Thứ Năm, 09/09/2021 16:10

Bộ đội ở đâu, vườn rau xanh đó

để có được một cây rau là biết bao mồ hôi, công sức của người lính biên phòng, nhưng bất cứ khi nào dân cần, dân thiếu, họ cũng sẽ rất sẵn lòng nhường tặng (PHẠM VÂN ANH)

Dịch Covid-19 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nhanh đến ngỡ ngàng khiến cả nước rối bời và mọi hoạt động thường ngày của miền Nam đảo lộn, nhanh chóng. Trong những bản tin hàng ngày, những con số dịch tễ tăng theo cấp số nhân và hình ảnh người dân thiếu các sản phẩm theo nhu cầu thiết yếu khiến bất kì ai cũng cảm thấy bất an. Trong bức tranh chung đó cũng có những niềm vui nho nhỏ khi những chuyến rau xanh từ các đồn, các chốt biên phòng do những người lính biên phòng ở các tỉnh biên giới phía Nam tự tay trồng gửi về hỗ trợ cho các khu cách li của quân đội, các khu dân cư bị giãn cách và đồng bào nghèo biên giới.

Đều đặn mỗi tuần Đồn biên phòng Sông Trăng, BĐBP Long An hỗ trợ trên 100kg rau củ cho bếp ăn bệnh viện dã chiến số 10 huyện Tân Hưng, Đồn Biên phòng Thạnh An, BĐBP Thành phố Hồ Chí Minh tặng 2 tấn rau, củ, quả cho bà con xã đảo. Và mới đây là hàng loạt các Đồn biên phòng trên tuyến biên giới Tây Nam gửi rau xanh và các loại thực phẩm thiết yếu để Ban chỉ đạo phòng chống dịch các huyện biên giới kịp thời hỗ trợ nhân dân.

Đồn Biên phòng Tân Thành và UBND xã Tân Tiến, Tân Thành ủng hộ rau xanh cho nhân dân TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương chống dịch. Ảnh: PV

Vẫn biết tăng gia là một nét đáng yêu của bộ đội, một sự rèn luyện hiệu quả nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội cũng như thực hành tiết kiệm và bản thân tôi từng đi thăm quan nhiều khu tăng gia của các đơn vị, song vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước những con số như 1,1 tấn rau củ quả cùng hơn 200kg thịt heo của đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoa Lư, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Bình Phước gửi tặng Hội Liên hiệp phụ nữ Thủ Dầu Một; Đồn Biên phòng Cửa Đại, đồn Biên phòng Ga Ry, BĐBP Quảng Nam gửi tặng bà con miền Nam gần 1 tấn rau xanh; Tiểu đoàn huấn luyện cơ động tặng 350kg rau xanh cho nhân dân huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Dương.

Vốn được định danh là những người lính chiến đấu giỏi, dân vận khéo và công tác tốt, nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên trước sự “mát tay” của những anh nông dân áo lính. Bởi đa phần anh em đều xuất thân từ những gia đình lao động hay sống ở nông thôn, vùng biên giới đã quen việc nhà nông, lại qua những năm tháng tu dưỡng, rèn luyện trong môi trường nhà binh thì việc tăng gia không thể làm khó họ. Điều đáng bàn là dẫu đóng quân phân tán, xa khu dân cư, điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khắc nghiệt nhưng các đồn vẫn chịu khó mày mò tìm hiểu, nghiên cứu những giống cây, vật nuôi phù hợp, cho năng suất cao và có hiệu quả thương mại. Các phong trào như “Cải tạo đất, phủ màu xanh”, “Vườn rau kiểu mẫu”, “Vườn rau Thanh niên” nở rộ những năm qua khắp các đơn vị của Bộ đội Biên phòng cũng góp phần làm nên câu chuyện tặng rau hôm nay.

Sản phẩm tăng gia của bộ đội biên phòng phong phú các chủng loại. Ảnh: PV

Tuyến biên giới phía Tây Nghệ An nổi tiếng với giống chanh leo “biên phòng”, từ các vườn tăng gia thí điểm của bộ đội, giờ đã được nhân rộng thành mô hình sản xuất đại trà cho đồng bào Mông. Trên biên giới Thường Xuân, Thanh Hóa, mô hình nuôi cá tầm thương sản của Đồn Biên phòng Bát Mọt được đánh giá cao. Tại Lai Châu, ngoài những cây nông sản bản địa, các Đồn có khí hậu ôn hòa triển khai trồng phong lan, nuôi cá hồi đã thành “thương hiệu” về chất lượng và tính nhạy bén của cánh lính hậu cần quân hàm xanh nơi cuối trời Tây Bắc. Tại Quảng Bình, các đồn Biên phòng đã thành công khi đưa vào tăng gia đà điểu và hướng dẫn người dân cùng nuôi loại “chân dài” này. Ở Quảng Trị, điều kiện thời tiết khô nóng, hay bão lũ không phù hợp nuôi gà thì chuyển sang nuôi ngan đen, trồng hồ tiêu, trà vằng. Tuyến biên giới Tây Nguyên thì những khoảnh đất do các đồn quản lí bạt ngàn cao su, hạt điều…

Khi đất nước trong cơn ngặt nghèo, câu “Thực túc thì binh cường!” càng thêm sáng rõ. Nhớ những ngày đầu lập chốt dọc đường biên để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch bệnh nơi đèo heo hút gió, bốn bên trơ trọi đá sỏi, bà con bản trên, ấp dưới thương bộ đội gian nan mang lên tặng mớ rau, buồng chuối, chục trứng gà… Thì nay, gần 2000 tổ chốt biên phòng đều đã tự túc được rau xanh, thậm chí có dư để gửi về hỗ trợ cho các khu cách li tập trung. Nhiều chốt trên khu vực núi đá thì anh em tận dụng những vạt đất nhỏ hoặc những hốc đá để gieo hạt giống, những chốt bám mặt đường thì dùng thùng xốp, vỏ chai đựng đất mùn để trồng rau, có nơi tận dụng cây rừng để trồng cây dây leo lấy lá, quả. Tại một số địa điểm thuận lợi hơn thì chủ động khai hoang hoặc mượn đất của người dân, huy động bộ đội đào ao, thả cá hay quây ghép tôn cũ làm chuồng gà.

Có mặt tại chốt số 4, Đồn Biên phòng Lộc Tấn, BĐBP Bình Phước, chúng tôi mới hiểu vì sao những ngày qua, các đồn trên tuyến biên giới này có được lượng rau lớn như vậy để gửi về ủng hộ hậu phương. Ao cá rộng gần 100m2, vườn rau muống, rau dền và rau gia vị rộng 200m2 và đàn gà lục tục ăn trong bãi chăn thả. Thiếu tá, QNCN Lê Hồng Thủy, Tổ trưởng Tổ chốt số 4 cho biết, những ngày đầu lập chốt, giao thông không thuận lợi, chợ ở xa nên việc bảo đảm thực phẩm, nhất là rau xanh gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, cán bộ, chiến sĩ đã tận dụng khu đất trũng, tranh thủ giờ nghỉ đào ao nuôi cá. Những vạt đất cao, thiếu nước, anh em chở đất màu nơi khác về trộn lẫn vôi, phân chuồng ủ lên men rồi mới gieo trồng nên cây sinh trưởng rất tốt. Suốt gần hai năm qua, mỗi tháng trung bình sản phẩm tăng gia của đồn cho thu 80kg rau xanh và 20kg cá, gà, đảm bảo được một phần nhu cầu từ nguồn thực phẩm tại chỗ.

Đồn Biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh, BĐBP Bình Phước tặng rau xanh cho bà con vùng dịch. Ảnh: PV

Ở chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 của đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, xã La Dêê, huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam, nhìn anh em trực chốt ai cũng đen nhẻm. Hỏi ra mới biết anh em tuy mới được đảo quân đến tuyến này nhưng trước đó làm làm nhiệm vụ lâu dài trong rừng sâu. Chỉ vạt rau đã lên xanh, Trung tá Vũ Công Quynh, Chốt trưởng bảo: “Do địa điểm lập chốt nằm trong rừng sâu, lại xa khu dân cư, nên chỉ đến khi nào thực sự cần thiết anh em mới cắt cử người trở về đơn vị để mang lương thực, thực phẩm vào chốt. Nhưng địa điểm dựng lán trại phần nhiều là sỏi đá. Vì thế, để trồng được rau, anh em phải gùi từng giỏ đất từ nơi khác về, bồi thành luống. Sau một thời gian chăm sóc, rau cũng đã lên xanh. Thời gian còn lại dành trọn cho việc tuần tra, kiểm soát, nhằm bảo đảm an toàn nhất cho nhiệm vụ canh gác giữa rừng.”

Dù vị trí đóng quân ở đâu, địa hình nào thì việc trồng rau xanh là thứ không thể thiếu với những người lính biên phòng. Ảnh: PV

Trên biên giới Điện Biên, Đồn Biên phòng Sen Thượng cũng đang duy trì 3 chốt cố định chống dịch Covid-19 tại mốc 11, mốc 14, ngã ba xã Sen Thượng và 1 chốt lưu động từ đầu năm 2020 đến nay. Để đến được những vị trí chốt chặn này, phải vượt qua một chặng đường độc đạo, ngập bùn lầy, nhiều đoạn bị sạt lở nên việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho các chốt không hề đơn giản. Đại úy Nguyễn Trung Vươn, Đội trưởng Đội vũ trang kiêm chốt trưởng hào hứng nói rằng, việc tăng gia là nhiệm vụ thường xuyên của chúng tôi, ngay cả khi thực hiện nhiệm vụ tại chốt phòng, chống dịch Covid-19, nhờ đó mà bữa ăn của anh em trên chốt luôn dồi dào và có được nguồn rau xanh, thực phẩm tươi, ngon, sạch. Anh em còn tranh thủ trồng các loại hoa hợp với đất cằn như mười giờ, hoa dừa cạn khiến khu vực quanh chốt thêm vui mắt. Nguồn nước thì phải tìm trên đỉnh đồi rồi dẫn ống nứa về tận chốt.

Trên tuyến biên giới phía Bắc và Bắc Trung Bộ, điều kiện thời tiết không được thuận lợi, song tinh thần “bộ đội đến đâu, vườn rau xanh đó” lại càng mạnh mẽ. Từ chốt vắng, anh em gửi về 101 kiểu trồng rau! Hành khô gặp thời tiết ẩm bọ mốc, mọc mầm thì vùi ngay vào vỏ chai nước khoáng, lấp đất là có hành tươi. Sương giá thì bộ đội nhường tấm tăng để che rau không bị buốt sương. Nắng nóng thì chặt lá rừng làm mái che cho rau… Riêng có những ngày tuyết lạnh thì đành chịu nhìn rau đóng băng, tranh thủ lúc nghỉ hô hào mọi người lội tuyết ra nhổ cả gốc để tận dụng nấu mì tôm.

Thế mới biết, để có được một cây rau là biết bao mồ hôi, công sức của người lính biên phòng. Nhưng bất cứ khi nào dân cần, dân thiếu, họ cũng sẽ rất sẵn lòng nhường tặng với tấm lòng thơm thảo.

PHẠM VÂN ANH