Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu (NNC) âm nhạc Nông Quốc Bình, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam về phương hướng nhiệm vụ của hội trong thời gian tới.

Phóng viên (PV): Chúc mừng ông tái đắc cử Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam, nhiệm kỳ 2019-2024! Nhìn lại nhiệm kỳ trước, ông đánh giá thế nào về những thành tựu mà hội đã đạt được?

NNC Nông Quốc Bình: Trong 5 năm qua, VHNT các DTTS đã có bước trưởng thành đáng tự hào. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở hai khía cạnh: Đội ngũ văn nghệ sĩ người DTTS xuất hiện khá đông đảo, đoàn kết, thúc đẩy sáng tạo; số lượng và chất lượng tác phẩm ngày càng nâng cao. Đến nay, Hội VHNT các DTTS Việt Nam có hơn 1.000 hội viên, có hơn 40 tổ chức cơ sở hội và chi hội của 40 tỉnh, thành phố trong cả nước thuộc nhiều chuyên ngành. 35/54 dân tộc có hội viên, nhiệm kỳ vừa qua đã thành lập thêm 8 chi hội, kết nạp thêm 13 hội viên. Các cán bộ quản lý đại đa số là người DTTS.

Mặt phong trào, đội ngũ đương nhiên không thể quan trọng bằng chất lượng các phẩm của hội viên. Trước hết, các tác phẩm đoạt giải hằng năm của hội đều có chất lượng tốt, được hội viên và công chúng thừa nhận. Hầu hết, các hội viên sáng tác văn học, sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian đều ra được sách, có tác giả xuất bản hơn 10 đầu sách. Nhiều họa sĩ mở được triển lãm tranh cá nhân, các ca sĩ và nhạc sĩ đã phát hành băng đĩa riêng. Trong các ngành nghệ thuật thì văn học và mỹ thuật có sự phát triển chất lượng. Đáng chú ý văn xuôi có lực lượng đông đảo, thơ DTTS đã có những đóng góp đáng kể vào nền thơ ca đất nước và có bản sắc riêng.

Chăm lo phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nông Quốc Bình.

PV: Những hạn chế còn tồn tại là gì, thưa ông?

NNC Nông Quốc Bình: Những tồn tại trải qua nhiều năm vẫn chưa khắc phục được đó là đội ngũ văn nghệ sĩ DTTS giữa các vùng miền, giữa các dân tộc còn có sự chênh lệch khá lớn. Có những dân tộc có lực lượng văn nghệ sĩ đông, có mặt trên nhiều lĩnh vực nhưng có những dân tộc có số dân không ít nhưng lực lượng văn nghệ sĩ còn quá mỏng, thậm chí chưa có. Có vùng, có địa phương mỗi năm xuất hiện hàng chục tác giả trẻ, có nơi vài ba năm không có thêm tác giả mới. Chất lượng tác phẩm có đi lên nhưng tác phẩm đỉnh cao, thu hút công chúng cả nước quan tâm thì chưa có. Về đề tài miền núi và DTTS, chưa có tác phẩm hay, chưa có nhiều đổi mới sáng tạo.

Nguyên nhân hạn chế có cả khách quan lẫn chủ quan, đó là đa số điều kiện sống và làm việc của hội viên còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến sáng tạo. Các hội viên ở vùng sâu vùng xa ít có điều kiện bồi dưỡng nhận thức và chuyên môn, ít có cơ hội trao đổi, giao lưu, học hỏi. Một số chi hội địa phương hoạt động thiếu hiệu quả, chưa có nhiều hình thức thúc đẩy sáng tạo.

Chăm lo phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019-2024. Ảnh: VÂN HÀ

PV: Bước vào nhiệm kỳ mới, Hội VHNT các DTTS Việt Nam sẽ thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào?

NNC Nông Quốc Bình: Nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới phương thức hoạt động của các chi hội nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động tích cực, hiệu quả. Hội sẽ nỗ lực tối đa, có chính sách đãi ngộ, tôn vinh tác giả, tác phẩm tiêu biểu. Hỗ trợ hội viên sáng tác nhiều tác phẩm VHNT có nội dung, tư tưởng và nghệ thuật lành mạnh ở tầm cao mới, phản ánh chân thực và sinh động hiện thực cuộc sống vùng dân tộc và miền núi, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Hội sẽ chú trọng nâng cao nhận thức cho văn nghệ sĩ, nắm vững diễn biến tư tưởng của văn nghệ sĩ, kịp thời định hướng tư tưởng, khuynh hướng sáng tác cho đội ngũ hội viên theo đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quan điểm chung là văn nghệ sĩ phản ánh sinh động cuộc sống của đồng bào song cũng cần hết sức thận trọng, khách quan khi nhìn nhận, đánh giá hiện tượng xã hội và một số vấn đề còn bất cập trong cuộc sống.

PV: Để đưa văn nghệ các DTTS phát triển toàn diện, Hội VHNT các DTTS Việt Nam có đề xuất, kiến nghị cụ thể nào, thưa ông?

NNC Nông Quốc Bình: Để khắc phục tình trạng nhiều dân tộc chưa có người hoạt động sáng tác VHNT, hội mong muốn thành lập trung tâm bồi dưỡng văn nghệ sĩ người DTTS. Tiếp tục thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm VHNT DTTS Việt Nam” giai đoạn 2 (2021-2025), đặc biệt chú trọng trên các lĩnh vực ngôn ngữ, chữ viết của những tác phẩm-văn bản đã có từ hàng thế kỷ đang có nguy cơ mai một.

Kiến nghị Nhà nước cho phép hội xây dựng những đề án khả thi phối hợp dạy và học chữ DTTS thông qua các hình thức hoạt động văn hóa nghệ thuật trong các trường dân tộc nội trú. Từ đó, phát hiện, bồi dưỡng những con em đồng bào dân tộc có khả năng hoạt động VHNT. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, chọn lọc tác phẩm VHNT DTTS tiêu biểu để đưa vào giảng dạy trong các cấp học nhà trường. Kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo đặc thù dành cho con em các dân tộc về học tại các trung tâm bồi dưỡng, các trường văn hóa nghệ thuật… nhằm tạo nguồn văn nghệ sĩ người DTTS về lâu dài.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: QĐND (Hoàng Hoàng thực hiện)