Thứ Ba, 18/06/2019 15:01

Các cách tiếp cận những nền văn minh châu Á

Sáng ngày 18/6/2019, tại TP.HCM, Viện Hợp tác nghiên cứu quốc tế (ĐH Thái Bình Dương) phối hợp với Viện SocialLife và ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức buổi toạ đàm CÁC CÁCH TIẾP CẬN NHỮNG NỀN VĂN MINH CHÂU Á.

Sáng ngày 18/6/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hợp tác nghiên cứu quốc tế (Đại học Thái Bình Dương) phối hợp với Viện SocialLife và Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi toạ đàm CÁC CÁCH TIẾP CẬN NHỮNG NỀN VĂN MINH CHÂU Á.

Diễn giả của sự kiện là giáo sư, tiến sĩ Andrew Goble đến từ Khoa Lịch sử, Đại học Oregon, Hoa Kì; phiên dịch viên là tiến sĩ Nguyễn Thị Minh đến từ Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Diễn giả (đứng) và phiên dịch viên tại buổi toạ đàm

Tại sự kiện, giáo sư, tiến sĩ Andrew Goble đưa ra một số cách tiếp cận và nền tảng tri thức cho việc tìm hiểu về văn minh châu Á. Diễn giả bàn luận về một số vấn đề như: bối cảnh lịch sử của khái niệm văn minh châu Á; bối cảnh lịch sử thế giới của văn minh châu Á; các khía cạnh về địa lí, tiếp xúc và ngôn ngữ trong nội bộ các nước châu Á; các yếu tố triết học, văn hóa Phật giáo đặc thù; các ý niệm về tính tương đối và tính đa dạng; các ý niệm về cá nhân và xã hội…

Từ “Asia” (theo cách dùng thông dụng hiện nay là “châu Á”) vốn là một từ cổ Hi Lạp để chỉ các vùng ở Anatolia (Thổ Nhĩ Kì ngày nay), và chỉ được dùng để gọi tên châu Á từ thế kỉ XIX, khi cách nhìn của người châu Âu về thế giới, về văn minh trở nên nổi bật, chiếm ưu thế. (Cách nhìn này là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.) Ngày nay thì từ “châu Á” được dùng để chỉ vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm các nước phương Đông (Viễn Đông, Trung Đông, Cận Đông, Tây Nam Á, Nam Á, Đông Nam Á, Đông Á, Đông Bắc Á).

Những tấm bản đồ lịch sử qua các thời kì cho thấy các triều đại, đế chế đã thay đổi như thế nào trong khi văn minh thì vẫn liên tục tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Ngày nay thì khái niệm “châu Á” không còn được dùng như một khái niệm đối lập với phương Tây, mà được đặt trong tính đa dạng của các vùng lãnh thổ, các nền văn minh thế giới.

Có khá nhiều cách tiếp cận thú vị đối với nền văn minh châu Á như:

- Tiếp cận từ góc độ các nhóm đơn bội (haplogroups)

- Tiếp cận từ các họ ngôn ngữ (language families)

- Tiếp cận từ các yếu tố của văn minh (chẳng hạn thời gian tồn tại, tính liên tục tương đối, các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể, khảo cổ học, cộng đồng người…)

- Tiếp cận từ các khía cạnh địa lí, các yếu tố triết học…

Điều cần lưu ý là không có cách tiếp cận nào là tối ưu hay duy nhất. Bối cảnh toàn cầu hóa đòi hỏi chúng ta có một cái nhìn mở và góp tiếng nói riêng của mình vào việc nghiên cứu các nền văn minh. Bối cảnh này khơi vẫy những tiếng nói chuyên môn từ Việt Nam trong tiếp cận, nghiên cứu những nền văn minh châu Á.

THIỀU QUANG