Thứ Tư, 08/01/2020 09:34

Bộ đội Tăng thiết giáp: Đã ra quân là đánh thắng!

Vào những ngày mùa thu, lướt qua những thảm lá vàng rải khắp các vỉa hè của những con phố đẹp nhất nhì Hà Nội, lướt qua Bảo tàng Lịch sử Quân sự nơi hiện diện rất nhiều hiện vật vô giá đã làm nên chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam

Vào những ngày mùa thu, lướt qua những thảm lá vàng rải khắp các vỉa hè của những con phố đẹp nhất nhì Hà Nội, lướt qua Bảo tàng Lịch sử Quân sự nơi hiện diện rất nhiều hiện vật vô giá đã làm nên chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có chiếc xe tăng số hiệu 843 đã cùng với xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng sắt dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 năm 1975, đánh dấu giờ khắc miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, chúng tôi đến với Binh chủng Tăng thiết giáp. Trên gương mặt những người lính tăng, như còn phảng phất niềm vui khi đội tuyển xe tăng Việt Nam mới giành giải Bạc tại Hội thao quân sự quốc tế 2019 từ Nga vừa trở về. Câu chuyện với Chính ủy Nguyễn Đức Dinh về những người lính “quê” xe tăng như kéo dài mãi theo nhịp bước dịu dàng của thủ đô Hà Nội trước những ngày tháng mười lịch sử…

 

PV: Xin chào đồng chí Chính ủy! Mỗi cuộc đối thoại của chúng tôi đều bắt đầu bằng những lời chào hỏi, nhưng hôm nay, ngồi ở đây thì tôi bỗng nhớ những chiến sĩ xe tăng cũng có một lời chào của riêng mình đậm chất lính tăng, mà lời chào ấy như một từ khóa để nhận diện đồng đội xe tăng khắp mọi miền đất nước…

Chính ủy Nguyễn Đức Dinh (cười): Vâng! Lính tăng chúng tôi chào nhau bằng từ “quê”, quen thuộc đến nỗi đã trở thành truyền thống. Từ ấy vừa bình dị, gần gũi mà cũng thể hiện sự bình đẳng hòa đồng giữa những người lính xe tăng. Dù cho quân hàm người thấp người cao, dù cho con đường binh nghiệp có người giữ chức vụ này, chức vụ khác; nhưng đã là lính xe tăng thì gọi nhau bằng từ “quê”. Vâng, chỉ nhìn thấy nhau thôi là nhìn thấy sự gần gũi, thân thuộc, nhìn thấy đồng đội là thấy quê hương ruột thịt, mỗi người đồng đội đều như anh em một nhà.

Lính xe tăng gọi nhau là “quê”, xuất phát từ biên chế mỗi kíp xe có 5 thành viên, 5 anh em trên một chiếc xe tăng, 5 anh em mỗi đứa một quê, đã lên xe ấy là cùng một hướng…, lời bài hát về lính tăng cũng xuất phát từ trang bị tổ chức biên chế đó. Về sau với các loại xe tăng hiện đại hơn, kíp xe không còn biên chế 5 người nữa nhưng truyền thống năm anh em, tinh thần năm anh em thì vẫn còn mãi. Lính xe tăng nếu không thực sự đoàn kết, không thể có sự kết nối, hiệp đồng, không thể hoàn thành nhiệm vụ. Tình cảm là như thế. Tình cảm dành cho nhau, gọi nhau bằng quê. Từ tình cảm đó tạo nên sức mạnh của xe tăng. Quê xe tăng. Tình con người với con người trong một mái nhà, một nóc nhà xe tăng.

PV: Vâng! Và mái nhà ấy thấm thoắt cũng 60 năm rồi… Sự ra đời của Binh chủng Tăng thiết giáp 60 năm trước hẳn là một câu chuyện mà mỗi người lính tăng đều thuộc nằm lòng…

Chính ủy Nguyễn Đức Dinh: Vâng! Câu chuyện ấy gắn với ngày truyền thống của bộ đội Tăng thiết giáp. Ngày 5 tháng 10 năm 1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 449/NĐ về việc thành lập Trung đoàn xe tăng đầu tiên lấy phiên hiệu 202, vì trước đó có 202 đồng chí tuyển chọn từ các đơn vị trong toàn quân được cử ra nước ngoài học về kĩ chiến thuật xe tăng. Tổng Quân ủy quyết định thành lập Đảng bộ Trung đoàn 202 và chỉ định đồng chí Đào Huy Vũ - Trung đoàn trưởng, đồng chí Đặng Quang Long - Chính uỷ Trung đoàn tham gia Ban chấp hành để lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của Trung đoàn. Gần một năm sau, mảnh đất trung du Vĩnh Phúc đã được đón chào loại trang bị hiện đại nhất của lục quân ta lúc bấy giờ. Và lúc 18 giờ 33 phút ngày 13 tháng 7 năm 1960, chiếc xe tăng T-34 mang số hiệu 114 do Trung sĩ Đào Văn Bàn điều khiển đã đặt dải xích xuống đất tại ga Vĩnh Yên. Ngay trong đêm, toàn bộ số xe chuyển về nước theo đường tàu hỏa đã được đưa về đơn vị bí mật, an toàn. Chỉ sau một tuần, toàn bộ số xe đã được niêm cất xong, Trung đoàn chính thức bước vào huấn luyện, xây dựng đơn vị.

Sự ra đời của Trung đoàn xe tăng 202 là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đánh dấu bước phát triển tất yếu của quân đội ta trên con đường tiến lên chính quy, hiện đại, là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của Binh chủng Tăng thiết giáp sau này. Cũng từ đó, ngày 5 tháng 10 trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam.

PV: Có lẽ đã có rất nhiều những lời chúc mừng và ngợi ca bộ đội tăng Việt Nam đoạt giải cao tại Hội thao quân sự quốc tế Army Games tổ chức tại Nga vừa rồi nhưng chúng tôi vẫn xin một lần nữa gửi lời chúc mừng đến các đồng chí. Và ở vị trí Chính ủy Binh chủng, đồng chí chắc hẳn cũng muốn nói một vài điều trước niềm vui này…

Chính ủy Nguyễn Đức Dinh: Army Games là sự kiện quân sự được tổ chức từ năm 2015 dành cho các quốc gia có cùng chủng loại vũ khí. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Binh chủng Tăng thiết giáp tham gia ở bộ môn xe tăng. Năm 2018 chúng tôi cũng đã tham gia lần đầu tiên và đạt thứ hạng 17/23 quốc gia góp mặt. Đây là sự kiện được Thường vụ Đảng ủy Binh chủng coi là nhiệm vụ cao cả, thể hiện sức mạnh của xe tăng quân đội Việt Nam trên trường quốc tế. Vừa là trọng trách, vừa là vinh dự, bởi thế chúng tôi đã quan tâm đầu tư, lựa chọn đội tuyển, xây dựng kế hoạch, tổ chức luyện tập... từ rất sớm. Cán bộ, huấn luyện viên, các thành viên của đội tuyển được triệu tập từ các cơ quan, đơn vị trong Binh chủng là các đồng chí có trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, đã có kinh nghiệm tham gia Hội thao quân sự quốc tế năm 2018 cũng như đã được học tập về trang bị mới.

Có một khó khăn rất lớn đối với đội tuyển, đó là loại xe tăng sẽ thi tại Army Games là xe tăng T-72B3 mà trong trang bị của ta lại không có loại xe này. Cùng với đó, thao trường luyện tập cũng không đáp ứng được quy cách như Hội thao tại Nga đề ra. Để khắc phục điều đó, chúng tôi đã được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tạo điều kiện, liên hệ với phía bạn để đội tuyển sang Nga luyện tập. Trước khi Hội thao diễn ra một tháng, đội tuyển của chúng tôi đã có mặt tại Học viện Binh chủng hợp thành Viễn Đông, cách thủ đô Mát-xcơ-va sáu nghìn kilômét để luyện tập.

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp thăm và kiểm tra kíp xe thực hành  bắn trên đảo Sinh Tồn             Ảnh: TL

PV: Thì ra là vậy! Đó quả là những câu chuyện hậu trường ít người biết. Chắc hẳn đã có nhiều khó khăn được đội tuyển xe tăng Việt Nam vượt qua để giành thứ hạng cao tại Army Games…

Chính ủy Nguyễn Đức Dinh: Không có khó khăn thì sẽ không tạo ra thử thách, và sẽ không có chỗ cho ý chí vượt khó, sáng tạo. Ở giai đoạn huấn luyện trong nước, anh em đội tuyển phải luyện tập trên trang bị không đúng với yêu cầu trong quy chế Hội thao nên có những lúng túng khi tiếp cận T-72B3, trong khi tham gia Army Games 2019, nhiều đối thủ của chúng ta đã có xe tăng T-72B3 trong biên chế hoặc đã tham gia Hội thao nhiều năm nên họ cũng thuần thục hơn ta. Từ đặc điểm ấy, chỉ huy đội đã đề ra nhiều biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trong các giai đoạn và tham gia Hội thao để khắc phục những điểm yếu của ta so với các đội bạn, đặc biệt tập trung vào một tháng được làm quen với xe tăng T-72B3 tại Nga. Suốt một tháng trời với cường độ huấn luyện cao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nắng mưa thất thường, nhất là trong huấn luyện giai đoạn 3 tại tỉnh Bla-gô-ve-sen-xcơ thuộc vùng A-mua với sự thay đổi về múi giờ, khí hậu, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt khác biệt... là những khó khăn chung mà anh em đội tuyển phải vượt qua. Ngoài ra, quá trình thực hiện nhiệm vụ đội tuyển của chúng tôi cũng phải trải qua nhiều chặng bay, đặc biệt là khi cơ động về Mát-xcơ-va để tham gia Hội thao đã sát ngày khai mạc, anh em không có điều kiện nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe, vừa đến nơi đã phải thực hiện các nội dung do Ban Tổ chức đề ra, nhận xe, chuẩn bị xe và tham gia Hội thao trong thời gian rất gấp... Cuối cùng, bằng những nỗ lực của cá nhân và tập thể, chúng tôi đã giành được thứ hạng xứng đáng.

Kết quả ấy đã được chuẩn bị từ quá trình huấn luyện trong nước đến thời gian huấn luyện nâng cao ở nước ngoài; từ huấn luyện lái xe tăng đến huấn luyện sử dụng vũ khí, huấn luyện hiệp đồng cho các thành viên trong xe về thực hiện trình tự trong thi đấu... Đằng sau tấm huy chương là mồ hôi, công sức và những hi sinh thầm lặng của từng thành viên kíp xe, là sự quan tâm sâu sát của từng cấp chỉ huy, là sự cổ vũ, trao gửi niềm tin của đồng đội, của khán giả qua sóng truyền hình... Có thể nói anh em đội tuyển đã thi đấu bằng tinh thần và ý chí từ truyền thống của Bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam.

PV: Và niềm vui ấy càng có ý nghĩa hơn trước dịp lực lượng Tăng thiết giáp toàn quân đang tất bật các hoạt động kỉ niệm 60 năm ngày truyền thống. Mỗi người lính đều có một con đường đầu quân vào Binh chủng Tăng thiết giáp, về dưới mái nhà chung hay ở trong các đơn vị tăng thiết giáp tại các đơn vị thuộc lực lượng lục quân của quân đội. Được biết đồng chí Chính ủy cũng vốn là một thành viên kíp xe, xin hỏi, với riêng anh, anh đã đến với mái nhà Tăng thiết giáp như thế nào, đã bồi đắp, thấm nhuần chất lính tăng ra sao?

Chính ủy Nguyễn Đức Dinh: Bố tôi cũng là lính xe tăng - tham gia chiến đấu ông cùng đồng đội và hi sinh tại Lào. Sinh ra trong gia đình như vậy, nên từ nhỏ những câu chuyện về lính tăng oai hùng đã thấm vào huyết quản tôi như một lẽ tự nhiên. Bởi thế, mỗi nhiệm vụ với tôi vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của người lính. Những năm tháng trực tiếp ở cơ sở từ người chiến sĩ đến nay đã cho tôi những trải nghiệm để hiểu hơn nhiệm vụ của đồng đội, của cấp dưới. Niềm tự hào của người lính Tăng thiết giáp luôn được đề cao, luôn phải nuôi dưỡng trong anh em. Người cán bộ chính trị của lực lượng Tăng thiết giáp muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức trách phải thực sự hiểu nhiệm vụ của bộ đội xe tăng, của đơn vị, thấu hiểu nhiệm vụ của từng vị trí thành viên kíp xe, phải nắm được tầm quan trọng của sự đoàn kết, hiệp đồng, ý nghĩa của lập công tập thể. Bởi thế, ở Binh chủng chúng tôi, cán bộ chính trị về nhận nhiệm vụ đều phải qua một khóa đào tạo chuyên môn trước khi nhận nhiệm vụ duy trì chế độ công tác đảng, công tác chính trị tại các đơn vị bởi làm công tác đảng, công tác chính trị với Bộ đội Tăng thiết giáp nó cũng khác, phải hiểu được nó thì tổ chức tiến hành hướng dẫn mới sát và hiệu quả được.

Lại nói về đội tuyển tham dự Army Games 2019 vừa rồi. Trước ngày thi đấu trận chung kết, tôi có gửi cho anh em đội tuyển một lá thư viết tay. Tôi viết xong thì đã khuya lắm rồi, ngay sáng hôm sau lá thư được fax sang Nga cho anh em. Trong thư tôi có nhấn mạnh truyền thống bộ đội Tăng thiết giáp: “Các đồng chí tham gia Hội thao quân sự quốc tế tại Nga lần này là nhiệm vụ chính trị cao cả và là vinh dự của bộ đội Tăng thiết giáp đại diện cho Quân đội Việt Nam thể hiện sức mạnh quân sự trên trường quốc tế. Kết quả Hội thao có ý nghĩa rất lớn đối với Quân đội và Tổ quốc ta, là thành tích để chúng ta tô thắm, viết tiếp truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng thiết giáp anh hùng nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày truyền thống vẻ vang của mình”.

PV: Vâng! Tôi xin ngắt lời một chút. Việc viết thư là ý tưởng đến bất chợt hay đã có sự chuẩn bị từ trước…

Chính ủy Nguyễn Đức Dinh: Chúng tôi có chế độ báo cáo tình hình đội tuyển thường xuyên về Binh chủng. Chiều hôm ấy, khi nghe đồng chí Phó Tham mưu trưởng, Đại tá Phan Hải Long, báo cáo tình hình đội tuyển, đến tối, trước khi ngủ nằm xem tivi, nghe bản tin tổng hợp tình hình thời tiết các nước tôi chợt nghĩ, không hiểu giờ này anh em đội tuyển bên ấy thế nào. Nằm suy nghĩ một lúc, một ý tưởng chợt đến, tôi dậy lấy tờ giấy A4 viết thư cho các thành viên đội tuyển. Việc viết thư là một sự ngẫu nhiên trong một khoảnh khắc nhưng cũng là tất nhiên vì tôi là con nhà lính tăng, máu lính tăng đã chảy trong huyết quản…

PV: Tình cảm ấy thật đáng quý, và tôi nghĩ trong những tình huống như thế này thì nó còn hơn cả ngàn lời giao nhiệm vụ hay ra mệnh lệnh theo điều lệnh quân đội. Thực hiện nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị luôn là một nghệ thuật và vô cùng quan trọng với mỗi đơn vị không riêng gì bộ đội Tăng thiết giáp. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, một vị tướng, một cán bộ chính trị cấp cao của quân đội ta, từng căn dặn cán bộ chiến sĩ Binh chủng: “Tăng thiết giáp là khối sắt thép cơ động, có sức đột kích mạnh, nhưng cái quan trọng nhất là thép tư tưởng, chính trị mới là cái quyết định nhất, cơ bản nhất”. Đồng chí Chính ủy có chia sẻ một vài điều xung quanh lời căn dặn này?

Chính ủy Nguyễn Đức Dinh: Tôi hiểu nguyên Tổng Bí thư muốn nhấn mạnh yếu tố tinh thần, vai trò của công tác tư tưởng, nhằm bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”; trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, Người cũng đã nêu rõ tính chất, nhiệm vụ của Đội là “chính trị trọng hơn quân sự”. Với bộ đội Tăng thiết giáp cũng vậy, bên cạnh việc lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm, Đảng ủy Binh chủng luôn quan tâm, lãnh đạo xây dựng Binh chủng vững mạnh toàn diện, vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới và tập trung xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo sự chuyển biến quan trọng về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị tăng thiết giáp đủ điều kiện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong mọi tình huống; hoạt động công tác đảng, công tác chính trị đạt hiệu quả thiết thực. Sử dụng vũ khí trang bị hiện đại càng phải thể hiện bản lĩnh thép, tinh thần thép, sự trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân. Giáo dục làm sao để cho cán bộ chiến sĩ tin tưởng vào đơn vị, tin tưởng vào Quân đội. Đặc biệt, trước sự chống phá của các thế lực thù địch, mặt trái của hệ thống mạng xã hội, thông tin đa chiều ở thời đại công nghệ 4.0 hiện nay; để nhận diện đúng những âm mưu, thủ đoạn hoạt động, phản bác lại các quan điểm sai trái, xuyên tạc, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” đòi hỏi người lính xe tăng càng phải tôi luyện bản lĩnh, thấm nhuần truyền thống, hun đúc ý chí và nghị lực, để bộ đội Tăng thiết giáp không những là lực lượng đột kích mạnh của lục quân mà còn có một tinh thần thép.

PV: Đẹp như hoa hồng và cứng hơn sắt thép, có một lời thơ như thế trong bài thơ Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi của nhà thơ Nam Hà là người của Văn nghệ Quân đội chúng tôi, và hôm nay ngồi ở đây tôi bỗng thấy nó cũng thật đúng với những người lính tăng. Hình ảnh người lính tăng trong văn học nghệ thuật cũng vậy, rất trung dũng kiên cường nhưng cũng đầy chất lãng mạn bay bổng. Chúng ta có thể bắt gặp những người lính tăng vừa tinh nghịch, nghệ sĩ vừa ấm áp trong truyện ngắn Hồi ức binh nhì của nhà văn Nguyễn Thế Tường hay người lính tăng với những xúc cảm rưng rưng trong bài thơ Phan Thiết có anh tôi của nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhưng đó là hình ảnh của những người lính tăng thế hệ trước. Còn hình ảnh những người lính tăng hôm nay, Binh chủng hướng tới xây dựng họ như thế nào, đã bồi đắp tâm hồn người lính tăng thế nào để bảo tồn, lưu giữ các giá trị nhân văn ấy?

              Thế hệ những người lính Tăng thiết giáp hôm nay.           Ảnh: TL

Chính ủy Nguyễn Đức Dinh: Văn hóa là cội nguồn của sự phát triển, giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc bảo đảm phát triển bền vững trong mỗi cơ quan, đơn vị, chúng tôi hướng tới xây dựng văn hóa Tăng thiết giáp. Vun đắp và bảo tồn sự trong sáng của tâm hồn người lính Tăng thiết giáp luôn được các thế hệ lãnh đạo Binh chủng quan tâm. Từ anh lính binh nhì hay người cựu chiến binh đầu bạc mỗi khi nhắc đến đơn vị, nhắc đến những anh em đồng đội là vừa tự hào vừa rưng rưng xúc động. Lời bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng của nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh (vốn cũng là một người lính tăng) đã như một lời tuyên ngôn sống của mỗi người lính tăng. Chúng tôi phấn đấu xây dựng mỗi đơn vị đóng quân là một điểm sáng văn hóa tại địa phương. Những giá trị truyền thống được lồng ghép trong các sinh hoạt tập thể, sinh hoạt văn hóa. Văn hóa, văn học nghệ thuật có sức mạnh rất lớn và đã được Binh chủng Tăng thiết giáp vận dụng linh hoạt, hiệu quả. Mỗi đơn vị có nét riêng trong hoạt động chung, phát huy bản sắc văn hóa tại địa phương đóng quân, mang tính vùng miền cùng với những sáng tạo độc đáo của từng đơn vị. Khi còn là một người lính trẻ ở đơn vị chúng tôi cũng đã được hưởng thụ những giá trị tinh thần ấy từ hoạt động văn hóa văn nghệ, bài hát Sức khỏe lính tăng hát từ ngày ấy đến nay tôi vẫn nhớ. Cũng viết thư ghi kín sổ tay, cũng vá khâu nửa ngày một miếng, đường kim trông nghiêng ngả như say, thư viết rất dài, hỏi thăm em nay béo hay gầy… Bởi thế duy trì có hiệu quả các hoạt động văn hóa văn nghệ tại đơn vị sẽ góp phần kiến tạo đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho mỗi người lính, hướng họ đến các giá trị nhân văn. Chúng tôi chủ trương hướng các hoạt động này về cơ sở, lấy cơ sở làm hạt nhân. Liên hoan nghệ thuật quần chúng chào mừng kỉ niệm 60 năm ngày truyền thống của Bộ đội Tăng thiết giáp chúng tôi cũng mang về cơ sở, thi tại các đơn vị, phần thi chỉ diễn ra 30 phút còn lại là liên hoan văn nghệ phục vụ anh em cán bộ chiến sĩ tại đơn vị.

Người lính tăng hôm nay phải có trình độ đạt chuẩn, đương nhiên song hành với đó là một sức khỏe tốt, và một tâm hồn lành mạnh. Cũng đáng mừng là tuyển sinh đầu vào hàng năm của Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp đối tượng dự thi đông, tỉ lệ chọi cao, điểm đầu vào cũng là cao trong khối binh chủng. Có những trường hợp rất tiếc, đạt 25 điểm nhưng sức khỏe yếu nên vẫn phải để lại không tuyển, bởi lính tăng là thế, không có sức khỏe tốt không thể hoàn thành nhiệm vụ.

PV: Trong trận tiến công cứ điểm Làng Vây, Đại đội tăng 9 tại vị trí tập kết do địa hình trống trải nên đã có sáng kiến đan sọt trồng cỏ tranh xếp lên xe để ngụy trang; khi thay mắt xích đã dùng đế dép cao su đệm vào đầu chốt xích để hạn chế tiếng động khi đóng búa; đưa xe tăng vào hướng nam bằng đường sông; hay trong trận tiến công điểm cao 543 (chiến dịch Đường 9 - Nam Lào), để đưa xe tăng phát triển chiến đấu trên hướng đông, bảo đảm giữ bí mật, Đại đội tăng 9 đề nghị lực lượng công binh không chặt đổ các cây to mà chỉ cưa đứt ba phần tư cây về hướng tiến của xe tăng, khi có lệnh xuất kích xe tăng húc đổ cây để tiến lên… Xe tăng là một loại trang bị hiện đại, nhưng những mẩu chuyện nhỏ trên cho thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa vũ khí hiện đại và nghệ thuật chiến tranh du kích được vận dụng sáng tạo sẽ đem lại những chiến thắng bất ngờ. Đồng chí Chính ủy có thể chia sẻ quan điểm về yếu tố truyền thống và hiện đại trong thực hiện nhiệm vụ của người lính Tăng thiết giáp hôm nay?

Chính ủy Nguyễn Đức Dinh: Binh chủng Tăng thiết giáp có nhiệm vụ làm tham mưu cho Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng về xây dựng, tổ chức lực lượng Tăng thiết giáp toàn quân. Chúng tôi đã được quan tâm đầu tư những loại trang bị mới hiện đại nhất như xe tăng 90S, 90SK hiện trên thế giới chỉ có 4 quốc gia có. Được trang bị vũ khí trang bị hiện đại là một điều kiện tốt, nhưng sử dụng như thế nào, đánh như thế nào mới là việc quan trọng. Cán bộ chiến sĩ lực lượng Tăng thiết giáp luôn phát huy tinh thần mưu trí sáng tạo, vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và môi trường thực hiện nhiệm vụ. Vũ khí hiện đại hơn thì trình độ sử dụng, vận hành, tác chiến cũng đòi hỏi cao hơn. Chúng tôi luôn vận dụng kho tàng kinh nghiệm và những bài học tác chiến mà các thế hệ lính tăng đã đúc kết được suốt chiều dài lịch sử qua nhiều năm chiến tranh. Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành bộ đội Tăng thiết giáp luôn có những tập thể, cá nhân say mê học tập, nghiên cứu, sáng tạo, vươn lên làm chủ vũ khí trang bị, giành hiệu suất cao trong chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu. Những câu chuyện anh vừa kể chính là một số trong nhiều minh chứng. Đó thực sự là những tài sản quý báu đối với những người lính tăng hôm nay.

PV: Nhắc đến phong trào sáng kiến cải tiến kĩ thuật, hay cuộc vận động Quản lí sử dụng vũ khí trang bị kĩ thuật tốt bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông trong toàn quân không thể không nhắc đến lực lượng Tăng thiết giáp. Đồng chí Chính ủy có thể cho biết, điều thiết thực nhất đem lại từ các phong trào, cuộc vận động này với bộ đội Tăng thiết giáp là gì?

Chính ủy Nguyễn Đức Dinh: Hiện tại Binh chủng Tăng thiết giáp đang quản lí, sử dụng gần 30 chủng loại xe tăng và các trang bị kĩ thuật, cũ có, mới có; xe của các nước khối xã hội chủ nghĩa có, xe của Mĩ có. Rất nhiều trong đó là vũ khí trang bị đã sản xuất lâu năm, xuống cấp, lạc hậu, mất đồng bộ... trong khi kinh phí, nhiên liệu, vật tư kĩ thuật bảo đảm còn hạn hẹp; nhiệm vụ bảo đảm cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đòi hỏi ngày càng cao. Bởi vậy, thực hiện cuộc vận động 50 là một nội dung quan trọng của Binh chủng. Có phát huy việc quản lí, khai thác, sử dụng tốt mới có cái mà huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Xe tăng của ta hiện nay đang huấn luyện tuổi thọ không còn, động cơ xe tăng cũng như người, xe của Mĩ M-11, M-48 từ 20 năm trước tôi ở Lữ đoàn 201 đã có nhiều vấn đề. Sau này đã được cải tiến thay thế, chuyển hệ nhiên liệu từ xăng sang diesel để đảm bảo tốt vũ khí trang bị phục vụ cho huấn luyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chúng tôi đã làm và chúng tôi đã đạt được. Việc thực hiện cuộc vận động 50 với bộ đội Tăng thiết giáp đã trở thành nền nếp và ngày càng đi vào chiều sâu. Hàng năm chúng tôi đều có hội thi xe tốt, hội thi đồng bộ xe, hội thi trạm xưởng, hội thi khu xe… Nếu nói hiệu quả thiết thực nhất thì đó là đảm bảo xe tốt cho nhiệm vụ. Với một số chủng loại vũ khí trang bị hiện đại mới được trang bị, số anh em được cử đi học ở Nga sau đó về huấn luyện chuyển giao cho cán bộ chiến sĩ trong lực lượng. Vũ khí trang bị mới được lập kế hoạch khai thác, sử dụng một cách hợp lí, khoa học. Nét nổi bật trong thực hiện mục tiêu khai thác vũ khí, trang bị kĩ thuật tốt, bền là việc duy trì và tổ chức thực hiện tốt “Ngày kĩ thuật” trong tuần, trong tháng, giờ kĩ thuật trong ngày; quy mô, hình thức, nội dung “Ngày kĩ thuật” của đơn vị đã có nhiều đổi mới, đã huy động mọi lực lượng của đơn vị tham gia, tạo khí thế thi đua sôi nổi, có thể coi “Ngày kĩ thuật” là ngày hội lớn của toàn đơn vị.

PV: Trong những dấu mốc của Bộ đội Tăng thiết giáp đều có những ý nghĩa được đúc kết. Ở sự kiện nho nhỏ nhưng lại mang tầm quốc tế là giải Bạc trong Hội thao quân sự quốc tế Army Games 2019 vừa rồi, ngoài niềm vui, niềm tự hào của đất nước thì với bộ đội Tăng thiết giáp nó cho thấy điều gì thưa đồng chí Chính ủy?

Chính ủy Nguyễn Đức Dinh: Đội tuyển tham gia Hội thao quân sự quốc tế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tuyệt đối an toàn và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Có thể nói, khi nội dung thi đấu tại chung kết Army Games được truyền hình trực tiếp, từng vòng xích xe tăng vượt đường đua, từng thao tác điều khiển, mỗi phát đạn bắn ra đã được toàn thể cán bộ chiến sĩ lực lượng Tăng thiết giáp toàn quân cùng hàng triệu con tim Việt Nam dõi theo và mong chờ chiến thắng. Đó là trọng trách cũng là vinh quang đối với các thành viên đội tuyển. Bằng những gì đã làm, anh em đã quyết tâm vì màu cờ sắc áo của đất nước mình.

Thành tích đạt được cho thấy quyết tâm của đội ngũ cán bộ chiến sĩ tham gia đội tuyển, vượt khó, mưu trí sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, tính hiệp đồng lập công tập thể, giữ vững truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng thiết giáp. Anh em đã nỗ lực vượt bậc, vượt qua khó khăn về sức khỏe, thực lực, trình độ để làm nên sức mạnh. Chúng tôi muốn khẳng định trên trường quốc tế khả năng, trình độ của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam không hề thua kém các nước khác. Ở góc độ Binh chủng, đây cũng là dịp khẳng định chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Tăng thiết giáp trong giai đoạn cách mạng mới để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

PV: Vâng! Chúc cho lực lượng Tăng thiết giáp luôn là lực lượng đột kích mạnh của lục quân, phát huy tốt truyền thống “đã ra quân là đánh thắng”. Và chúng tôi, những người làm văn học nghệ thuật luôn mong rằng, với mỗi người lính tăng, đằng sau vỏ bọc thép, ý chí thép, tinh thần thép là một tâm hồn anh bộ đội Cụ Hồ đẹp đẽ và nhân văn như các thế hệ cán bộ chiến sĩ Tăng thiết giáp đã sống và chiến đấu, cống hiến cho đất nước, nhân dân. Xin cám ơn những chia sẻ của đồng chí Chính ủy!

 

P.V