mừng xuân mới, xin đồng chí chia sẻ vấn đề này.

Chính ủy Cao Minh Tiến: Trong không khí mùa xuân, nhắc về Bác ai cũng thấy bồi hồi và xúc động. Bác Hồ với người chiến sĩ nói chung, với mỗi cán bộ chiến sĩ Học viện Kỹ thuật Quân sự nói riêng luôn là tri thức và niềm tin. Mà tri thức và niềm tin theo thời gian luôn đầy đặn mãi, luôn xanh mãi. Mùa xuân đến chúng ta càng nhớ Bác. Nhớ từng lời Người căn dặn. Nhớ ánh mắt tinh anh ấm áp của Người. Nhớ những vần thơ chúc tết giản dị mà sâu sắc đến tận cùng đã đi vào lịch sử. Không riêng gì nơi biên cương hải đảo, mà ngay ở nơi đây, ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, mỗi cán bộ chiến sĩ trong dịp đầu xuân năm mới, suy nghĩ đầu tiên, việc làm đầu tiên là đặt trọn vẹn niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ. Trong không khí xuân sang, hình ảnh Bác Hồ càng in đậm trong trái tim để người chiến sĩ Học viện tự tin vững bước.

VNQĐ: Đồng chí Chính ủy khái quát thật ấn tượng và độc đáo, rằng Bác Hồ với cán bộ chiến sĩ Học viện chính là tri thức và niềm tin. Điều này cũng đã được khẳng định từ trên nửa thế kỉ xây dựng và trưởng thành của Học viện. Quay trở về lịch sử, chúng ta thấy từ khi cách mạng còn trứng nước, trong những lúc cam go nhất, Hồ Chủ tịch luôn trân trọng và đặt rất cao vai trò của đội ngũ trí thức với công cuộc cách mạng, nhất là những trí thức có thể phục vụ hữu ích cho quân đội, cho các cuộc kháng chiến…

Chính ủy Cao Minh Tiến: Các nhà văn khiến tôi lập tức nhớ tới tấm lòng của Bác Hồ với đội ngũ trí thức ở buổi đầu cách mạng. Có lẽ tiêu biểu nhất phải kể đến kĩ sư Trần Đại Nghĩa được Người mời từ Pháp về năm 1946. Lời mời chân thành khẩn thiết trong lúc đất nước dầu sôi lửa bỏng. Chàng thanh niên trí thức Phạm Quang Lễ khi ấy đang là kĩ sư hàng đầu của một hãng chế tạo máy bay với mức lương rất cao đã lập tức nhận lời mời của Hồ Chủ tịch với một câu nói chân thành chất chứa tự đáy lòng: “Kính thưa Cụ, nguyện vọng cao nhất của tôi là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần của mình”. Người kĩ sư trẻ được Hồ Chủ tịch giao nhiệm vụ đứng đầu ngành quân giới, được Bác đổi tên thành Trần Đại Nghĩa với lời căn dặn: “Chú lo vũ khí cho bộ đội diệt giặc. Việc của chú là việc đại nghĩa, vì thế kể từ nay, Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Đấy là họ của Trần Hưng Đạo, chú hãy nhớ để làm tốt việc của mình với nhân dân”. Kể từ đó, tri thức và niềm tin của người trí thức được Bác Hồ đặt tên đã luôn tỏa sáng, nhiều loại vũ khí được ngành quân giới mà đứng đầu là kĩ sư Trần Đại Nghĩa chế tạo thành công đã ra chiến trường, tới tay người chiến sĩ, góp phần tạo nên những chiến thắng lịch sử và sự trưởng thành vẻ vang của quân đội ta. Cho đến hơi thở cuối cùng, tri thức và niềm tin của người kĩ sư mang hai dòng họ Phạm - Trần vẫn luôn hướng về nhân dân và Tổ quốc như Bác Hồ căn dặn. Đây là bài học lịch sử rất sâu sắc mà mỗi cán bộ chiến sĩ Học viện luôn nhớ lấy để noi theo.

VNQĐ: Một câu chuyện đã đi vào lịch sử về tài dùng người của Bác Hồ, nhất là việc sử dụng đội ngũ trí thức cho cách mạng. Cũng ở buổi đầu trứng nước ấy, Hồ Chủ tịch còn mời gọi được nhiều trí thức tài đức vẹn toàn ra đảm đương việc nước như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Phan Anh, Hoàng Minh Giám… để công cuộc cách mạng vượt qua được những bước ngoặt lịch sử hết sức cam go. Chính những trí tuệ xuất sắc được tỏa sáng đã góp phần tạo nên những bước tiến mạnh mẽ thăng hoa cho dân tộc. Và câu “Trí tuệ tỏa sáng” chính là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho Học viện từ cách đây ba mươi năm. Xin đồng chí Chính ủy chia sẻ về câu nói của Đại tướng.

Chính ủy Cao Minh Tiến: Học viện Kỹ thuật Quân sự có vinh dự hai lần được Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm. Ngày 5 tháng 5 năm 1989, trong lần về thăm và trò chuyện với cán bộ, giảng viên của Học viện, Đại tướng nói: “Học viện phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu có chất lượng cao là việc rất quan trọng và xứng đáng. Các đồng chí muốn phát triển mối quan hệ giữa Học viện với các trường đại học, các cơ quan, các viện ngoài quân đội thì phải liên kết cho tốt. Phải mở rộng và phát triển với các địa phương xung quanh, nếu không, Học viện sẽ trở thành một ốc đảo trì trệ, không tỏa sáng ra được. Học viện phải làm sao cho chất xám của Học viện tỏa sáng ra xung quanh”.

Trước hết phải thấy rằng, chỉ những trí thức minh triết như Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới có được những suy nghĩ sâu sắc như thế. Đại tướng cũng là một trí thức được Bác Hồ phát hiện và trọng dụng. Từ một thầy giáo sử học trở thành vị tướng huyền thoại là cả một câu chuyện thần kì chỉ có được trong thời đại Hồ Chí Minh. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp dường như là cuộc hội ngộ của các trí thức lớn. Khi biết tin Hồ Chủ tịch mời được Phạm Quang Lễ về nước, Võ Nguyên Giáp gặp ông ở chiến khu đã nói: “Biết được tin anh về, anh em bên này mừng lắm”. Đó chính là đạo lí người hiền trọng người hiền. Sau này, Trần Đại Nghĩa được phong Thiếu tướng năm 1948 cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các vị tướng khác. Cũng chính Đại tướng đã từng gọi Trần Đại Nghĩa là “ông Phật làm súng”. Đó là sự khâm phục của trí tuệ dành cho trí tuệ, niềm tin dành cho niềm tin. Có lẽ như thế chăng, luôn hướng tới dựng xây và vinh danh trí tuệ, nên khi tới Học viện năm 1989, vị Đại tướng của nhân dân, người trí thức lớn của quân đội Võ Nguyên Giáp đã căn dặn cán bộ chiến sĩ Học viện hãy biết khơi nguồn để “Trí tuệ tỏa sáng”. Lời dạy của Đại tướng đã trở thành phương châm hành động và phát triển bền vững của chúng tôi từ đó đến nay và cả trong tương lai. Đây là một bài học lớn, một cột mốc lịch sử để chúng tôi hướng tới. Đây cũng là lẽ sống của chúng tôi.

VNQĐ: Từ những câu chuyện trên, càng cho thấy nền tảng quan trọng của việc xây dựng, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ, trí thức, giảng viên trong mỗi thời kì của Học viện. Các đồng chí đã thực hiện điều này như thế nào, thưa Chính ủy?

Chính ủy Cao Minh Tiến: Một câu hỏi quả là rất rộng. Trên nửa thế kỉ phấn đấu và trưởng thành, để có được vị thế và chiều sâu của Học viện như hôm nay, cái nền, cái gốc chính là từ đội ngũ cán bộ, trí thức, giảng viên. Hiện nay chúng tôi có đội ngũ gần 100 giáo sư, phó giáo sư và trên 400 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học. Nguồn lực này có được chính từ sự trọng thị giới trí thức, đặc biệt là các trí thức trong quân đội. Chính vì hiểu lẽ sống còn phải xây dựng bằng được tri thức và niềm tin để trí tuệ tỏa sáng, nên mỗi người chiến sĩ ở Học viện, dù là thời kì nào, dù khó khăn hay thuận lợi đến đâu chúng tôi đều xác định phải thực hiện thật tốt việc xây dựng đội ngũ trí thức một cách bền vững, nhất là đối với các chuyên ngành về kĩ thuật đòi hỏi sự học tập, rèn luyện, phát triển thật khoa học, toàn diện nhưng cũng phải hết sức chuyên sâu. Đây là một đích đến luôn không có điểm dừng của Học viện. Con người là hữu hạn, tri thức là mênh mông. Đem cái hữu hạn đặt vào cái mênh mông thật không dễ dàng gì, thật dễ bị ngợp mà dẫn đến phát triển phiến diện. Thật may mắn, chúng tôi luôn có những bậc thầy lớn đi trước để tự căn chỉnh mình. Ví như lời dặn của Đại tướng “Trí tuệ tỏa sáng” chẳng hạn, để ai ai cũng có thể vịn vào mà đứng thẳng, mà bước tiếp. Ví như câu chuyện về Bác Hồ sử dụng đội ngũ trí thức đã trở thành bài học quý để Học viện sử dụng làm nền tảng phát huy và phát triển. Chúng tôi đã tự tìm ra mình, tìm ra vị thế bền vững của mình từ những điều như thế.

Trung tướng Nguyễn Công Định, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự
tham quan khu trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ tại Hội nghị
“Tuổi trẻ sáng tạo khoa học” lần thứ 39, năm 2019. 
              Ảnh: PV

VNQĐ: Đúng là vấn đề cân bằng và phát triển một cách tự nhiên nhất cho đội ngũ cán bộ, trí thức, giảng viên hiện nay đang đặt ra những thách thức không nhỏ. Vai trò của đội ngũ này đến đâu, phát triển theo hướng nào? Chúng ta phải làm gì để phát huy tối đa tri thức của họ? Việc xây dựng tri thức và niềm tin trong môi trường quân đội cần phải tiến hành như thế nào? Vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ có thành tố rất lớn từ vẻ đẹp tri thức, vẻ đẹp văn hóa chính là sự trông đợi lớn nhất của nhân dân… Xin đồng chí chia sẻ với bạn đọc những vấn đề trên.

Chính ủy Cao Minh Tiến: Đây là những vấn đề lớn và cốt yếu, nhất là việc phải xây dựng bằng được vẻ đẹp tri thức, vẻ đẹp văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ hôm nay. Chúng ta phải học tập phong cách làm việc của Bác. Đó là phải liên tục thực hành, chú trọng thực việc để có thành tựu; có thành tựu rồi phải biết khái quát lên tầm lí luận và từ nền tảng lí luận vững chắc hãy đưa vào thực tiễn đời sống, thực tiễn giảng dạy, thực tiễn rèn luyện toàn diện để từ đó càng nâng tầm mãi lên. Nói thì ngắn gọn như thế nhưng đạt được sự tinh tế, sự khoa học, nhân văn như Bác Hồ là vô cùng khó. Thực tế hiện nay, cuộc sống sôi động đang đặt ra vô vàn sự phức tạp. Đội ngũ cán bộ, trí thức trong đó có trí thức quân đội cũng không ngoại lệ. Anh có thể bị chênh chao, bị mời gọi từ rất nhiều nơi khác. Không riêng gì khoản vật chất đâu. Càng không tách bạch được các lực hấp dẫn lôi kéo mình. Nhiều người còn muốn tự khẳng định mình chứ. Muốn tự làm mới mình. Muốn tạo thách thức từ chính mình để vượt qua đâu phải không chính đáng? Những điều đó đã và đang là thách thức lớn với việc ổn định, phát huy và phát triển đội ngũ cán bộ, trí thức quân đội trong đó có Học viện. Điều này cũng đặt ra nhiều trăn trở ở các cấp lãnh đạo, quản lí. Đối xử với trí thức hãy bằng những chiều sâu nhân văn nhất, tạo ra được môi trường giáo dục, môi trường văn hóa, môi trường quân sự, môi trường phát huy trí tuệ và cống hiến lành mạnh, khoa học để “Trí tuệ tỏa sáng”, để trí thức được cống hiến và thụ hưởng lợi ích chính đáng thì những thách thức dù lớn đến mấy cũng sẽ mau chóng bị đẩy lùi. Người trí thức trong quân đội càng như vậy. Họ đều biết hướng đến cái chung, hướng về nghĩa lớn. Cái đích cao nhất của người trí thức trong quân đội chắc chắn là nhân dân và Tổ quốc. Làm những điều ích nước lợi dân bao giờ cũng là niềm tin và lẽ sống của đội ngũ trí thức trong quân đội. Chúng ta không chỉ biết làm vừa lòng nhau mà phải biết tin nhau, tin tuyệt đối, tin sáng trong như trái tim người lính Cụ Hồ. Khi có được niềm tin cũng là lúc trí tuệ càng tỏa sáng, càng phân biệt rõ hướng đi lớn, hướng đi tới văn minh, hướng đi tới cống hiến và hi sinh như các thế hệ cha anh đã làm để chúng ta có ngày hôm nay. Và khi đã nghĩ được như thế, đã thực hành được như thế, mọi thứ sẽ như mùa xuân, sẽ tự nảy lộc đâm chồi xanh cành vững gốc. Đó cũng là một vẻ đẹp, là truyền thống của Học viện chúng tôi.

VNQĐ: Với mục tiêu chiến lược “Xây dựng Học viện Kỹ thuật Quân sự thành trường đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của Quân đội và Nhà nước, đạt trình độ và chất lượng quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao cho quốc phòng - an ninh và kinh tế - xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển” thì việc phát huy, phát triển và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, trí thức, giảng viên là hết sức quan trọng. Xin Chính ủy cho biết Học viện đã có những việc làm, chương trình, chiến lược gì để thực hiện tốt điều này?

Chính ủy Cao Minh Tiến: Mục tiêu chiến lược trên của Học viện nằm trong xu hướng phát triển tất yếu của quân đội, của đất nước ta. Dù mục tiêu lớn và lâu dài đến đâu, việc tiên quyết vẫn là phải lập tức bắt tay vào thực hiện một cách khoa học và hiệu quả từng bước một. Thực hiện trên nền tảng những giá trị đã được hun đúc, tạo dựng từ trí tuệ và niềm tin của nhiều thế hệ, nhiều bài học lịch sử. Nói thế để thấy chúng ta không chỉ biết tự tin mà phải nhận thức được hết trách nhiệm lớn lao, độ nặng, độ dày, chiều sâu của mục tiêu mà phấn đấu và xác lập nên các giá trị mới. Điều cốt yếu nhất vẫn là sự vững vàng về tri thức và niềm tin của đội ngũ cán bộ chiến sĩ toàn Học viện. Chúng ta đã có được nền tảng tốt nhưng nếu ỷ lại, nếu tự phụ, không biết kiên trì, táo bạo đột phá, sáng tạo không ngừng sẽ gặp thách thức ngay. Sẽ phải đối mặt với những nguy cơ đổ gãy không thể lường trước được. Sự dài rộng của khoa học là vô cùng. Nước nào, ngành nào, các tổ chức và thậm chí cá nhân đều đang cạnh tranh hết sức gay gắt, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao, càng đặc biệt cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh và kinh tế - xã hội. Thấy trước những khó khăn cũng là để tự răn mình phải gắng sức, tuyệt đối không được chủ quan khinh suất. Bài học đắt giá về một thời quan liêu bao cấp cản trở sự phát triển của khoa học công nghệ vẫn đang có tính thời sự. Chúng ta có nhiều thứ nhưng còn thiếu nhiều thứ để phát triển khoa học công nghệ bền vững. Nhưng chúng tôi rất tin, với năng lực và khát vọng như hiện nay, đội ngũ trí thức, nhất là các trí thức ngành kĩ thuật trong quân đội đủ thực lực và sự tự tin để bước những bước dài, chắc chắn, đến đích, góp phần xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại như mong muốn của nhân dân.

VNQĐ: Xin đồng chí Chính ủy nói về những con người, việc làm cụ thể trong những năm gần đây của Học viện, nhất là thời gian qua…

Chính ủy Cao Minh Tiến: Trước hết tôi xin nói về việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, trí thức trẻ. Mọi việc đều xuất phát từ con người. Không thể một trung tâm đào tạo lớn về kĩ thuật mà thiếu đội ngũ trí thức giỏi, trí thức trẻ. Vậy hấp dẫn họ, mời gọi họ, sử dụng và phát triển họ như thế nào để người trí thức gắn bó lâu dài, bền vững với Học viện? Điều này thật không dễ dàng. Những hấp lực bên ngoài xã hội ngày càng quyết liệt. Những tập đoàn lớn, tổng công ti lớn luôn tìm cách “câu móc” người tài với không ít chiêu trò mà nói thực là quân đội không thể thực hiện theo cách đó. Chúng tôi rất trăn trở và luôn xác định phải đối diện sự thật. Phải từ trong sự thật, từ trong thực tiễn mà tìm ra và làm chủ bền vững phương pháp của mình. Giữ vững, phát huy và phát triển đội ngũ cán bộ, trí thức của Học viện phải là tổng thể, phải giải quyết hài hòa, thấu tình đạt lí mọi vấn đề. Phải trao cơ hội công bằng cho tất cả mọi người. Phải có nhiều sách lược trong một chiến lược hướng tới lợi ích lớn. Việc làm đúng, việc làm nhân văn nhất định sẽ tạo đồng thuận. Những chủ trương đúng đắn, sự tôn vinh, chế độ chính sách động viên kịp thời đối với đội ngũ trí thức đã và đang cống hiến đang có tác dụng tích cực. Phải chủ động làm ngay, đồng thời mau chóng đề xuất, thuyết trình với cấp trên về các chính sách đãi ngộ cần thiết để giữ vững và phát huy đội ngũ trí thức trong quân đội. Cái lớn nhất của người quân nhân trong đó có đội ngũ trí thức là an cư lập nghiệp. Bây giờ không phải tậu trâu, lấy vợ là lớn nhất thì đương nhiên căn nhà ở là cơ nghiệp của mỗi quân nhân. Bố mẹ ở quê ra thấy con mình có căn hộ thành phố ai cũng mừng rơi nước mắt. Con cái được học hành ở các trung tâm lớn yên hàn biết bao nhiêu. Người vợ nào cũng tự hào chồng mình là bộ đội, nhưng các chị còn vui mừng khôn xiết hơn nếu được tiêu chuẩn ở căn hộ quân nhân. Điều đó luôn như một giấc mơ. Những năm qua, Học viện làm việc này rất tốt, rất công tâm. Giao gần nghìn căn hộ chính sách, công vụ mà không có đơn kiện nào chúng tôi mừng lắm. Thấy rõ được sự ủng hộ chân thành của anh em.

Không riêng gì đối với đội ngũ cán bộ, trí thức, giảng viên, mà ngay đối với các học viên, trong đó có học viên nước bạn Lào và Campuchia cũng vậy, chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất trong học tập và công tác. Trong những dịp lễ tết, nhất là Tết Nguyên đán, Học viện thường xuyên có chủ trương, chính sách rất rõ ràng. Học viên gia đình khó khăn, gia đình chính sách có thành tích học tập tốt đều được động viên kịp thời cả tinh thần lẫn vật chất. Các đồng chí lãnh đạo tiểu đoàn, cơ quan chính trị, lãnh đạo Học viện phân công nhau tới từng gia đình chúc tết, biểu dương kết quả học tập của các em tới tận địa phương, xóm làng, họ mạc. Vật chất dẫu chẳng nhiều nhặn gì nhưng niềm vui cứ nhân lên mãi. Đó cũng là một nét đẹp của Học viện chúng tôi.

VNQĐ: Đúng là những việc làm nhân văn, hữu ích đã góp phần hun đúc, tạo nên phẩm chất và vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Nhân đồng chí nói về ngày tết, chúng tôi cùng độc giả muốn biết việc đón tết ở Học viện những năm qua và năm nay diễn ra như thế nào?

Chính ủy Cao Minh Tiến: Chúng tôi đón tết vui và đầm ấm lắm! Vui như tết cơ mà. Vui trước tiên ở sự công bằng. Nghĩa là tiêu chuẩn thưởng tết từ Ban Giám đốc tới nhân viên toàn Học viện đều bằng nhau. Không biết đơn vị khác thế nào chứ ở đây năm nào cũng thế cả. Bình bầu xét duyệt ở chỗ khác chứ tết đến ai chả có gia đình, bố mẹ, vợ chồng, con cái, người này lại nhiều hơn người kia là không được. Vẻ đẹp, tình đồng chí đồng đội ở đấy chứ ở đâu. Nhưng trực tết phải tuyệt đối nghiêm chỉnh. Trực ra trực. Không vì lí do gì mà qua loa đại khái, sẽ kỉ luật rất nghiêm. Anh em ai cũng ý thức sâu sắc việc trực tết để đồng đội nghỉ vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của mỗi người. Hàng ngàn hộ gia đình cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Học viện ở khắp các vùng miền với không gian và tâm thế đón tết sắc màu phong phú lắm. Lãnh đạo chỉ huy những ngày tết vất vả nhưng rất vui. Chúc tết kiểm tra anh em cũng là để anh em kiểm tra mình. Mình cũng biết được thêm nhiều điều, biết được bố mẹ đồng đội đã tuổi cao tám chín mươi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, vẫn nhắc nhớ chuyện quê hương, chuyện các cụ ngày còn ở chiến trường. Biết được những người vợ lính từ quê lên bẽn lẽn trong căn hộ chung cư giữa lưng chừng trời quây quần đồng đội. Tết như làm mới mỗi con người, bồi đắp thêm sự dày dặn về tri thức, thêm nhân văn, thêm niềm tin để cảm nhận thật rõ ràng một năm mới đang ăm ắp đến.

VNQĐ: Tết chính là nguồn cội! Mỗi cái tết là một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của mỗi người trong đó có người chiến sĩ ta. Trong những cột mốc lớn, không thể không nhắc đến những cột mốc như ngày thành lập Đảng, thành lập nước, những dấu mốc trưởng thành của quân đội ta mà trong đó có sự đóng góp lặng lẽ của đội ngũ trí thức trong quân đội. Xin đồng chí chia sẻ câu hỏi cuối này của chúng tôi.

Chính ủy Cao Minh Tiến: Năm 2020 là năm có nhiều cột mốc lịch sử. Đảng ta vừa tròn 90 năm (3/2/1930 - 3/2/2020); nước ta hướng tới kỉ niệm 75 năm thành lập nước (2/9/1945 - 2/9/2020). Quân đội anh hùng, nhân dân vĩ đại đang vững vàng viết tiếp trang sử vẻ vang. Người chiến sĩ ta thêm một tuổi quân thêm một tuổi đời dường như cũng xôn xao hơn cùng xuân mới. Ai cũng như thấy mình lớn hơn, tin tưởng hơn vào cuộc sống mà mình đang góp phần để nó tươi xanh. Hẳn nhiên, đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức trong quân đội, trong Học viện Kỹ thuật Quân sự càng thấy sáng rõ hơn, đúng đắn hơn về tri thức và niềm tin của mình. Thấy rõ được mình cũng là sự trưởng thành của người trí thức. Sự trưởng thành đúng đắn ấy đã được rèn luyện, mài giũa, đắp bồi từ biết bao thế hệ, máu xương của cha ông. Chính điều đó sẽ mãi mãi là hành trang cho mỗi người chiến sĩ

P.V