Thứ Năm, 05/09/2019 10:17

Binh đoàn Cửu Long: Xây đắp truyền thống hào hùng bằng những bước đi vững chắc

Tôi thật sự bất ngờ khi về thăm lại Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long sau gần bốn năm rời xa đơn vị. Thời gian vừa mới đây thôi, nhưng doanh trại và cơ sở vật chất của các cơ quan đơn vị đã đổi thay rất nhiều.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn

Tôi thật sự bất ngờ khi về thăm lại Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long sau gần bốn năm rời xa đơn vị. Thời gian vừa mới đây thôi, nhưng doanh trại và cơ sở vật chất của các cơ quan đơn vị đã đổi thay rất nhiều. Từng dãy nhà mới khang trang, thoáng mát. Cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Gọn gàng, ngăn nắp, tình cảm chân thành, nồng ấm nhưng không khí làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc. Những ngày tháng 7 này, trên khắp các nẻo đường thao trường, đơn vị, nơi đâu cũng lộng lẫy cờ hoa và khí thế thi đua sôi nổi chào mừng 45 năm ngày truyền thống Binh đoàn Cửu Long anh hùng. Thanh âm rộn rã của khúc nhạc vang vọng lời ca hùng tráng như trận chiến thuở nào. Như ngàn con suối chảy về dòng Cửu Long. Ta quên làm sao những tháng năm gian khổ sốt rét với mưa rừng, tình đồng chí bên nhau… Đôi bàn chân ta đi dưới quân kì hào hùng. Binh đoàn Cửu Long tô thắm thêm dòng Lạc Hồng…. Cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở với Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn - Chính ủy Quân đoàn 4 đã đọng lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng về lớp lớp cán bộ chiến sĩ Binh đoàn Cửu Long năm xưa và những người lính trẻ hôm nay đang vững bước dưới quân kì Quyết thắng.

PV: Thưa đồng chí Chính ủy! Không khí thi đua sôi nổi chào mừng ngày truyền thống Binh đoàn Cửu Long đã lan tỏa rộng khắp trên các nẻo đường đơn vị. Để mở đầu cho buổi trò chuyện hôm nay, xin đồng chí có đôi nét khái quát về lịch sử, truyền thống của Binh đoàn Cửu Long anh hùng.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn: Cách đây vừa tròn 45 năm, ngày 20 tháng 7 năm 1974, tại khu căn cứ Suối Bà Chiêm, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam thay mặt Trung ương Đảng công bố quyết định thành lập Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long). Sự ra đời của Quân đoàn 4 trên chiến trường miền Đông Nam Bộ đã đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh về tổ chức lực lượng, tạo nên một quả đấm chủ lực mạnh trên địa bàn chiến lược ngay cửa ngõ Sài Gòn, trung tâm đầu não của địch. Quân và dân ta có thêm một lực lượng mới, tăng cường thế và lực, sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân để mở ra những chiến dịch có quy mô lớn, có ý nghĩa chiến lược kết thúc chiến tranh. Đội hình chiến đấu của Quân đoàn được hợp thành bởi những đơn vị chủ lực đầu tiên có bề dày lịch sử vẻ vang của quân đội ta từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ xâm lược. Những đơn vị tiền thân ấy có rất nhiều chiến công gắn liền với những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta. Có thể kể đến các đơn vị tiền thân tiêu biểu như Sư đoàn Bộ binh 9, Bộ binh 7, Trung đoàn Đặc công 429… Như vậy, ngay từ khi mới thành lập, Quân đoàn 4 đã có cơ cấu tổ chức của một binh đoàn chủ lực, có khả năng cơ động, độc lập tác chiến trong một chiến dịch, đồng thời có thể tác chiến tập trung, hiệp đồng quân binh chủng trên một hướng chiến lược. Các đơn vị trực thuộc Quân đoàn đã có bề dày lịch sử, kinh nghiệm chiến đấu, xây dựng và công tác, đó là cơ sở vững chắc để Quân đoàn 4 nhanh chóng xây dựng và trưởng thành, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó.
PV: Thưa đồng chí Chính ủy, như vậy sự ra đời của Quân đoàn 4 có ý nghĩa hết sức to lớn trong cục diện thế chiến lược quân sự và trước giai đoạn quyết định của công cuộc giải phóng miền Nam. Xin đồng chí chia sẻ một số trận đánh tiêu biểu của Quân đoàn trên mảnh đất miền Đông gian lao mà anh dũng.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn: Nhận thức sâu sắc vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quân đoàn, ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ủy Quân đoàn đã xác định: “Phải khẩn trương xây dựng Quân đoàn chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Có sức chiến đấu cao, sức đột kích mạnh, sức cơ động lớn, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. Ra đời trên chiến trường miền Đông, với những đơn vị tiền thân có bề dày thành tích, sau 5 tháng được thành lập, Quân đoàn đã ra quân mở đầu thắng lợi bằng chiến thắng Đường 14 Phước Long (từ ngày 6 tháng 12 năm 1974 đến ngày 6 tháng 1 năm 1975), tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Chiến công vang dội đó đã làm nức lòng quân và dân cả nước. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chính trị quan trọng, là đòn trinh sát chiến lược giúp cho Bộ Chính trị đưa ra quyết định chính xác quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Đánh giá về ý nghĩa của chiến thắng mở màn của Quân đoàn, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận định: “Chiến thắng này đã mở ra tiền đề cho cách mạng miền Nam, thần tốc tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Chiến thắng Phước Long đã thể hiện rõ trình độ tác chiến chiến dịch, hiệp đồng quân binh chủng, trình độ tổ chức chỉ huy, trình độ kĩ - chiến thuật của cán bộ chiến sĩ và những cách đánh sáng tạo, linh hoạt trong một đội hình chiến dịch lớn.
Chiến công nối tiếp chiến công, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Quân đoàn 4 đảm nhiệm trên hướng đông bắc Sài Gòn. Đặc biệt, căn cứ Xuân Lộc được mệnh danh là cánh cửa thép bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Bằng nhiều cách đánh sáng tạo và chịu nhiều gian khổ, hi sinh, cánh cửa thép Xuân Lộc đã bị Quân đoàn 4 và lực lượng vũ trang Quân khu 7 tiêu diệt, tạo điều kiện thuận lợi cho 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Trên hướng tây nam, Sư đoàn Bộ binh 9 là lực lượng chủ yếu trong đội hình Đoàn 232 đánh chiếm thị xã Hậu Nghĩa, Long An, Bến Lức, các quận 8, 10, 5 và tiến vào đánh chiếm Biệt khu thủ đô, bắt sống tướng Lâm Văn Phát - Tư lệnh Biệt khu. Đến trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, đội hình Quân đoàn có mặt tại Sài Gòn, hội ngộ cùng các đơn vị bạn trong giờ phút thiêng liêng của ngày vui đại thắng.

Kiểm tra mô hình học cụ tại Binh đoàn Cửu Long- Ảnh: PV

Hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, Quân đoàn được giao nhiệm vụ quân quản ở quận 9 và hai huyện thuộc thành phố Sài Gòn - Gia Định. Cán bộ chiến sĩ Quân đoàn lại tiếp tục bước vào một trận tuyến mới, tham gia giữ gìn an ninh chính trị địa phương, từng bước giúp nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh và làm công tác vận động quần chúng. Phẩm chất, lối sống, phương pháp, tác phong công tác của cán bộ chiến sĩ Quân đoàn trong thời gian làm nhiệm vụ quân quản đã phát huy sáng ngời hình ảnh bộ đội Cụ Hồ, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân thành phố, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi là “các đồng chí vào thành vững như thành”.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành toàn thắng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Cùng với quân dân cả nước, lớp lớp cán bộ chiến sĩ Quân đoàn đã đi qua một chặng đường đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất đỗi tự hào. Thành tích ấy đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang “trung thành, đoàn kết, anh dũng, sáng tạo, tự lực, quyết thắng” của Binh đoàn Cửu Long anh hùng.
Đất nước vừa độc lập, thống nhất chưa được bao lâu thì chiến tranh ở biên giới Tây Nam xảy ra. Cán bộ chiến sĩ Quân đoàn chưa một ngày được nghỉ ngơi, lại tiếp tục hành quân chiến đấu bảo vệ đồng bào và từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trên dải biên giới từ Tây Ninh đến Kiên Giang. Hơn một năm chiến đấu liên tục, Quân đoàn đã đánh bại cuộc chiến xâm lấn của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary, giúp đỡ hàng vạn nhân dân Campuchia lánh nạn, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Tháng 1 năm 1979, thể theo nguyện vọng của Mặt trận dân tộc giải phóng Campuchia, Quân đoàn 4 đã cùng với lực lượng vũ trang bạn tiến vào giải phóng thủ đô Phnôm Pênh, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng tàn khốc và đẫm máu. Những năm sau đó, trong đội hình Quân tình nguyện Việt Nam, nhiều đơn vị trực thuộc Quân đoàn đã tích cực tham gia truy quét tàn quân địch, tăng cường công tác dân vận giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng cũng như giúp đỡ nhân dân Campuchia ổn định cuộc sống, kiến thiết đất nước.
PV: Hiểu biết sâu sắc truyền thống để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ luôn là một nét đẹp văn hóa của người lính, trong đó có cán bộ chiến sĩ Binh đoàn Cửu Long. Với đặc điểm là một đơn vị chủ lực đóng quân trên địa bàn trọng điểm của miền Đông Nam Bộ, Quân đoàn 4 có thuận lợi và khó khăn gì trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), thưa đồng chí?
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn: Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cán bộ chiến sĩ Quân đoàn luôn quán triệt sâu sắc chủ trương nghị quyết lãnh đạo của các cấp, đặc biệt là nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Nhận thức rõ âm mưu chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng và ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Theo đó Quân đoàn đã đổi mới công tác huấn luyện và đào tạo, chú trọng bồi dưỡng năng lực toàn diện cho cán bộ các cấp, coi trọng huấn luyện các chuyên ngành. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện và rèn luyện kỉ luật, xây dựng chính quy. Chú trọng và rèn luyện sức bền, sẵn sàng cơ động của bộ đội trong mọi tình huống, tác chiến được ở mọi địa hình, thời tiết trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Song song với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, được cấp trên tin tưởng giao các nhiệm vụ bảo vệ một số mục tiêu quan trọng, tham gia ứng cứu khắc phục hậu quả thiên tai. Các đơn vị trực thuộc Quân đoàn không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, trực tiếp có mặt tại các vùng lũ trọng điểm, cùng với các lực lượng và chính quyền địa phương cứu giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, được nhân dân khen ngợi và đánh giá cao. Trong những năm qua, Quân đoàn luôn có tổ chức biên chế và nhiệm vụ chính trị ổn định, đội ngũ cán bộ được kiện toàn đủ về số lượng và chất lượng. Đa số cán bộ được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm trong quản lí, huấn luyện và xây dựng đơn vị. Nhận thức của cán bộ chiến sĩ ngày càng được nâng lên, sự quan tâm sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cũng như chính quyền và nhân dân địa phương là những điều kiện thuận lợi để Quân đoàn tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, tạo nên sức mạnh tổng hợp hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên các thế lực thù địch không ngừng chống phá cách mạng nước ta với chiêu bài “dân chủ, nhân quyền, tôn giáo”, lợi dụng tình hình khiếu kiện về đất đai, môi trường, tham nhũng… để kích động, lôi kéo gây tổn hại về kinh tế, an ninh chính trị. Quân đoàn 4 đứng chân trên địa bàn trọng điểm phía Nam, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp. Sự phát triển kinh tế công nghiệp thời hội nhập luôn kéo theo những hệ lụy về an ninh, an toàn, đặc biệt là tội phạm hình sự cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các đơn vị. Song với sự lãnh đạo của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn, cấp ủy chỉ huy các cơ quan đơn vị đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành định mức, chỉ tiêu yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
PV: Với những đặc điểm tình hình như đồng chí Chính ủy vừa nêu thì Quân đoàn 4 có lẽ cũng cần những giải pháp trọng tâm, đột phá để tăng cường xây dựng bản lĩnh chính trị cho người lính hôm nay?
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn: Trong những năm qua, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc quán triệt, học tập, triển khai thực hiện đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của các cấp, cũng như nhiệm vụ quốc phòng của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng và của Quân đoàn. Thực hiện đúng, đủ nội dung chương trình giáo dục chính trị cơ bản, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đạt kết quả cao. Các cấp đã chủ động làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, định hướng nhận thức, tư tưởng cho bộ đội trước diễn biến của tình hình thế giới, trong nước. Ban chỉ đạo 94 và lực lượng 47 hoạt động có hiệu quả. Tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới”. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Quân ủy Trung ương và tôn vinh điển hình tiên tiến về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở các cấp trong toàn Quân đoàn. Luôn chủ động làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm an toàn cho Quân đoàn. Phối hợp với địa phương làm tốt chính sách dân vận. Tổ chức sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị về công tác chính sách. Tiếp tục tăng cường các lớp học tiếng Khmer để đáp ứng yêu cầu công tác ở vùng địa bàn dân tộc và giáo dục, xây dựng bản lĩnh cho bộ đội. Phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng. Nhân rộng điển hình tiên tiến, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”. Cán bộ các cấp cũng thường xuyên thông qua giáo dục truyền thống của Quân đoàn, truyền thống cách mạng quê hương người chiến sĩ để phát huy tinh thần tự giác, xây dựng ý chí quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ. Hình thức tuyên truyền giáo dục cũng được cơ quan chính trị các cấp thực hiện đa dạng như sân khấu hóa, thi tìm hiểu truyền thống, tổ chức các đợt về nguồn để mọi cán bộ chiến sĩ Quân đoàn thêm yêu mến, tự hào là người lính Binh đoàn Cửu Long anh hùng.

Huấn luyện chuyên ngành trinh sát - Ảnh: PV

PV: Trải qua bấy nhiêu năm chinh chiến, đã có không ít những mất mát, hi sinh để đất nước sạch bóng quân thù, giang sơn thu về một mối. Vậy công tác chính sách và hậu phương quân đội đã được Quân đoàn thực hiện trong thời bình như thế nào, thưa đồng chí Chính ủy?
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn: Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chính sách, công tác hậu phương quân đội không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, là đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Trong những năm qua, Quân đoàn đã chủ động tích cực tham gia thực hiện các chương trình, chính sách do Bộ Quốc phòng và các cấp các ngành triển khai. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Quân đoàn đã dành nhiều nguồn lực cho công tác đền ơn đáp nghĩa, xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Là những người lính trưởng thành trong hòa bình, độc lập, chúng tôi thấu hiểu công lao xương máu của lớp lớp thế hệ cha anh, và không bao giờ cho phép mình được lãng quên. Quân đoàn đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, hội cựu chiến binh các mặt trận, ban liên lạc truyền thống các đơn vị, kể cả những đơn vị một thời chiến đấu trong đội hình Binh đoàn Cửu Long nay đã chuyển sang đơn vị khác (hoặc không còn phiên hiệu cũ). Việc rà soát và giải quyết chế độ chính sách trong thời gian qua đã được Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn quan tâm sâu sát và triển khai có hiệu quả. Tất cả các trường hợp người thân đến đơn vị tìm kiếm thông tin quy tập mộ liệt sĩ, hoặc xác nhận hồ sơ quân nhân…, Quân đoàn đều tạo điều kiện tốt nhất về việc cung cấp thông tin, hỗ trợ xác định ADN cũng như hỗ trợ phương tiện, pháp lí… trong khả năng cao nhất của Quân đoàn. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, Quân đoàn đã phối hợp với Quân khu 7 và Hội Cựu chiến binh tổ chức hội thảo về quy tập mộ liệt sĩ ở khu vực chiến trường Củ Chi, Đồng Dù trước đây, làm cơ sở để chia sẻ, cung cấp thông tin cho thân nhân liệt sĩ và các đội quy tập của lực lượng chuyên trách địa phương. Các mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng được Quân đoàn, địa phương và các nhà hảo tâm chăm lo phụng dưỡng.
PV: Thưa đồng chí Chính ủy! Một đặc điểm rất riêng của Quân đoàn 4 đó là khu vực đứng chân đa phần ở thành phố, nơi có cuộc sống phồn hoa đô hội, qua cổng doanh trại đã bước sang một thế giới hoàn toàn khác biệt. Điều đó có khó khăn gì trong công tác giáo dục, quản lí bộ đội?
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn: Tôi hiểu ý các anh muốn nói về yếu tố ngoại cảnh tác động lên tâm lí con người. Mà ở đây, một bên là kỉ cương, quân lệnh, một bên là cám dỗ xa hoa của đời sống xã hội. Đúng là hoàn cảnh ấy dễ làm người ta dao động, tâm tư khi đứng trước những sự lựa chọn khó khăn. Song trước hết, nếu lấy binh làm nghiệp thì thử thách đó cũng là minh chứng cho sự rèn luyện nghiêm túc, bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ chiến sĩ toàn Quân đoàn. Xin được nói vấn đề trước tiên là công tác cán bộ. Trong những năm qua, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã triển khai nhiều chủ trương giải pháp về công tác cán bộ, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo. Chấp hành tốt nguyên tắc, quy trình bổ nhiệm, chuyển ra, đề bạt quân hàm, nâng lương các cấp. Theo đó, người cán bộ tự giác phấn đấu rèn luyện theo tiêu chí, tự hoàn thiện mình và tự quy hoạch được chính mình. Xin nói thêm là cán bộ của chúng tôi có quê hương ở khắp các vùng miền trên cả nước. Để tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác, ngoài thế hệ cán bộ trước đây đã được cấp đất xây nhà theo tiêu chuẩn, số cán bộ trẻ hiện nay cũng được quan tâm cho thuê nhà công vụ với giá rẻ. Những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt được Quân đoàn hỗ trợ một phần quỹ vốn để xây dựng chỗ an cư bằng các phong trào thiết thực như “Ngôi nhà 100 đồng”, sự chung tay giúp sức của đồng đội… Tuy chưa đáp ứng được hết nhu cầu, nhưng đến nay Quân đoàn đã cơ bản chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. Một yếu tố quan trọng khác, đó là công tác đào tạo tuyển dụng cán bộ nơi địa phương đứng chân. Theo đó những đồng chí đã tốt nghiệp đại học có chuyên ngành phù hợp sẽ được đăng kí đào tạo văn bằng 2, tạo nguồn cán bộ cơ sở cho đơn vị. Bên cạnh đó, điểm nhấn trong công tác tư tưởng đó là phong trào 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ) với bộ đội, được bộ đội tin yêu, nể phục. Môi trường quân đội cũng là một xã hội thu nhỏ. Nếu công tác giáo dục chính trị tư tưởng chưa đi vào chiều sâu thì tệ nạn xã hội bên ngoài sẽ có cơ hội len lỏi vào đời sống bộ đội. Xác định rõ điều đó, chúng tôi luôn quán triệt đội ngũ cán bộ các cấp, kỉ luật là tự giác, là nghiêm minh nhưng phải xuất phát từ tình cảm chân thành giữa con người với con người. Chỉ khi nào bộ đội thấy rõ sự quan tâm của cán bộ các cấp bằng sự sẻ chia, bằng những câu chuyện nhân văn sâu sắc thì kết quả xây dựng nề nếp chính quy mới đạt hiệu quả cao. Đời sống ngoài kia dù có phức tạp bao nhiêu, nhưng với bản lĩnh và phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, phát huy truyền thống anh hùng, lớp lớp cán bộ chiến sĩ Quân đoàn vẫn đang ngày đêm phấn đấu và rèn luyện, tích cực xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
PV: Nhân dịp 45 năm ngày truyền thống của Quân đoàn 4 anh hùng, ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang, hẳn đồng chí Chính ủy tâm đắc với nhiều việc đã, đang và sẽ làm trên chặng đường mới hôm nay?
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn: Đó chính là sự đoàn kết nhất trí cao, trên dưới một lòng từ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn đến các cơ quan đơn vị, và đến mỗi người chiến sĩ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của chính quyền và nhân dân địa phương, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ chiến sĩ trong toàn đơn vị, Quân đoàn 4 đã đạt được những thành tích cao và vững chắc. Vinh dự, tự hào với truyền thống vẻ vang 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Binh đoàn Cửu Long hôm nay vẫn đang ra sức xây đắp thêm truyền thống hào hùng bằng những bước đi vững chắc, thực sự là lực lượng chủ lực trung thành bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PV: Cảm ơn đồng chí Chính ủy về cuộc trò chuyện. Xin kính chúc cán bộ chiến sĩ Binh đoàn có một ngày lễ kỉ niệm thật vui và ý nghĩa!

PV