Thứ Hai, 17/06/2019 09:55

Căn tính và đời sống xã hội Việt Nam qua lăng kính người Pháp đầu thế kỷ XX

Trong công trình của mình, Paul Giran đề xuất một nghiên cứu về dân tộc An Nam: để khám phá những sức mạnh sâu kín của đời sống cộng đồng hoặc riêng tư

 Trong quá trình tiếp cận với Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn đầu tiên cuộc xâm lược mà người Pháp tiến hành ở Việt Nam, họ đã không tránh khỏi những bất ngờ, ngạc nhiên và suy tư về đất nước, con người Việt Nam. Điều đó thúc đẩy các học giả Pháp và châu Âu nghiên cứu và viết về văn hóa, tâm lý, tập tục Việt Nam.

Nhân dịp ra mắt hai tác phẩm Hội kín xứ An Nam Tâm lý dân tộc An Nam thuộc Tủ sách Pháp Ngữ - Góc nhìn Sử Việt, là tủ sách bao gồm những tác phẩm tiêu biểu nghiên cứu về Việt Nam viết bằng tiếng Pháp; Omega Plus Books tổ chức tọa đàm “Căn tính và đời sống xã hội Việt Nam qua lăng kính người Pháp đầu thế kỷ XX”, nhằm giao lưu giữa độc giả và các dịch giả về nội dung của hai cuốn sách này.

Hội kín xứ An Nam

Đây là tác phẩm nghiên cứu về hội kín ở xứ An Nam của tác giả người Pháp - Georges Coulet. Khởi từ sự bất ngờ và ngỡ ngàng của người Pháp về chuỗi sự kiện mưu loạn bạo động diễn ra ở khắp 3 kỳ của An Nam kéo dài từ cuối thế kỷ 19 đến trước năm 1930; đặc biệt là sự kiện 1913 ở Chợ Lớn (Phan Xích Long và các huynh đệ) và vụ Khám Lớn Sài Gòn năm 1916. Georges Coulet đã không hiểu làm thế nào mà tại cùng một thời điểm, ở khắp nơi trên toàn cõi Nam kỳ lại đồng loạt bùng nổ khởi nghĩa. Đào sâu nghiên cứu, ông nhận ra đây không thể là ngẫu nhiên, là sự bột phát của đám đông quần chúng mà phải có sự sắp xếp và tổ chức tinh vi. Từ đây mà ông tìm kiếm để bóc tách hòng tìm hiểu về hội kín.

Dịch giả Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ: Cuốn sách này cho chúng ta thấy, dưới cái nhìn của người Pháp thì luôn có những xáo động trong xã hội An Nam, vì luôn có những hội kín. Câu hỏi đặt ra là, những hội này mang bản chất và lí tưởng gì? Cuốn sách đã cố gắng chứng minh bằng cách phân tích các yếu tố phép thuật, tín ngưỡng và đời thường được tìm thấy trong tất cả các hội kín An Nam, rằng hội kín của người An Nam là một hiện tượng xã hội, chính xác trong bản chất và được định rõ qua những biểu hiện.

Tất cả hội kín trên đất An Nam đều bao hàm yếu tố: Phép thuật qua các biểu tượng, tín ngưỡng qua các nghi lễ và điều lệ, đời thường bởi tổ chức thực tế. Sự kết hợp mật thiết của ba yếu tố này tạo nên một tổng thể hài hòa và một thực thể xã hội mạnh mẽ sống động.

 

Tâm lý dân tộc An Nam

Đây là công trình nghiên cứu của Paul Giran - một quan chức cai trị thuộc địa Pháp, xuất bản vào năm 1904 sau hơn ba năm thu thập và tích lũy quan sát ở Đông Dương, để phục vụ công cuộc thực dân của nước Pháp trên đất An Nam. Ông cho rằng, để cai trị tốt một dân tộc, trước tiên phải học hỏi tìm hiểu; và biết rõ về nó, phải thấu đáo tâm hồn, thần minh của họ.

Khung cảnh buổi tạo đàm

Trong công trình của mình, Paul Giran đề xuất một nghiên cứu về dân tộc An Nam: để khám phá những sức mạnh sâu kín của đời sống cộng đồng hoặc riêng tư; rút ra các nguyên tắc tối thượng chi phối việc thành lập các thiết chế xã hội hoặc chính trị; phân tích mọi ảnh hưởng mạnh mẽ đã định hình nên lịch sử và sự tiến hóa của nó. Hai nguyên nhân chính, theo Paul Giran, đã góp phần vào sự hình thành bản sắc dân tộc An Nam: chủng tộc và môi trường, đó cũng là đối tượng mà công trình này tập trung khảo sát.

Dịch giả Phan Tín Dụng cho biết: Để hiểu thấu đáo “tâm hồn và thần minh” của người An Nam, Paul Giran, cũng như nhiều đồng nghiệp của ông, đã thâm nhập và sinh sống để học ngôn ngữ và hiểu người bản xứ. Qua đó, khắc họa nên đặc điểm quốc gia, sự tiến hóa lịch sử, trí thông minh, xã hội và chính trị An Nam; tất cả nhằm phục vụ cho công cuộc thực dân của nước Pháp.

Như vậy, 115 năm (1904 - 2019) đã qua đi kể từ thời điểm tác phẩm được xuất bản. Một thế kỷ, với rất nhiều sự kiện, trở thành một quãng độ thích hợp cho sự nhìn nhận của người Việt Nam hiện đại về quá khứ của chính dân tộc mình, để cố gắng hiểu hơn về ông cha mình và những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Sự thấu hiểu có được không chỉ thông qua tài liệu của người Việt mà còn qua “lăng kính” nhìn nhận của người Pháp đương thời, mà dù muốn hay không, đã gắn kết, trên một số phương diện, vào số phận Việt Nam thế kỷ XX.

Giới thiệu Tâm lý dân tộc An Nam trong Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt, những người làm sách mong muốn gửi đến độc giả một tài liệu tham khảo khả tín, góp thêm một tài liệu có ích để tìm hiểu về Tâm lý dân tộc An Nam: đặc điểm quốc gia; sự tiến hóa lịch sử, trí tuệ, xã hội và chính trị, hòng truy nguyên căn tính của một số hiện tượng tâm lý xã hội có thể còn gây nhức nhối cho chúng ta ngày hôm nay.

HÀN SƠN