Thứ Năm, 03/07/2025 09:52

Câu lạc bộ sách của người nổi tiếng có thật sự ý nghĩa?

Những ngày gần đây ngôi sao nhạc pop Dua Lipa đã bước sang một trang mới khi đặt mục tiêu trở thành một “thế lực quan trọng” của thế giới văn học.

Những ngày gần đây ngôi sao nhạc pop Dua Lipa đã bước sang một trang mới khi đặt mục tiêu trở thành một “thế lực quan trọng” của thế giới văn học. Điều này liệu là tín hiệu tích cực hay đang ẩn chứa nhiều hệ lụy hơn?

Có nhiều cách để độc giả khám phá những cuốn sách mới. Họ có thể diễu qua các kệ tại những hiệu sách hoặc thư viện địa phương, nơi có thể nhận được lời khuyên của các thủ thư hoặc bạn đọc khác. Họ có thể “lội” qua các review chân thực của độc giả trên Goodreads hoặc các forum văn chương nổi tiếng với số lượng người tham gia đông đảo. Họ cũng có thể tham khảo các bài đánh giá của các nhà phê bình văn học tận tụy đến từ các tờ báo lớn để khám phá những tác phẩm hay nhất (và tệ nhất) được phát hành trong tháng... Và bây giờ đây có một cách mới: lắng nghe podcast để xem Dua Lipa (và những người nổi tiếng khác) hiện đang đọc gì?

Dua Lipa đã trở thành một thế lực mới của ngành xuất bản.

Nếu tự hỏi làm thế nào mà ngôi sao nhạc disco người Anh gốc Albania nổi tiếng với những đĩa đơn như New rules hay Love again lại trở thành một “nhà tiên tri văn học”, thì đó cũng là sự quan tâm của không ít người. Bởi lẽ các hoạt động ngoài âm nhạc của giới showbiz thường chỉ liên quan đến nước hoa, đồ trang điểm, quần áo hoặc rượu vang, các ấn phẩm khác. Tuy nhiên Lupa đã chọn dấn thân vào một địa hạt đặc biệt hơn, cụ thể là câu lạc bộ đọc sách Service95 Book Club. Mới đây nhất cô lấn sang mảng podcast khi người dùng Spotify còn có thể nghe thấy những cuộc trò chuyện của cô xoay quanh văn chương

Trong phần giới thiệu chuyên mục này, nữ ca sĩ nói rằng “việc đọc là điểm tựa trong mọi giai đoạn của cuộc đời tôi”. Theo đó, những người được phỏng vấn trước đây bao gồm George Saunders, Emma Cline, Patti Smith, Khaled Husseini, Hernan Diaz và Patrick Radden Keefe – những cái tên lớn. Khách mời đầu tiên của Lipa trong chương trình này là Jennifer Clement nói về cuốn sách Widow Basquiat của mình.

Sự thật là Lipa không phải người mới trong lĩnh vực podcast, bởi trước đây cô từng đảm nhận một series tương tự nhưng về người nổi tiếng mang tên At Your Service. Với tư cách là người phỏng vấn, cô rất trôi chảy, cuốn hút và thu hút người nghe, nhưng liệu điều này có giúp ích cho các nhà văn khi được mời nói về tác phẩm của mình? Và bởi Lipa có nhiều mối quan hệ, nghĩa là cô có thể thu hút những tên tuổi lớn của giới văn học, nên cũng đồng nghĩa những tác giả độc lập sẽ bị bỏ qua. Ngoài ra, liệu những người nổi tiếng này có thực sự là những người uyên bác nhất để ta tin theo và ủng hộ sách? Liệu họ có điều hướng doanh số bán hàng bằng cách chụp ảnh tự sướng trên Instagram với những tác phẩm văn học mới nhất mà bản thân nói là rất yêu thích?

Nhiều tựa sách nhờ đó mà trở thành hiện tượng xuất bản.

Ở góc độ nào đó thì Lipa chỉ là một trong vô số những người nổi tiếng đã tham gia vào các câu lạc bộ sách. Đã gần 30 năm kể từ khi Oprah Winfrey ra mắt câu lạc bộ sách của mình. Theo đó đây là một mục trong chương trình trò chuyện ăn khách cùng tên, nơi bà sẽ chọn một cuốn tiểu thuyết để khán giả đọc và thảo luận hàng tháng. Câu lạc bộ này nổi tiếng đến mức những cuốn sách được thảo luận sẽ ngay lập tức lọt vào danh sách bán chạy, có thể dẫn ra sau lần xuất hiện vào năm 2007, Cha và con của Cormac McCarthy đã chứng kiến ​​doanh số tăng lên tới 1 triệu bản, trong lúc Mắt nào xanh nhất của Toni Morrison trở lại vào năm 2000 thì doanh số đã tăng lên khoảng 800.000 bản.

Tiếp bước Oprah, 2 cựu trụ cột của các chương trình ban ngày tại Vương Quốc Anh là Richard Madeley và Judy Finnigan cũng đã làm điều tương tự và rất thành công. Hiếm có cuốn sách bán chạy nhất nào không có nhãn dán “Richard & Judy” vào những năm 2000. Năm 2017, nữ diễn viên Reese Witherspoon cũng đã chứng minh bản thân có tầm ảnh hưởng ngang ngửa Oprah sau khi ra mắt Reese's Book Club - diễn đàn trực tuyến tập trung vào các tác giả nữ. Các chuyên gia trong ngành đã ghi nhận Witherspoon như người thúc đẩy thành công của những tiểu thuyết như Eleanor Oliphant hoàn toàn ổn của Gail Honeyman, Sorrow and Bliss của Meg Mason hay Xa ngoài kia nơi loài tôm hát của Delia Owens...

Những người cũng có các câu lạc bộ sách “hạng A” khác có thể kể đến nữ diễn viên Natalie Portman, Sarah Michelle Gellar, ca nhạc sĩ Florence Welch, Kaia Gerber, Gwyneth Paltrow, Emma Watson, Dakota Johnson và rapper Noname. Người dẫn chương trình Jimmy Fallon thậm chí cũng gia nhập “hoạt động” này với Fallon Book Club, mặc dù trong những tháng gần đây có vẻ như nó đã biến thành một phương tiện cho những cuốn sách do chính ông viết.

Hoàn toàn có thể nghĩ rằng tất cả những điều này tạo nên một phương pháp thân thiện và dễ dàng hơn để đưa sách đến các độc giả thích đọc. Nhưng những người nổi tiếng, đam mê nói trên không hẳn là những người yêu sách thực thụ. Họ là những người quen mặt, có sức ảnh hưởng, giàu có với mạng xã hội cần lấp đầy các bài đăng sao cho phong phú trong lúc các nhà xuất bản cũng cần quảng bá rầm rộ tác phẩm của mình.

Tất cả những điều này là triệu chứng của một vấn đề lớn hơn trong ngành xuất bản. Theo đó những người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng đang chen chân vào mọi ngóc ngách của chính ngành này, khi cùng với việc tổ chức các câu lạc bộ sách, họ còn đang “viết” sách thiếu nhi, sách tội phạm, sách dạy nấu ăn cũng như tự truyện. Chuyện chẳng có gì nếu ở khía cạnh nào đó họ đang đồng thời gây sức ép lên những nhà văn thực thụ, những người được đào tạo bài bản và cống hiến cả cuộc đời cho nghề nghiệp thay vì chỉ là một mảng thuộc về “tay trái”.

Điều tương tự cũng đang xảy ra trong thế giới podcast, nơi người nghe không tìm thấy các chương trình có giá trị mà bản thân yêu thích bởi sự “chiếm sóng” của những người nổi tiếng trò chuyện cũng với những người cũng danh tiếng khác. Khi làm như vậy họ cũng đồng thời bóp nghẹt đối thủ cạnh tranh và hút sạch nguồn thu mà trước đây vốn dành cho những người làm âm thanh chuyên nghiệp.

Không thể nghi ngờ “sứ mệnh” của Dua Lipa cùng câu lạc bộ sách của mình là rất cao cả. Chuyện vừa quảng bá thương hiệu, vừa truyền đi tình yêu sách và tạo ra diễn đàn cho các nhà văn có thể chia sẻ là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng với góc độ của một độc giả yêu thích văn chương, hãy luôn nhớ rằng còn có những cách khác nữa để khám phá ra các nhà văn, tác phẩm độc đáo, từ đó góp phần giúp đỡ một ngành công nghiệp đang gặp khó khăn.

Nhưng sau rốt chúng ta mong đợi gì khi biến tiểu thuyết trở thành một loại “phụ kiện” văn hóa? Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy trong các câu lạc bộ sách dành cho người nổi tiếng có thể là một bằng chứng về sức hấp dẫn của thể loại này đối với quần chúng, nhưng giống như tất cả các phong trào dân túy từ xưa đến nay, nền tảng của nó là rất nông cạn.

NGÔ MINH dịch từ The Independent