Thứ Năm, 24/10/2019 00:48

Biểu tượng Dân/ Nhân dân trong tác phẩm của Hồ Chí Minh

Là người có vốn học vấn sâu rộng, một trái tim yêu dân, trọng dân, tin dân sâu nặng, một trí tuệ kiệt xuất, hơn ai hết Bác Hồ hiểu thấu mọi nguồn mạch cách mạng đều chảy ra từ ngọn núi nhân dân vĩ đại.

. Hải Thanh

1.1. Dân/ Nhân dân là biểu tượng của những nguồn mạch vĩ đại

Là người có vốn học vấn sâu rộng, một trái tim yêu dân, trọng dân, tin dân sâu nặng, một trí tuệ kiệt xuất, hơn ai hết Bác Hồ hiểu thấu mọi nguồn mạch cách mạng đều chảy ra từ ngọn núi nhân dân vĩ đại. Một số nghệ sỹ điêu khắc xin gặp Bác, Bác cho gặp nhưng không cho làm tượng. Bác bảo: “Các chú hãy nặn tượng tập thể bộ đội, dân quân, thanh niên, thiếu nhi anh hùng: không có nhân dân thì không có Bác” (1).  Khi nhà văn Nga Ruf. Bersatxki tỏ ý tiếc khi không được gặp một số nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, thì Người lại tỏ ra vui mừng: “Sao lại đáng tiếc? Ngược lại, họ đi khắp đất nước là rất tốt. - Và đến đây hóa ra là Chủ tịch biết gần như tất cả mọi chi tiết công việc mỗi nhà văn đang làm. - Như tôi biết, - Người nói, - Chính Tô Hoài, người mà các bạn đã gặp, hàng năm đều đi đến các vùng dân tộc ít người ở miền núi, nơi anh ấy đã chiến đấu, cái đó cũng rất tốt! Hằng Phương - các bạn cũng đã làm quen với nữ thi sĩ ấy - trong thời gian cải cách ruộng đất đã về nông thôn và ở đó cùng lao động với nông dân. Do đó thơ của cô ta như các bạn hiểu đấy, chỉ hay hơn mà thôi. Và Nguyễn Đình Thi bao giờ cũng sát bên nhân dân. Cả nhà thơ xuất sắc Tố Hữu của chúng tôi cũng vậy. Và như vậy là đúng, phải như vậy, chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của các nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó - nhân dân cũng sẽ quên anh ta”  (2) . Ở đây đã rất rõ ràng một quan niệm thực sự biện chứng ở Người: để có tác phẩm hay nhà văn phải trở về với cuộc sống nhân dân, coi đấy là cái nôi, là mảnh đất màu mỡ để nuôi sống cái cây nghệ sỹ.

Ngay sau khi giành được độc lập ít ngày, trên báo Cứu quốc số 411, Người có viết bài báo Tìm người tài đức:

“Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức.

E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.

Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho chính phủ biết...” (3). 

Chỉ mấy dòng chữ ngắn nhưng cái tình tin dân, trọng dân thì bao la, nhất là tầm nhìn biện chứng cho mọi thời đại: mọi nguồn lực đều có ở dân, vấn đề là biết cách tìm ra và sử dụng nguồn lực ấy có vì dân không. Người kịch liệt phê phán những cán bộ cơ hội: “Có người làm quan cách mạng, chợ đỏ chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân phì gia” (4). Người dạy cán bộ phải biết trọng dân, vì dân: “Có người cho là “dân ngu khu đen”. Thế là tầm bậy. Dân rất thông minh. Quần chúng kinh nghiệm sáng kiến rất nhiều. Chỉ cần mình có biết học hay biết lợi dụng mà thôi” (5).

1.2. Dân/ Nhân dân - biểu tượng của lẽ phải, lương tâm, công lý, của sự bao bọc, chở che.

Ngày 5-1- 1946 các Phật tử trong Hội Phật giáo cứu quốc tổ chức tuần “Mừng Liên hiệp quốc gia” để hoan nghênh sự đoàn kết giữa các đảng phái và Mặt trận Việt Minh, cầu nguyện cho nền độc lập của nước Việt Nam mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ, dưới đây là trích đoạn bài nói ngắn gọn cô đọng và giàu ý nghĩa này:

“Nước Phật ngày xưa có những 4 đảng phái làm ly tán lòng dân và hại Tổ quốc. Nhưng nước Việt Nam ngày nay chỉ có 1 đảng phái là toàn dân quyết tâm giành độc lập. Tín đồ Phật giáo tin ở Phật; tín đồ Giatô tin ở đức Chúa Trời; cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy” (Báo Cứu quốc, số 136, ngày 8-1-1946 (6). Cấu trúc đoạn văn này theo lối dồn tụ, các câu đầu dồn ý vào hai câu cuối để làm bật tính chất đạo lý, nguyên lý cũng là chân lý: Dân là tất cả. Tất cả phải vì dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh được mọi người dân Việt noi theo và học tập tu dưỡng vì trước hết đó là tư tưởng vì dân, trọng dân, làm theo ý nguyện của dân: “Không gì có thể ngăn cản mặt trời mọc. Không ai có thể đi ngược lại ý nguyện của nhân dân” (7). Hình ảnh mặt trời mọc mang tính biểu cảm cao vì đó là chân lý, vì đó là hình tượng luôn toả sáng, toả nóng để đem sức sống đến cho muôn loài; trên cơ sở đó tác giả ví nó với “ý nguyện của nhân dân”. Không có mặt trời sẽ không có cuộc sống. Không có dân cũng chẳng có cuộc đời này. Một câu nói mà toát ra cả một tư tưởng lớn!

Thế nên nhiều lần Bác căn dặn cán bộ: “Du kích như cá, dân chúng như nước. Cá không có nước thì cá chết, du kích không có dân chúng thì du kích chết” (8). Cũng là chân lý cuộc đời và nguyên lý hoạt động cách mạng.

1.3. Dân/ Nhân dân là biểu tượng của sự vĩ đại, lớn lao, cao quý

Bác Hồ xây dựng một biểu tượng Nhân Dân thật cao quý, vĩ đại: “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (9). Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp Bác Hồ viết 6 điều không nên và 6 điều nên làm giáo dục cán bộ, mở đầu bài báo là một ngụ ngôn “Nước lấy dân làm gốc” có ý nhắc “không làm” hay “làm” bất cứ điều gì thì trước tiên cũng lấy mục đích vì dân. Cuối bài cũng là một ngụ ngôn được thể hiện bằng mấy câu thơ:

“Quân tốt dân tốt,

Muôn sự đều nên.

Gốc có vững cây mới bền,

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” (10).

Nếu nói hình thức mang tính nội dung, “hình thức mang tính quan niệm” thì xét ở ví dụ này có lẽ là rất tiêu biểu. Chủ đề 4 câu thơ trên nói về cái “ lầu thắng lợi” thì cấu trúc của nó cũng mang hình “cái lầu” ấy với “thân lầu” là hai câu thơ bốn chữ, “móng lầu” là cặp câu lục bát vững chãi. Khi viết những câu này có thể tác giả của nó không hề nghĩ đến giá trị của hình thức như ta hiểu, nhưng nghệ thuật là thế, là sự vượt ra ngoài những cố tình gò câu ép chữ để trở về với tự nhiên. Nghệ thuật văn chương Hồ Chí Minh là nghệ thuật của sự tự nhiên như vậy.

Trên báo Nhân dân số 191, ngày 4-6-1954 Người viết bài Bắt rễ xâu chuỗi ký bút danh C.B, nói rõ “muốn có rễ, chuỗi tốt thì cán bộ phải dựa vào nhân dân” (11). Người đồng tình với “Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng:

Dễ mười lần không dân cũng chịu,

Khó trăm lần dân liệu cũng xong” (12).

Trong Chiếu về việc làm bài Hậu tự huấn để răn bảo thái tử Nguyễn Trãi yêu cầu nhà vua phải “hoà thuận tông thân, nhớ giữ một lòng hữu ái, thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan nhân”. Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi thể hiện thật sâu sắc ở phương châm giản chính, khoan hình: “có khi dùng đến uy pháp, nhưng không nên lâu la phải chóng trở về với nhân nghĩa”, nếu phải dùng quyền mưu thì “chỉ dùng để trị gian tà. Cốt nhân nghĩa gìn giữ thì thế nước mới yên ổn”. Hồ Chí Minh học tập kế thừa tinh thần nhân nghĩa của Nguyễn Trãi. Tư tưởng khoan nhân của Bác Hồ rất gần với Nguyễn Trãi, dĩ nhiên được mở rộng hơn, cụ thể hơn: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ” (13).

"Ai được lòng dân, được thiên thời địa lợi, có tướng giỏi, theo đúng phép dùng binh, quân đội mạnh hơn, binh lính luyện tập hơn, thưởng phạt công minh hơn – thì bên ấy thắng. Ngày nay cần có 3 điều nữa:

1.Vàng bạc ai đầy đủ hơn.

2. Sinh sản ai nhiều hơn.

3.Ngoại giao ai thuận lợi hơn, thì thắng” (14) .

Binh pháp Tôn Tử nói: Thiên thời địa lợi nhân hoà, nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất là Thiên, đến Bác Hồ, vẫn coi trọng ba yếu tố quyết định ấy nhưng nhấn mạnh trước hết đến Nhân, “Ai được lòng dân...”. Một bước tiến vượt bậc coi con người là yếu tố quyết định trong chiến tranh. Ba điều cần có mà Người đưa ra, soi vào ngày hôm nay - những ngày đầu thế kỷ XXI này, quả là một tầm nhìn chiến lược vĩ đại đi trước thời gian, sáng suốt vô cùng. Yếu tố 1. Vàng bạc ai đầy đủ hơn, là vật chất, phải có tiền để trang bị vũ khí hiện đại... Yếu tố 2. Sinh sản ai nhiều hơn, là tốc độ phát triển, càng phát triển càng có cơ hội hiện đại hoá quân đội... Yếu tố 3. Ngoại giao ai thuận lợi hơn, là sự ủng hộ của dư luận, của các nước trên thế giơí, trong bối cảnh toàn cầu hoá thì yếu tố này càng trở nên cấp thiết.

Nhiều lần Bác nhắc cán bộ chiến sĩ: “Ông Khổng Minh nói: trước nhất cốt lấy lòng dân, thứ hai mới cốt lấy thành trì của địch” (15). Tức coi dân là trước hết, trên hết.

1.4. Dân/ Nhân dân là biểu tượng cho sức mạnh vô địch

Người từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống vô cùng quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (16). Một biểu tượng sức mạnh có lẽ khó có cách diễn đạt nào sinh động, cụ thể hơn nữa!

Đồng chí Vi Quốc Bảo tường thuật lại bài giảng trong Dự hai lớp huấn luyện do chính Bác giảng bài: “Nhân nói về căn cứ địa, có ý kiến hỏi Bác:

- Thưa lão đồng chí! Ở miền núi thì lấy núi rừng làm căn cứ địa. Thế còn ở đồng bằng không có địa hình hiểm trở thì sao ạ?

Bác cười bảo:

-Có núi thì dựa vào núi, có sông thì dựa vào sông, không có núi, có sông thì dựa vào người làm sông núi…Ở đâu có người là ở đó có núi rừng, có biển cả, ta phải tổ chức, động viên sức mạnh của quần chúng thành rừng thành biển mà dựa vào…” (17).

Hồ Chí Minh từng ví sức mạnh của dân cũng như nước, cách ví của Người luôn ở thế tích cực:

“ ...ý chí của nhân dân – một ý chí đã được hun đúc trong nghèo đói và khổ cực – một ý chí còn mạnh hơn và dẻo dai hơn sóng cả, cuối cùng sẽ khoét hổng dần và đánh bật cái tảng đá bề ngoài có vẻ vững chắc là sự áp bức và bóc lột kia đi” (18).

Chúng ta thấy quan điểm của Bác về sức mạnh của dân thật nhất quán. Đó một bản lĩnh vĩ đại!

HT

----------------------------

1. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995.tr 357.

2. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 3, tr 55.

3. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4 , tr 451.

4. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 61.

5. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 7, tr 62.

6. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 148.

7. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 97.

8. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3 , tr 470.

9. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 276.

10.  Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 410.

11. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tập 5, tr 457.

12. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 12, tr 212.

13. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 643.

14. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 514.

15. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 537.

16. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 6, tr 171.

17.  Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990. tr 94.

18. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, tr 102.