. NGUYỄN THỊ KIM TIẾN - VŨ THỊ YẾN
Mở đầu
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, dân tộc Việt Nam đã cho thấy tinh thần bất khuất kiên cường, đồng lòng đồng sức của mọi tầng lớp trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc. Đặc biệt, cuộc kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1954 - 1975 đã đi qua không chỉ là một cuộc chiến khốc liệt, cam go mà còn là nơi biểu hiện tập trung nhất tinh thần quả cảm, anh dũng của người lính Cụ Hồ. Do vậy, cảm hứng bi hùng trở thành một nguồn mạch chảy xuyên suốt trong văn học kháng chiến, đặc biệt là trong văn học kháng chiến chống Mỹ. Tuy nhiên, nếu khúc tráng ca mang cảm hứng lãng mạn sử thi được nhắc đến nhiều khi văn học cách mạng phản ánh ngay trong giai đoạn khói lửa này từ điểm nhìn nhân danh cộng đồng thì văn học hậu chiến (văn học phản ánh hiện thực chiến tranh sau hoà bình) một mặt vẫn phát huy cảm hứng sử thi cách mạng, mặc khác thay vì đứng từ điểm nhìn tập thể, nhà văn, tác phẩm đứng trên lập trường cá nhân để nói rõ, cụ thể, dân chủ về nguồn cảm hứng đó. Do đó, dù chiến tranh đã đi qua, nhưng đề tài về chiến tranh, về cuộc kháng chiến chống Mỹ nói riêng của dân tộc vẫn trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho những nhà văn, nhất là những ai cũng đã từng kinh qua thời khói lửa, đạn bom ác liệt ấy. Một mặt khác, văn học sau 1986 đã cho phép nhà văn phát huy tư duy nghệ thuật, tái hiện một cách đầy đủ, chân thực từ góc nhìn cá nhân của mình về cuộc chiến vĩ đại của dân tộc. Ở đâu có chiến tranh ở đó có người lính. Nói cách khác, người lính ở thời nào cũng luôn phát huy tinh thần kiên định, quả cảm mỗi khi Tổ quốc lâm nguy. Nhưng không hẳn, trong mỗi phút mỗi giây, trong từng hơi thở, họ - những người lính Cụ Hồ, lại không hề nghĩ đến chút riêng tư, nghĩ đến cá nhân chính họ. Viết về người lính thời kỳ chống Mỹ, Văn Lê, là một nhà văn đã lựa chọn hướng khai thác về họ từ điểm nhìn soi chiếu cá nhân trong các tiểu thuyết của mình, qua đó, không chỉ dừng lại ở những bản hùng ca về chiến thắng mà còn đi sâu vào thân phận con người, vào những tổn thương, mất mát của người lính. Ở đó, người lính không chỉ là những chiến binh kiên cường mà còn là những con người với những giằng xé nội tâm, những cuộc đấu tranh giữa lý tưởng và hiện thực, giữa sự hy sinh cao cả và những bi kịch cá nhân.
Đặc biệt, trong tiểu thuyết hậu chiến, giá trị của cuộc chiến không còn chỉ được đánh giá qua thắng bại mà còn qua những hệ lụy sâu sắc mà nó để lại trong đời sống con người. Văn học không chỉ phản ánh chiến tranh như một sự kiện lịch sử mà còn là một không gian đối thoại giữa con người với những ký ức đau thương, nơi các nhân vật phải vật lộn với những câu hỏi chưa có lời giải về ý nghĩa của sự hy sinh, về cái chết và sự sống. Bộ ba tiểu thuyết Mùa hè giá buốt, Cao hơn bầu trời, Nếu anh còn được sống của Văn Lê là những tác phẩm tiêu biểu cho tinh thần ấy. Trong đó, chiến tranh không chỉ là bối cảnh mà còn là một thực thể khắc nghiệt, nơi người lính phải đấu tranh không chỉ với kẻ thù mà còn với chính nỗi đau của mình, nơi cái chết không chỉ tồn tại trên chiến trường mà còn kéo dài trong tâm trí những người sống sót. Văn Lê không chỉ kể chuyện chiến tranh, mà ông còn mở ra những không gian suy tưởng, nơi người lính phải đối diện với chính mình, với những ám ảnh, day dứt và đôi khi là cả những hoài nghi về cuộc chiến mà họ đã tham gia.
Bài viết sử dụng phương pháp lịch sử - xã hội, kết hợp lý thuyết tự sự học, để phân tích cảm hứng bi tráng thông qua hình tượng người lính trong tiểu thuyết của Văn Lê. Cách tiếp cận này cho phép làm sáng tỏ không chỉ bối cảnh lịch sử và những biến động xã hội tác động đến nhân vật, mà còn đào sâu vào kết cấu tự sự, những thủ pháp nghệ thuật phản ánh hình tượng người lính (trước, trong và sau chiến tranh) đã trải qua ra sao đặt trong bối cảnh tái hiện không gian chiến trận thời kỳ chống Mỹ.
Điểm độc đáo trong sáng tác của Văn Lê là sự hòa quyện tinh tế giữa cảm hứng bi hùng, chất lãng mạn cá nhân hoá và khuynh hướng sử thi. Những trang viết của Văn Lê không chỉ dựng lên những bản hùng ca sử thi, mà còn làm vang vọng những tiếng lòng lặng lẽ; những khoảnh khắc tuy yếu mềm nhưng không gục ngã của con người. Đó là sự kết hợp giữa chủ nghĩa anh hùng cách mạng với những trăn trở nhân sinh, giữa khí phách kiên cường và nỗi đau hậu chiến quy chiếu từ điểm nhìn cá nhân của người lính, tạo nên chiều sâu tư tưởng và giá trị nhân văn mạnh mẽ cho tác phẩm.
2. Bi kịch chiến tranh và thân phận người lính
Bi kịch chiến tranh là những mất mát, đau thương mà chiến tranh gây ra cho con người và xã hội. Đó không chỉ là sự tàn phá về vật chất, mà quan trọng hơn, nó còn để lại những vết thương tinh thần sâu sắc, những ám ảnh kéo dài ngay cả khi bom đạn đã ngừng rơi. Bi kịch này thể hiện qua sự hy sinh, chia ly, những mất mát không thể bù đắp và cả những hệ lụy kéo dài trong thời hậu chiến. Trong văn học, bi kịch chiến tranh không chỉ phản ánh sự khốc liệt của chiến trận, mà còn đặt ra những câu hỏi sâu sắc về ý nghĩa của hy sinh, sự phi lý của bạo lực và số phận con người trong dòng chảy lịch sử.
Thân phận người lính là những trải nghiệm, số phận và tâm thế của những con người trực tiếp tham gia chiến tranh. Họ không chỉ là những người cầm súng chiến đấu vì Tổ quốc, mà còn là những cá nhân với những ước mơ, tình cảm, nỗi đau riêng. Văn học về chiến tranh chống Mỹ sau 1975 đã phản ánh nhiều góc nhìn về thân phận người lính: từ hình tượng người hùng kiêu hãnh, những con người sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng, đến những nạn nhân của chiến tranh, mang trên mình vết thương thể xác lẫn tinh thần. Thân phận ấy không kết thúc khi chiến tranh chấm dứt, mà tiếp tục giằng xé trong những ký ức hậu chiến, những day dứt về quá khứ, những mất mát không thể hồi phục.
Chiến tranh đã để lại những bi kịch lớn trong lịch sử, nhưng ngay trong những đau thương ấy cũng bừng lên ánh sáng của tinh thần kiên cường, bất khuất. Bộ ba tiểu thuyết Mùa hè giá buốt, Cao hơn bầu trời và Nếu anh còn được sống không chỉ khắc họa sự mất mát, tổn thương của người lính mà còn làm bật lên vẻ đẹp kiêu hùng của họ. Người lính trong trang văn của Văn Lê không chỉ là những con người chịu đựng, mà họ còn bước lên như những tượng đài vĩnh cửu, mang trong mình bi kịch chiến tranh nhưng vẫn hiên ngang trước số phận. Điều làm nên sự độc đáo trong cách xây dựng hình tượng người lính của Văn Lê chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bi và hùng, giữa những giằng xé nội tâm đầy ám ảnh với sự kiêu hãnh không bao giờ tắt.
Trong Mùa hè giá buốt, chiến tranh hiện lên như một cỗ máy tàn khốc, nghiền nát từng con người, như cơn lốc xoáy nghiệt ngã của lịch sử đã cuốn hàng triệu con người vào vòng xoáy sinh tử, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Nguyễn Sỹ Việt, người tiểu đoàn trưởng dạn dày trận mạc, nhưng cũng là một con người đầy giằng xé giữa niềm tin và sự nghiệt ngã của số phận. Anh không sợ cái chết, nhưng ám ảnh bởi sự mong manh của sinh mệnh con người giữa bão lửa chiến tranh. Đêm đêm, trong hơi sương lạnh buốt của rừng già, tiếng cú cười vang vọng như điềm báo của oan nghiệt, len lỏi vào từng thớ thịt, thấm vào từng mạch máu, khiến Việt không khỏi rùng mình. “Có ai đó nói rằng bom đạn không có mắt! Điều này thật chí lý! Bởi vậy mà bữa nay nó không xuyên vào anh. Ngày mai cũng không xuyên vào anh. Tháng sau và năm sau cũng thế! Nhưng không lẽ bom đạn cứ tránh đường cho anh đi qua cuộc chiến tranh?” (Văn Lê 2012: 23). Người lính ra trận như con thuyền nhỏ bé trôi trên dòng nước xoáy, chẳng ai biết khi nào sóng dữ sẽ nhấn chìm, khi nào số phận sẽ vùi dập họ xuống bùn đất lạnh lẽo.
Những trận đánh tiếp nối nhau như cơn cuồng phong của thời đại, cuốn phăng đi từng đồng đội, từng gương mặt quen thuộc, để lại trong lòng người lính nỗi xót xa thăm thẳm. Họ không chỉ đối diện với quân thù, mà còn đối diện với chính nỗi đau khi buộc phải cầm súng bắn vào đồng bào mình. “Trong cuộc chiến này, người lính không chỉ có nhiệm vụ đánh thắng quân xâm lược, mà còn phải đánh thắng cả đối phương có cùng huyết thống với mình. Có lẽ đây mới chính là điều khổ tâm nhất, nhức nhối nhất, mà dù muốn hay không, người lính cũng phải vượt qua” (Văn Lê 2012: 433). Đạn bay trên chiến trường đã là một nỗi kinh hoàng, nhưng nhát dao đâm vào tâm khảm con người còn sắc lạnh hơn gấp bội. Chiến tranh không chỉ giết chết thể xác, mà còn tước đoạt đi cả phần nhân tính, để lại trong tim người lính những khoảng trống hoang hoải không gì có thể lấp đầy. Giữa những ngày tháng chết chóc ấy, Việt chợt nhận ra rằng chiến tranh không chỉ cướp đi mạng sống, mà còn bóp nghẹt những điều bình dị nhất. Một tiếng chim hót, một bản nhạc xưa, một khoảnh khắc bình yên - tất cả đều trở thành thứ xa xỉ trong thế giới ngập tràn bom đạn. “Chiến tranh đã cướp đi của người lính nhiều thứ quá. Ngay cả âm thanh đời thường, họ cũng không có thời gian để mà tận hưởng nữa” (Văn Lê 2012: 311). Người lính ra đi với một trái tim sôi sục, nhưng trở về chỉ còn là những vết thương không chỉ trên da thịt mà còn trong tâm hồn.
Chiến tranh không chỉ gieo rắc đau thương lên những vùng đất mà nó đi qua, mà còn khắc sâu vào số phận những con người bị cuốn vào vòng xoáy nghiệt ngã của thời cuộc. Chiến tranh là phép thử khắc nghiệt nhất đối với con người, đặc biệt là những người lính. Những con người đã đánh đổi tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc cá nhân để dấn thân vào cuộc chiến không biết ngày trở về. Lê Phú Vinh trong Cao hơn bầu trời là một trong những người như thế. Được đào tạo bài bản tại trường sĩ quan, mang trong mình lý tưởng của một chiến binh, nhưng chiến tranh không chỉ rèn giũa anh thành một người lính, mà còn để lại trên thân thể và tâm hồn anh những vết thương không bao giờ lành. Cuộc đời anh là chuỗi dài những mất mát, từ những trận chiến khốc liệt, sự hi sinh của đồng đội, đến những đau thương cá nhân, sự bào mòn của thời gian và số phận: nỗi đau thân thể, tình yêu tan vỡ, tâm hồn bị bào mòn. Người ta thường nói, chiến tranh kết thúc là khi người lính được trở về với cuộc sống bình thường. Nhưng với Lê Phú Vinh, chiến tranh đã lấy đi tất cả, để lại cho anh một cuộc sống không còn ý nghĩa. Sau tất cả, anh không còn gì cả, không quê hương, không gia đình, không tình yêu. Hoá ra bi kịch của Lê Phú Vinh không nằm ở những vết thương trên da thịt, mà ở chính những tổn thương không bao giờ có thể chữa lành trong tâm hồn anh. Anh đã sống sót sau chiến tranh, nhưng không thể tìm lại chính mình. Anh đã trở về, nhưng không còn ai chờ đợi. Anh đã chiến đấu kiên cường, nhưng cuối cùng, lại thất bại trong chính cuộc đời mình.
Chiến tranh là một con quái vật háu đói, nuốt chửng những chàng trai trẻ rồi nhả ra những oan hồn không nơi nương náu. Người lính, từ giây phút khoác lên mình bộ quân phục, đã không còn thuộc về bản thân mà trở thành một mảnh ghép vô danh trong cỗ máy khổng lồ của lịch sử. Nguyễn Quang Bình một chàng trai tuổi đôi mươi, hừng hực lý tưởng, nhưng chiến tranh đã biến anh thành một con thuyền nhỏ bé trôi dạt giữa cơn cuồng phong của bạo lực và số phận. Cả Lê Phú Vinh và Nguyễn Quang Bình đã từng bước vào cuộc chiến với trái tim nóng bỏng, để rồi từng ngày bị bào mòn bởi những mất mát, những hoài nghi. Chiến tranh không chỉ có ranh giới giữa ta và địch, mà còn có những lằn ranh mong manh khác, nơi mà đôi khi, người chiến sĩ bị đặt vào tình thế phải chứng minh lòng trung thành không chỉ bằng máu, mà còn bằng cách gồng mình trước những phán xét. Và rồi, sau mỗi trận chiến, khi tiếng súng lặng đi, khi khói lửa tan dần, thứ còn lại chỉ là những khoảng trống. “Họ ngồi nhìn nhau, thương tiếc người đã chết. Trưa hôm ấy, không ít người đã bỏ ăn vì đau khổ, mất mát” (Văn Lê 2002: 172). Chiến thắng nào cũng phải trả giá. Và cái giá ấy không chỉ là máu, mà còn là những giấc ngủ đầy ám ảnh, là sự trống rỗng sau mỗi lần đếm lại số người còn sống, khi họ phải chứng kiến sự ra đi của đồng đội trước mắt mình.
Tuy nhiên, bi kịch lớn nhất của người lính không phải là bị hiểu lầm, không phải là cái chết, mà là sự lãng quên. Nguyễn Quang Bình không sợ đạn lạc, không sợ máu đổ, nhưng anh sợ một điều còn kinh khủng hơn: sợ mình chỉ là một con số trong bảng thống kê, một cái tên khắc vội trên tấm bia đá lạnh lẽo. Văn Lê đã để nhân vật của mình tồn tại không chỉ trong cõi thực, mà còn trong cõi siêu hình, như một cách để nói rằng, những người lính ấy sẽ không bao giờ biến mất. Họ có thể ngã xuống trên chiến trường, nhưng tinh thần họ vẫn còn mãi với thời gian. Hình ảnh Bình đứng bên dòng sông âm phủ, ánh mắt xa xăm hướng về phía trận địa, không phải là sự tuyệt vọng, mà là sự tiếp nối, họ vẫn còn đó, họ vẫn tiếp tục chiến đấu trong ký ức, trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nguyễn Sỹ Việt, Lê Phú Vinh, Nguyễn Quang Bình… không chỉ là một cá nhân, mà là bóng hình của cả một thế hệ. Họ ra đi với tất cả hoài bão và niềm tin, nhưng chiến tranh đã thiêu rụi tất cả, chỉ còn để lại những con người lặng lẽ bước ra khỏi cuộc binh đao với đôi mắt trống rỗng. Một thế hệ đã cháy hết mình như những bó đuốc, để soi sáng cho lịch sử, nhưng ánh sáng ấy cũng chính là ngọn lửa thiêu đốt tâm hồn họ đến tận cùng. Và chiến tranh dù chính nghĩa hay phi nghĩa vẫn mãi mãi là một bi kịch của con người. Đây cũng chính là điều mà các tiểu thuyết Văn Lê khi nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ, chạm đến mất mát, nỗi đau một cách thường trực nhất để nhắc nhớ rằng, chúng ta không quên quá khứ. Nhớ đến nó, tuy đau thương nhưng để chúng ta biết sống một cách mạnh mẽ hơn, kiêu hãnh vươn mình lớn hơn.
Lịch sử dân tộc được dệt nên bởi máu, nước mắt và những khúc tráng ca bi hùng của những người lính. Họ ra đi từ những làng quê yên bình, mang theo trái tim rực lửa, chiến đấu không chỉ để bảo vệ quê hương mà còn để khẳng định một tinh thần không thể khuất phục. Văn học như một tấm gương phản chiếu thời đại, đã khắc họa hình tượng người lính không chỉ ở vẻ đẹp hào hùng mà còn trong những khoảnh khắc đau thương, mất mát. Nhưng chính trong đau thương, tinh thần họ lại trở nên bất diệt như ngọn lửa không bao giờ lụi tàn, như khúc tráng ca mãi vang vọng trong tâm thức dân tộc. Những trang văn viết về người lính không chỉ là chứng tích lịch sử mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, của sự hy sinh cao cả, để thế hệ sau mãi cúi đầu tri ân và tiếp nối.
Chiến tranh không chỉ là bối cảnh, mà còn là phép thử khốc liệt nhất đối với con người, nơi những phẩm chất cao đẹp nhất được tôi luyện trong khổ đau. Hình tượng người lính từ lâu đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng, của lòng yêu nước và không ngừng được tái hiện, bổ sung và đổi mới qua từng thời kỳ. Nếu trước đây, văn học thường khắc họa người lính như những chiến binh bất bại, sống và chiến đấu với lý tưởng thuần khiết, thì đến giai đoạn sau, họ được nhìn nhận với cái nhìn đa chiều hơn: không chỉ là những anh hùng trên chiến trường, mà còn là những con người mang trong mình cả nỗi đau, sự giằng xé nội tâm và những ám ảnh không dễ nguôi ngoai. Bộ ba tiểu thuyết Mùa hè giá buốt, Cao hơn bầu trời và Nếu anh còn được sống của Văn Lê đã đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong cách tiếp cận đề tài chiến tranh chống Mỹ. Không chỉ ca ngợi tinh thần quật cường của người lính, Văn Lê còn chạm đến những góc khuất đầy ám ảnh của họ. Nơi nỗi sợ, mất mát và day dứt hòa quyện cùng lòng kiêu hãnh và ý chí kiên cường. Với giọng văn giàu chất hiện thực nhưng không mất đi âm hưởng sử thi, với kết cấu đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa ranh giới của sự sống và cái chết, Văn Lê đã làm sống dậy những con người không chỉ chiến đấu vì Tổ quốc, mà còn chiến đấu với chính số phận của mình. Những người lính trong tác phẩm của ông, dù đã ngã xuống hay vẫn tiếp tục bước đi, đều trở thành một phần của lịch sử, của ký ức dân tộc - nơi họ không chỉ được nhớ đến, mà còn bất tử trong tâm thức bao thế hệ mai sau.
Điểm độc đáo trong nghệ thuật xây dựng hình tượng người lính của Văn Lê là sự hòa quyện tinh tế giữa yếu tố bi và hùng. Thay vì lý tưởng hóa nhân vật theo khuynh hướng sử thi đơn thuần, nhà văn đã khắc họa những con người mang đầy đủ cung bậc cảm xúc: sợ hãi, giằng xé, đau đớn, nhưng không khuất phục. Chính sự đối lập giữa nỗi đau cá nhân và lý tưởng cộng đồng đã làm nên vẻ đẹp chân thực, sinh động của hình tượng người lính trong các tiểu thuyết của ông. Với giọng văn giàu tính hiện thực nhưng không kém phần sử thi, kết cấu đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa cõi sống và cõi chết, Văn Lê đã thổi vào nhân vật của mình linh hồn của ký ức dân tộc. Những người lính trong tác phẩm không chỉ là nhân chứng của lịch sử, mà họ còn là biểu tượng bất diệt của tinh thần dân tộc, tồn tại vĩnh viễn trong tâm thức cộng đồng.
3. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần bất khuất
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng là một lý tưởng cao đẹp trong lịch sử dân tộc, thể hiện ở tinh thần sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nó không chỉ là sự dũng cảm, kiên trung trong chiến đấu mà còn là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên định trước mọi thử thách. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng không bó hẹp trong những hành động chiến đấu mà còn được thể hiện qua sự cống hiến, sự hi sinh thầm lặng của những con người bình dị nhưng mang trong mình lý tưởng cao cả.
Tinh thần bất khuất là phẩm chất cốt lõi của những con người kiên cường, không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ hay cường quyền. Đó là sức mạnh tinh thần to lớn giúp con người vượt qua nghịch cảnh, vững vàng trước mọi thử thách của lịch sử. Tinh thần bất khuất không chỉ biểu hiện ở chiến trường mà còn trong đời sống, trong sự đấu tranh nội tâm của con người với chính mình, với những hoài nghi, mất mát để tiếp tục tiến bước.
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần bất khuất của người lính trong tiểu thuyết của Văn Lê không chỉ là một biểu tượng nghệ thuật mà còn là tiếng vọng bi tráng của lịch sử. Trong ba tác phẩm Mùa hè giá buốt, Cao hơn bầu trời, Nếu anh còn được sống Văn Lê đã khắc họa một cách chân thực và sâu sắc hình tượng người lính Việt Nam - những con người đã sống và chiến đấu với tất cả lòng dũng cảm, niềm tin và lý tưởng sắt đá. Một Nguyễn Sĩ Việt có tài thao lược, là linh hồn của đồng đội, luôn giữ vững tinh thần kiên định trước những khốc liệt của đạn bom. Anh không chiến đấu vì danh vọng hay huân chương, mà vì một lý tưởng lớn lao hơn chính bản thân họ khi họ biết sau lưng mình là nhân dân, là những người mẹ già, những đứa trẻ ngây thơ, những mái nhà đơn sơ đang ngày đêm mong chờ chiến thắng. Bởi vậy, họ sẵn sàng lao vào lửa đạn, sẵn sàng ngã xuống để bảo vệ mảnh đất quê hương. Ở nơi bom đạn trút xuống như mưa, ở nơi sự sống chỉ mong manh như sợi tóc, những người lính vẫn xông lên, như những ngọn sóng trào bất tận. Họ không hề mù quáng trước cái chết, mà là những người thấu hiểu nhất giá trị của sự sống, để rồi sẵn sàng đánh đổi nó cho Tổ quốc. Hơn bao giờ hết, chủ nghĩa anh hùng cách mạng không còn là những lời tung hô sáo rỗng, mà là sự hy sinh tận cùng, là ý chí sắt đá không thể lay chuyển trước mọi gian nguy.
Nếu quân thù chiến đấu bằng súng đạn, thì những người lính cách mạng chiến đấu bằng một thứ vũ khí mạnh hơn: tình yêu đất nước. Chính tình yêu ấy đã giúp họ đi đến tận cùng gian khổ mà không một lần cúi đầu. Văn Lê từng khẳng định “Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vừa qua, chỉ có “sức mạnh tình yêu” mới giúp cho dân tộc ta chiến thắng được kẻ thù” (Văn Lê 2012: 571). Chính tình yêu ấy đã biến những con người bình dị thành những anh hùng, biến những đoàn quân từ nông thôn, làng mạc thành những chiến binh bất tử. Trong máu họ không chỉ có căm thù giặc, mà còn có khát vọng cháy bỏng về một đất nước thanh bình. Tinh thần đấy sẽ còn tiếp tục ở Lê Phú Vinh. Với anh, người lính không có quyền đầu hàng, dù chỉ là trước sự ghê rợn của cái chết. Thậm chí, trong thời khắc sự sống và cái chết chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh, họ vẫn chọn lòng bao dung dù không khoan nhượng. Nếu như Mùa hè giá buốt thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng giữa chiến trường khốc liệt, thì Cao hơn bầu trời lại đi sâu vào thế giới nội tâm của người lính. Nhân vật Lê Phú Vinh không chỉ đối mặt với kẻ thù ngoài kia mà còn với chính những hoài nghi, những giằng xé trong tâm hồn. Cuộc chiến không chỉ là trận mạc, mà còn là hành trình tìm kiếm và khẳng định niềm tin. Những người lính không phải lúc nào cũng bất khả chiến bại, họ cũng có lúc yếu lòng, có những câu hỏi, những đắn đo về lý tưởng của mình. Nhưng chính từ những khoảnh khắc đó, họ lại tìm ra ánh sáng của niềm tin, vươn lên giữa phong ba bão táp. Ở họ, chủ nghĩa anh hùng không chỉ là sự dũng cảm trong chiến đấu, mà còn là bản lĩnh kiên cường trước những thử thách tinh thần, là sự kiên trì bám trụ với lý tưởng ngay cả khi đối diện với mất mát, đau thương.
Khác với Mùa hè giá buốt, Cao hơn bầu trời, Nếu anh còn được sống là một bản giao hưởng đặc biệt về tinh thần bất khuất, khi chủ nghĩa anh hùng vượt qua cả ranh giới của sự sống và cái chết. Nguyễn Quang Bình, dù đã hy sinh, nhưng linh hồn anh vẫn tiếp tục hành trình, vẫn trăn trở với lý tưởng của mình, vẫn đồng hành cùng những người đồng đội còn sống. Không có chỗ cho sự do dự, không có khoảnh khắc nào để chùn chân. Tiếng súng của Nguyễn Quang Bình nổ ra không chỉ là âm thanh của trận chiến mà là khúc tráng ca của lòng yêu nước, của ý chí không thể khuất phục. Sự can trường ấy không phải là sự ngông cuồng nhất thời, mà là bản chất thấm sâu trong từng thớ thịt, từng hơi thở. Nguyễn Quang Bình không chỉ là một người lính, mà là biểu tượng sống động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Điều mà chúng ta đã gặp trong Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), Hòn Đất (Anh Đức), Dòng sông phẳng lặng (Tô Nhuận Vỹ), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu) trong văn học cách mạng 1954 - 1975. Anh là ngọn lửa thiêu rụi bóng tối, là thanh gươm chém xuống xiềng xích, là bức tường thép chặn đứng bước chân ngoại xâm. Máu của anh hòa vào đất, thân xác anh hóa thành cột mốc biên cương, tinh thần anh bất tử cùng sông núi. Một con người có thể ngã xuống, nhưng lý tưởng không bao giờ chết và những người lính như anh chính là hiện thân của chân lý vĩnh hằng ấy. Tác phẩm không chỉ tôn vinh sự hy sinh của những người lính mà còn mở ra một chiều sâu triết lý: tinh thần cách mạng không bao giờ lụi tàn, nó tồn tại mãi mãi, không chỉ trong những người đang sống, mà cả trong ký ức, trong linh hồn của những người đã ngã xuống. Văn Lê đã mang đến một cách tiếp cận mới mẻ, không chỉ dựng lên bức tranh chiến tranh khốc liệt mà còn chạm đến những tầng sâu của tâm hồn, nơi tinh thần bất khuất trở thành một giá trị vĩnh cửu, tiếp tục phát huy dòng mạch văn học sử thi cách mạng Việt Nam.
Những người lính trong tiểu thuyết của Văn Lê không chỉ dừng lại ở hình ảnh những chiến sĩ cầm súng mà còn là biểu tượng của lòng kiên trung, của sự hy sinh cao cả. Họ đã sống và chiến đấu không chỉ vì một cuộc chiến mà còn vì niềm tin vào tương lai, vào một đất nước hòa bình, độc lập. Những hy sinh của họ không bị lãng quên, mà còn mãi mãi vang vọng trong lòng những thế hệ sau. Hình tượng Nguyễn Sỹ Việt, Nguyễn Quang Bình, Lê Phú Vinh… không chỉ là một nhân vật văn học, mà là biểu tượng vĩnh cửu của tinh thần quật khởi Việt Nam. Ở các anh, ta không chỉ thấy một người lính kiên trung, mà còn thấy một linh hồn thép, một con người đã hòa mình vào lịch sử, sống và chiến đấu như thể anh chính là lịch sử. Những người lính như các anh đã viết nên trang sử hào hùng bằng chính máu xương của mình, để rồi hôm nay, mỗi tấc đất quê hương đều là minh chứng cho sự hy sinh ấy, mỗi mùa xuân đất nước đều nhắc nhớ về những con người đã ngã xuống. Họ có thể nằm lại nơi chiến trường, nhưng lý tưởng của họ sẽ mãi mãi khắc sâu trong lòng dân tộc, như những vì sao rực sáng trên bầu trời. Chiến tranh là thử thách khắc nghiệt nhất đối với con người, nơi chỉ những ai thực sự kiên trung mới có thể bước qua và để lại dấu ấn.
Văn học chiến tranh Việt Nam đã có nhiều tác phẩm ca ngợi người lính, nhưng tiểu thuyết của Văn Lê mang một sắc thái riêng vừa hào hùng, bi tráng, vừa mang chiều sâu nội tâm. Ông không thần thánh hóa người lính, không đặt họ lên bệ thờ, mà khắc họa họ với tất cả sự chân thật, những con người bằng xương bằng thịt, với niềm tin, nỗi đau, sự mất mát và cả những giây phút hoài nghi. Chính điều đó làm cho những nhân vật của ông trở nên gần gũi và để lại dư âm sâu sắc trong lòng người đọc. Hơn thế nữa trong sáng tác của mình Văn Lê đã khám phá người lính dưới góc nhìn của hậu chiến, nơi chiến trường không còn tiếng súng nhưng lòng người vẫn chưa nguôi những đợt chấn động âm ỉ. Nếu trước đây, văn học thường tập trung vào khúc khải hoàn hay nỗi đau mất mát trước mắt, thì ở Văn Lê, những vết thương tâm lý, sự bơ vơ của người lính trong thời bình, những ám ảnh không thể gọi tên trở thành chủ đề xuyên suốt. Ông soi chiếu vào vùng tối của họ, nơi người lính không còn là một hình mẫu lý tưởng mà là một con người đầy hoài nghi, day dứt, thậm chí cô độc ngay giữa hòa bình. Cảm thức hậu chiến trong tiểu thuyết của ông không phải sự bi lụy mà là một tiếng vọng từ quá khứ, một sự truy vấn về những gì con người phải trả giá sau chiến tranh. Đây chính là điểm làm nên chiều sâu triết lý trong sáng tác của Văn Lê, đưa thêm một chiều khai thác cận cảnh khúc bi ca bi tráng của người lính thời chống Mỹ toàn diện, chân thực thoát khỏi lãnh địa chỉ tô sáng một chiều về tượng đài người lính nói riêng như ở giai đoạn văn học chiến tranh cách mạng.
Nhìn chung, tiểu thuyết của Văn Lê không chỉ mở rộng biên độ phản ánh của văn học chiến tranh mà còn đặt ra những câu hỏi gai góc về thân phận người lính trong dòng chảy lịch sử. Ở đó, họ không chỉ là những con người của thời đại, mà còn là những linh hồn lưu lạc giữa những đổi thay khắc nghiệt của thời cuộc. Văn Lê không vẽ lên một huyền thoại, cũng không giam cầm họ trong nỗi buồn, mà để họ bước đi trên trang sách như những nhân chứng sống động của một giai đoạn khốc liệt và cả một thời kỳ đầy trăn trở sau đó. Chính điều đó đã giúp tiểu thuyết của ông trở thành những áng văn giàu sức nặng, không chỉ ca ngợi mà còn gợi mở, không chỉ tri ân mà còn chất vấn, để từ đó khắc sâu hơn bao giờ hết hình tượng người lính vừa bi hùng, vừa đau đáu một nỗi niềm nhân sinh.
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần bất khuất trong tiểu thuyết của Văn Lê không chỉ là câu chuyện của quá khứ, mà còn là thông điệp dành cho hiện tại và tương lai. Đó là lời nhắc nhở về giá trị của lòng yêu nước, về ý chí không lùi bước trước nghịch cảnh, về sức mạnh của niềm tin và lý tưởng. Những người lính trong tác phẩm của ông không chỉ sống và chiến đấu trong thời đại của họ, mà còn trở thành biểu tượng bất diệt, truyền cảm hứng cho muôn đời sau. Và chính vì thế, những trang sách của Văn Lê không chỉ là những câu chuyện về chiến tranh, mà còn là những áng văn mang đậm hơi thở của lịch sử, của tình người và của một tinh thần không bao giờ khuất phục.
4. Sự hòa quyện giữa cảm hứng lãng mạn cá nhân hoá và khuynh hướng sử thi
Cảm hứng lãng mạn trong văn học là xu hướng sáng tác đề cao cái đẹp, lý tưởng hóa con người và cuộc sống, thể hiện khát vọng vươn lên vượt qua thực tại khắc nghiệt. Cảm hứng này thường hướng đến những hình tượng phi thường, giàu cảm xúc mãnh liệt, với bút pháp bay bổng, giàu chất thơ. Trong văn học Việt Nam, cảm hứng lãng mạn thường gắn liền với hình ảnh những con người kiên trung, giàu lý tưởng, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt vẫn giữ vững niềm tin và khát vọng cao đẹp.
Khuynh hướng sử thi là đặc điểm của những tác phẩm văn học phản ánh những sự kiện, con người mang tầm vóc lịch sử, thể hiện ý thức cộng đồng và khát vọng của dân tộc. Những tác phẩm có khuynh hướng sử thi thường xây dựng hình tượng nhân vật tiêu biểu, đại diện cho lý tưởng và phẩm chất cao đẹp của một thời đại. Giọng điệu sử thi thường trang trọng, hào hùng, kết hợp giữa cái nhìn hiện thực với cảm hứng ngợi ca, nhằm khắc họa những chiến công, những cuộc đấu tranh có ý nghĩa lớn lao đối với vận mệnh dân tộc.
Tiểu thuyết viết về chiến tranh chống Mỹ nói riêng không chỉ là bản tráng ca về những cuộc đấu tranh vĩ đại mà còn là bức tranh tâm hồn của con người trong thử thách khắc nghiệt. Cảm hứng lãng mạn và khuynh hướng sử thi, khi hòa quyện, tạo nên sức vang vọng sâu xa cho thể loại này. Khuynh hướng sử thi đặt con người vào dòng chảy lịch sử, khắc họa hình tượng tập thể với lý tưởng cao cả, trong khi cảm hứng lãng mạn làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn, khát vọng và chiều sâu xúc cảm cá nhân. Sự kết hợp giữa hai yếu tố này giúp hình tượng người lính vừa mang tầm vóc sử thi vừa giàu chất nhân văn. Họ không chỉ là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng mà còn là những con người biết yêu thương, biết đau khổ, biết hy sinh. Nhờ đó, tiểu thuyết chiến tranh không chỉ tái hiện những chiến công mà còn phản ánh những giằng xé nội tâm, những ước vọng và mất mát, làm nên tính chân thực và sức hấp dẫn nghệ thuật. Cảm hứng lãng mạn và khuynh hướng sử thi là hai yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh và vẻ đẹp của hình tượng người lính. Không chỉ là những con người thép, sẵn sàng xả thân vì đất nước, họ còn mang trong mình những hoài bão, những ước mơ và những tình cảm sâu lắng. Dấu ấn này tiếp tục được Văn Lê khai thác và phát huy trong các tiểu thuyết của mình khi viết về người lính của thời kỳ chống Mỹ. Mặt khác, với bối cảnh phản ánh dân chủ, có độ lùi về mặt tư duy nghệ thuật, bút pháp lãng mạn kết hợp sử thi anh hùng ca đã khiến tượng đài về người lính trong sáng tác của Văn Lê được cá nhân hoá một cách gần gũi, chân thực, không thuần nhất một chiều.
Chiến tranh không chỉ là những trận đánh ác liệt, những hy sinh mất mát, mà còn là một bức tranh đậm chất trữ tình, nơi lý tưởng sống và tình cảm con người tỏa sáng giữa khói lửa. Chính sự đan xen giữa cảm hứng lãng mạn và khuynh hướng sử thi đã làm nên vẻ đẹp bi tráng của văn học chiến tranh Việt Nam, đặc biệt qua ba tiểu thuyết Cao hơn bầu trời, Mùa hè giá buốt và Nếu anh còn được sống của Văn Lê. Không chỉ tái hiện những cuộc chiến sinh tử, những trang văn của ông còn mở ra những khoảng lặng sâu sắc về tình đồng đội, tình yêu và những khát vọng bình dị của con người giữa thời loạn. Ở đó, hình tượng người lính không chỉ hiện lên như những anh hùng sử thi mang trong mình sứ mệnh dân tộc, mà còn là những con người với những xúc cảm chân thực, những nỗi trăn trở về số phận, sự sống và cái chết. Chính sự hòa quyện này đã tạo nên sức sống mãnh liệt cho tác phẩm, khiến chiến tranh không chỉ là bi kịch mà còn là một khúc tráng ca đẹp đẽ về con người và thời đại.
Dưới ngòi bút của Văn Lê, chiến tranh không chỉ có khói lửa, bom đạn và những mất mát tang thương, mà còn có cả những khoảng trời bình yên trong tâm hồn người lính nơi họ giữ cho mình những ký ức đẹp, những tình yêu tha thiết và những giấc mơ chưa bao giờ tắt. Trong Mùa hè giá buốt, Nguyễn Sỹ Việt hiện lên không chỉ là một tiểu đoàn trưởng dạn dày, gan góc mà còn là một con người với những phút giây trầm tư, nhớ về quê hương, về những điều bình dị nhất mà chiến tranh đã vô tình cuốn đi. Bên cạnh anh, Bích Vân - người nữ chiến sĩ kiên trung không chỉ chiến đấu với lòng quả cảm mà còn mang trong mình một trái tim đầy yêu thương. Giữa những trận chiến khốc liệt, tình yêu giữa họ không phải là một chuyện tình lãng mạn kiểu cổ tích, mà là một sự đồng hành, một sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh cho nhau để bước qua những ngày gian khó nhất.
Nhưng không chỉ có tình yêu đôi lứa, lãng mạn trong tác phẩm của Văn Lê mà còn là sự lãng mạn của lý tưởng, của niềm tin bất diệt vào chính nghĩa. Cao hơn bầu trời đưa người đọc đến với một thế hệ thanh niên trẻ bước vào cuộc chiến với những khát vọng lớn lao. Lê Phú Vinh không chỉ là một người lính đơn thuần, mà là biểu tượng cho những con người đã chọn sống vì lý tưởng cao đẹp. Qua những trang văn của Văn Lê, cuộc chiến hiện lên không chỉ là sự đối đầu giữa hai chiến tuyến, mà còn là sự giằng xé nội tâm giữa ước mơ, trách nhiệm và những đánh đổi không thể tránh khỏi. Và trong chính những khoảnh khắc đó, chất lãng mạn được nâng lên thành một vẻ đẹp bi tráng, khi con người dẫu biết có thể mất mát, hy sinh nhưng vẫn dấn thân không hề do dự. Thậm chí, Nguyễn Quang Bình (Nếu anh còn được sống) đã được đặt vào một hành trình đầy siêu thực, nơi cái chết không phải là điểm kết thúc mà là một cánh cửa dẫn đến những câu hỏi chưa lời đáp. Ở đấy, chiến tranh không còn chỉ là súng đạn, mà còn là một cuộc kiếm tìm ý nghĩa của sự tồn tại, nơi ranh giới giữa sự sống và giấc mơ, giữa sử thi và trữ tình, giữa hào hùng và mong manh. Tất cả trở nên mờ ảo, huyễn hoặc nhưng đầy mê hoặc bởi ở đó, tận đến sau cùng vẫn là khúc ca hào sảng về tinh thần chiến đấu của người lính. Điều này giúp bộ ba tiểu thuyết của Văn Lê thấm đẫm cảm hứng sử thi. Ở đó, người lính không chỉ là những cá nhân riêng lẻ mà còn là hình ảnh đại diện cho cả một thế hệ, một dân tộc kiên cường. Trong từng trang sách, họ hiện lên không phải với những câu chuyện vụn vặt của đời thường, mà là những con người mang trên vai vận mệnh của đất nước, của thời đại. Từng trận đánh, từng bước chân hành quân, từng giọt mồ hôi và máu đổ xuống không chỉ mang ý nghĩa cá nhân, mà hòa vào bản hùng ca chung của dân tộc, trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử.
Văn Lê không chọn cách kể chuyện khô khan, ông để ngòi bút của mình trôi theo nhịp đập của những tâm hồn, tạo nên một giọng văn hào hùng mà vẫn đầy cảm xúc. Những đoạn văn miêu tả chiến đấu ngoài việc tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh còn khơi gợi lòng tự hào về một thế hệ đã đi qua lửa đạn nhưng không khuất phục, đầu hàng số phận. Giọng văn của ông mang nhịp điệu mạnh, lúc dồn dập như bước chân hành quân, lúc trầm lắng như những hồi tưởng về đồng đội đã khuất. Chính sự hòa quyện giữa sử thi và trữ tình đã tạo nên nét đặc trưng rất riêng trong văn phong của ông, làm nên sức sống lâu bền cho các tác phẩm. Và cứ thế, người lính trong tiểu thuyết của Văn Lê hiện lên vừa trong ánh hào quang sử thi vừa trong dòng chảy của những giấc mơ và day dứt rất con người. Họ chiến đấu với kẻ thù trên chiến trường, nhưng cũng đối diện với những vết xước nội tâm, với những câu hỏi chưa lời đáp về sự sống, cái chết và ý nghĩa của tồn tại. Đây là tính cá nhân, dân chủ hoá đã được nhà văn tái thiết, tổ chức khi xây dựng về tượng đài người lính của thời kỳ chống Mỹ.
Nếu Cao hơn bầu trời khắc họa người lính với những trăn trở, muốn vươn lên khỏi số phận để chạm đến tầm cao lý tưởng, thì Mùa hè giá buốt lại đưa họ vào sự giằng xé giữa thực tại tàn khốc và những linh cảm siêu hình, nơi chiến tranh không chỉ hiện hữu bằng bom đạn mà còn bằng những tiếng vọng của định mệnh. Đến Nếu anh còn được sống, hình tượng người lính vượt khỏi ranh giới hiện thực, bước vào một cuộc hành trình siêu thực, nơi họ không còn là những con người hữu hình, mà trở thành những linh hồn lang thang giữa dòng chảy vô tận của lịch sử và ký ức. Sự hòa quyện giữa chất lãng mạn và tính sử thi trong ba tác phẩm không chỉ làm mềm hóa sự khốc liệt của chiến tranh, mà còn tạo nên một chân dung người lính đa tầng, vừa hào hùng vừa mong manh, vừa kiêu hãnh vừa khắc khoải. Chính sự tương phản ấy khiến họ không chỉ là những nhân vật của một thời đại chiến tranh, mà còn là những mảnh hồn còn vương lại trong lịch sử, tiếp tục sống qua những khát vọng, những điều chưa kịp nói, những giấc mơ vẫn còn dang dở.
Văn Lê không dựng lên những người lính như những tượng đài bất khả xâm phạm, mà ông để họ sống trong sự hòa quyện giữa chất sử thi hùng tráng và dòng chảy lãng mạn của tâm hồn. Trong chiến tranh, họ là những chiến binh mang trên vai vận mệnh dân tộc, nhưng giữa những trận đánh dữ dội, họ vẫn giữ trong tim những rung động của con người, những giấc mơ riêng tư mà bom đạn không thể vùi lấp. Nếu khuynh hướng sử thi đặt họ vào những thử thách khắc nghiệt, để họ chiến đấu, hy sinh và trở thành một phần của lịch sử, thì cảm hứng lãng mạn cá nhân đưa họ hiện diện trong cái đẹp mong manh của những khát khao riêng tư. Văn Lê xây dựng người lính trong sự dung hòa tuyệt đối giữa hai dòng chảy tưởng như đối lập: giữa những bản anh hùng ca sử thi và những khúc tráng ca lãng mạn về số phận con người. Họ không chỉ chiến đấu như những người hùng, mà còn sống, yêu, mơ mộng và trăn trở như những kẻ lữ hành giữa lịch sử và đời thường. Để rồi, ngay cả khi đã bước qua lằn ranh sinh tử, họ vẫn để lại những vệt sáng của khát vọng và niềm tin, ý chí tin vào ngày kết thúc của cuộc chiến ác liệt này.
Nhìn lại bộ ba tiểu thuyết Mùa hè giá buốt, Cao hơn bầu trời, Nếu anh còn được sống, có thể thấy rằng, Văn Lê không chỉ viết về chiến tranh, mà còn viết về những con người đã sống và yêu trong chiến tranh. Ông không dựng lên những bức tượng đài vô cảm, mà để người lính hiện diện trọn vẹn qua những trăn trở, những giấc mơ và những khát khao đời thường. Chính sự kết hợp giữa chất lãng mạn hoá cá nhân và cảm hứng sử thi đã giúp tác phẩm của ông không chỉ là những bản hùng ca bi tráng, mà còn là những khúc hát về tình yêu, về lòng trung thành bất diệt với đất nước của những người anh hùng chiến trận. Và có lẽ, chính điều đó đã khiến hình tượng người lính trong tác phẩm của Văn Lê không chỉ sống trong trang sách, mà còn sống mãi trong lòng độc giả, như một biểu tượng bất diệt của lòng yêu nước, của ý chí không bao giờ lụi tàn.
5. Kết luận
Với bút pháp hiện thực kết hợp cảm hứng sử thi và triết lý nhân sinh sâu sắc, Văn Lê đã khắc họa hình tượng người lính với vẻ đẹp bi tráng vừa anh hùng, quả cảm, vừa chất chứa những nỗi đau không thể nói thành lời. Ông không tô hồng cuộc chiến, không cực đoan hóa những mất mát, mà thay vào đó là một cái nhìn đa chiều, đầy nhân văn về những con người đã đi qua cuộc chiến với những vết thương không chỉ trên thân thể mà còn trong tâm hồn. Những nhân vật trong Mùa hè giá buốt, Cao hơn bầu trời, Nếu anh còn được sống không chỉ là chứng nhân của lịch sử mà còn là những biểu tượng sống động về sự tồn tại, về hành trình đi tìm ý nghĩa của đời người trong và sau chiến tranh.
Bộ ba tiểu thuyết Mùa hè giá buốt, Cao hơn bầu trời và Nếu anh còn được sống của Văn Lê đã khắc sâu vào dòng chảy văn học Việt Nam như những trang sử bi tráng về chiến tranh. Không chỉ tái hiện những trận chiến khốc liệt, những hy sinh lớn lao, tác phẩm còn đi sâu vào thân phận con người, phản ánh những vết thương tinh thần kéo dài ngay cả khi hòa bình đã lập lại. Văn Lê không chỉ kể về chiến tranh, mà còn mở ra một không gian suy tưởng, nơi con người đối diện với ký ức, với những câu hỏi day dứt về giá trị của sự hy sinh, về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Ở đó, người lính không chỉ là những chiến binh quả cảm mà còn là những linh hồn bị giằng xé giữa lý tưởng và hiện thực, giữa niềm tin kiên định và nỗi đau không thể xóa nhòa.
Tác phẩm của Văn Lê không chỉ là sự tri ân sâu sắc đối với thế hệ đi trước, mà còn là một lời nhắn nhủ đến thế hệ hôm nay về giá trị của hòa bình. Những câu chuyện về người lính không chỉ khắc họa chiến tranh với tất cả sự khốc liệt và mất mát, mà còn nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm gìn giữ những giá trị mà cha ông đã đánh đổi bằng máu xương. Đọc những tiểu thuyết của Văn Lê không chỉ gợi lại những thước phim ký ức về một thời đại đã qua, mà còn là ngọn lửa thắp sáng tinh thần dân tộc; là lời gọi vang vọng từ quá khứ, để thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục bước đi với niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của một công dân trong thời đại mới.
N.T.K.T
-----------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Ngô Vĩnh Bình (2020). Văn Lê - Trái tim nóng của "Mùa hè giá buốt"!, truy cập ngày 15/8/2024 từ http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/van-le-trai-tim-nong-cua-mua-he-gia-buot_11186.html.
2. Đậu Dung (2019). Nhà văn Văn Lê - huyền thoại luôn bắt nguồn từ sự thật, truy cập ngày 02/7/2024 từ https://vanhocsaigon.com/nha-van-van-le-huyen-thoai-luon-bat-dau-tu-su-that/.
3. Nguyễn Hương Giang (2001). “Người lính sau hòa bình trong tiểu thuyết chiến tranh thời kỳ đổi mới”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, (4): 108-113.
4. Đặng Huy Giang (2016). Nhà văn Văn Lê: Viết để những ngày đã qua không hoang vu, truy cập ngày 2/7/2024 từ https://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Nha-van-Van-Le-Viet-la-de-nhung-ngay-da-qua-khong-hoang-vu-i411898/.
5. Phan Hoàng (2012). Nhà văn Văn Lê: Sức mạnh tình yêu chiến thắng tình yêu sức mạnh, truy cập ngày 15/8/2024 từ https://www.sggp.org.vn/nha-van-van-le-suc-manh-tinh-yeu-chien-thang-tinh-yeu-suc-manh-174519.html.
6. Phùng Văn Khai (2023). Nhà văn Văn Lê, cuộc đời tự kể, truy cập ngày 2/10/2024 từ https://vanvn.vn/nha-van-van-le-cuoc-doi-tu-ke/.
7. Lê Phú Khải (2005). Đọc sách: Cao hơn bầu trời, truy cập ngày 15/8/2024 từ https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=2203.
8. Tôn Phương Lan (2016). Viết về chiến tranh - vấn đề và hiện tượng, truy cập ngày 18/8/2024 từ http://vannghequandoi.com.vn/Binh-luan-van-nghe/viet-ve-chien-tranh-van-de-va-hien-tuong-9049.html.
9. Văn Lê (2002). Nếu anh còn được sống, NXB Phụ Nữ, TP. Hồ Chí Minh.
10. Văn Lê (2004). Cao hơn bầu trời, NXB Trẻ, Hà Nội.
11. Văn Lê (2012). Mùa hè giá buốt, NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh.
12. Trần Thế Tuyển (2020). Nhà thơ, Nghệ sĩ ưu tú Văn Lê - một thương hiệu lớn, truy cập ngày 15/8/2024 từ https://vanhocsaigon.com/van-le-nha-tho-nha-van-da-tai/.