Thứ Sáu, 27/12/2019 14:32

Bến Tre - đất và người

Tôi đến tỉnh Bến Tre nhiều đến mức không tính được bao nhiêu lần trong hai mươi năm qua, lúc vì công việc, khi thăm thú cùng bạn bè gần xa, lần mới nhất là đưa một người bạn từ miền Bắc vào du ngoạn đất này.

.Ghi chép. ĐỖ VIẾT NGHIỆM

Vì sao có tên gọi Bến Tre?

Tôi đến tỉnh Bến Tre nhiều đến mức không tính được bao nhiêu lần trong hai mươi năm qua, lúc vì công việc, khi thăm thú cùng bạn bè gần xa, lần mới nhất là đưa một người bạn từ miền Bắc vào du ngoạn đất này. Một tuần đủ để đi hết ba cái cù lao là: cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao Hóa. Ba cái cù lao như ba chú cá voi khổng lồ làm nên đất Bến Tre. Anh bạn ngập tràn cảm xúc trước vẻ đẹp đất trời sông nước nên đã thích thú thốt lên: “Tuyệt vời, kiều diễm như một mĩ nữ!”.

Ví một vùng đất với một mĩ nữ xem chừng hơi khập khiễng. Tuy nhiên nghĩ sâu chút lại thấy thú vị, bởi anh bạn tôi là một nhà khoa học, một gã khô khan với những con số mà còn phải thốt lên như vậy, nói gì đến ông nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhìn cây dừa hình dung ra vóc dáng người con gái, có mái tóc dài bay bay để rồi viết ra những ca từ cho bài hát Dáng đứng Bến Tre ngọt ngào: Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió/ Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre… Bài hát ra đời làm say đắm lòng người không chỉ ở Bến Tre mà khắp mọi miền đất nước. Nó vượt qua thời gian, không gian, tiêu biểu đến nỗi gần như trở thành “tỉnh ca” của Bến Tre.

Anh bạn lại làm tôi bất ngờ lần nữa, với một suy nghĩ cũng khá “sến”: “Bến Tre là đất dừa, dừa trở thành biểu tượng cách mạng của Bến Tre. Vậy sao không lấy hình tượng cây dừa đặt tên là tỉnh dừa nhỉ?”. Tôi sốc thực sự, dẫu sến nhưng xem ra gã này sâu sắc thật. Tôi đem những kiến thức hiểu biết của mình giải thích với anh bạn rằng, đấy là vấn đề lịch sử và văn hóa. Đất Việt Nam có hơn sáu mươi tỉnh thành, có biết bao nhiêu danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mỗi tên gọi đều có nguồn gốc. Tôi lấy thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ra làm ví dụ. Năm 1700, ông Mạc Cửu người Trung Hoa, không phục nhà Thanh tiếm ngôi nhà Minh nên đã giong thuyền ra biển xuống phương Nam vào vùng Mang Khảm, bấy giờ đất này hoang hóa, thưa thớt người ở, thuộc nước Chân Lạp. Mang Khảm là vùng đất trũng gần biển, có nhiều sông, nhiều đầm. Buổi sáng khi bình minh lên sông nước mờ ảo trong sương, chim trời tung tăng bơi lội, nhìn cảnh mộng mơ ấy chẳng khác gì có tiên đang bay lượn trên mặt nước. Mạc Cửu là người yêu thích thơ Bạch Cư Dị, hợp với tâm trạng kẻ vong quốc nhớ cố hương, đặt tên cho vùng đất này là Hà Tiên. Năm 1708, Mạc Cửu đem đất Hà Tiên dâng lên chúa Nguyễn, cũng từ đấy Hà Tiên thuộc về Đại Việt.

Bến Tre lịch sử không ghi chép đầy đủ, nhưng có lẽ nó mang một cái tên dân dã, bình dị, hình thành một cách tự nhiên. Trước 1698 chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào trấn phương Nam lập ra phủ Gia Định. Bấy giờ phủ này lui tới phía nam sông Tiền, nơi ấy phó tướng Long Môn Hoàng Tiến người Trung Hoa cũng không phục nhà Thanh nên đã xuống phương Nam vào Thuận Hóa xin đầu phục, được chúa Nguyễn cho vào trấn Đồng Môn (Biên Hòa ngày nay). Hoàng Tiến làm phản, giết chết chủ tướng Dương Ngạn Địch, tự xưng tướng quân, rồi dời sang Nam Khê, Kiến Hòa (thời Ngô Đình Diệm, Bến Tre còn có tên là tỉnh Kiến Hòa).

Vậy tại sao gọi là Bến Tre? Luận theo lịch sử, tên Bến Tre chắc chắn muộn hơn thời kì Nguyễn Hữu Cảnh và thời Hoàng Tiến. Nhưng sao Bến Tre gắn với hình ảnh cây tre mà ngày nay chỉ có dừa? Dừa đang chiếm thế thượng phong, chủ đạo của một địa phương trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Dừa nhiều vô kể, dừa như rừng. Từ thành phố Hồ Chí Minh xuống, ngồi trên xe ở độ cong cao nhất của cây cầu Rạch Miễu dài gần hai cây số đã thấy ngút ngát bao la dừa.

Nơi không trồng tre, nhưng lại gọi là tỉnh Bến Tre, xem ra có gì nghịch lí? Không đâu, vẫn có lí! Khoảng 200 năm trước, đấy là tôi phỏng đoán, người Bến Tre nổi tiếng với nghề thủ công đan lát làm hàng mĩ nghệ từ cây tre rồi, nhưng vì không trồng được nhiều tre, nên người dân phải mua tre từ nhiều nơi chuyển về bằng đường sông nước, trong đó nhiều nhất đến từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Có thuyền, thì phải có bến. Cái bến ấy nhập nhiều tre nằm trong một đoạn sông nối ráp từ sông Hàm Luông và sông Ba Lai tới. Thuyền chở tre đậu san sát trong bến nước, người bán, kẻ mua tấp nập và cái tên Bến Tre ra đời từ đấy?

Tiếc là ngày nay nghề đan lát sản phẩm của cây tre không còn phổ biến nữa, thay vào đấy là cây dừa. Sản phẩm làm ra từ cây dừa cũng tuyệt vời, mọi bộ phận của cây dừa đều có thể làm nguyên vật liệu. Quả cho ta nước uống giải khát cực bổ. Cùi dừa chế biến thành nhiều loại sản phẩm cao cấp như dầu gội đầu, xà bông thơm, bánh, kẹo. Xơ dừa làm đệm, làm thảm. Lõi dừa, thân dừa làm đũa, đồ mỹ nghệ, điêu khắc... Dừa xuất đi nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới. Bến Tre đã đi vào tiềm thức bao đời, bao thế hệ, bình dị và dân dã, nhưng cũng không kém phần thanh lịch và yêu thương.

 

Quê hương Đồng Khởi

Cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mĩ của nhân dân Việt Nam kéo dài hơn hai thập kỉ, chiến trường miền Nam nói chung, các tỉnh Nam Bộ nói riêng, nơi nào cũng có những câu chuyện đậm dấu ấn huyền thoại. Trong đó, Bến Tre làm nên những dấu son rất riêng mà lịch sử đã ghi nhận.

Nói đến Bến Tre mà không biết sự kiện lịch sử Đồng Khởi năm 1960 thế kỉ XX, xem như bạn chưa hiểu đầy đủ về Bến Tre và con người Bến Tre. Hiệp định Geneve năm 1954 được kí kết, có điều khoản hai miền tạm thời chia cắt và hai năm sau (1956) sẽ tổng tuyển cử hai miền, thống nhất đất nước. Nhưng Ngô Đình Diệm đơn phương phá bỏ hiệp định, mở nhiều cuộc càn quét, truy sát những người cộng sản, đốt phá nhà cửa, tàn phá ruộng vườn, dồn ép dân chúng vào các khu trù mật. Diệm thi hành luật 10/59, lê máy chém đi khắp mọi nơi giết hại dân lành nhằm phục vụ cho chính sách “ấp chiến lược”. Căm phẫn trước tội ác của Mĩ - Diệm, người dân Bến Tre đã đứng lên tiến hành phong trào Đồng Khởi. Đồng Khởi trở thành cơn bão táp quật khởi chống lại kẻ thù bạo tàn hung ác, giành chính quyền về tay nhân dân. Đồng Khởi bắt đầu từ Bến Tre, rồi lan sang nhiều địa phương khác ở Nam Bộ, ra tới miền Trung. Đồng Khởi trở thành ngọn cờ, thành bài học về chiến tranh cách mạng kết hợp giữa ba lực lượng chính trị, quân sự và binh vận. Từ thắng lợi của cuộc Đồng Khởi Bến Tre, Trung ương từng bước củng cố vững chắc chiến lược, chỉ đạo chiến tranh cách mạng miền Nam lúc bấy giờ và suốt cả cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngoài Đồng Khởi, người Bến Tre còn nổi tiếng với sự kiện năm 1946, bà Nguyễn Thị Định cùng một số đại biểu Quốc hội khóa I của Bến Tre, Mỹ Tho, Khu 8 dùng thuyền gỗ vượt biển từ huyện Thạnh Phú ra Hà Nội, đề nghị với Trung ương chi viện vũ khí vào miền Nam. Từ thành công của chuyến đi này, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các tỉnh Nam Bộ đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc nhận vũ khí. Vẫn là người Bến Tre đi tiên phong mở đường trên biển. Ngày 1/6/1961, con thuyền có 6 người xuất phát từ Cồn Tra, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, vượt biển ra miền Bắc thành công. Tháng 8 năm ấy, con thuyền thứ hai của Bến Tre cũng vượt biển khơi tới đích thắng lợi. Tiếp theo, thuyền Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt ra đại dương hướng về miền Bắc. Hãy tưởng tượng 60 năm trước, những con thuyền gỗ đánh cá bình thường của người dân Nam Bộ vượt ra biển lớn trong khi không có la bàn, bản đồ hàng hải, không có radio nghe dự báo thời tiết, ngày nhìn vào bờ lấy chuẩn các ngọn núi cao, đêm nhìn sao Bắc đẩu mà định hướng đi cho khỏi lạc; trên mặt biển ngày đêm gặp tàu tuần tra địch, trên trời có máy bay do thám của chúng; rồi nhiều sự cố như thủng thuyền tràn nước, thiếu nước ngọt, thủy thủ phải uống nước tiểu của chính mình, lấy nước biển đun sôi lắng lấy hơi nước liếm cho đỡ khát; có thuyền đi lạc sang tận Ma Cao, có thuyền vào Hải Nam (Trung Quốc)... Người Bến Tre đã làm nên những huyền thoại ấy.

Huyền thoại nối tiếp huyền thoại, những con thuyền vượt biển thành công. Trung ương quyết định thành lập đoàn tàu vận tải không số và tuyến vận tải này được mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Năm 1962, bốn con tàu không số đầu tiên chuyển vũ khí vào Vàm Lũng, Cà Mau thắng lợi. Riêng Bến Tre, bến 962 (A101) tại Cồn Tra, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, suốt cuộc chiến tranh tiếp nhận 27 chuyến, số lượng vũ khí lên tới hàng ngàn tấn các loại. Thạnh Phong, Thạnh Phú ngày nay trở thành trung tâm lịch sử của những con thuyền huyền thoại, cũng là địa chỉ “đỏ” nơi đoàn tàu không số cập bến vào đây. Để ghi lại công lao của lớp người đi trước, công viên văn hóa lịch sử “Bến tàu không số” rộng hàng chục hécta, đã được Chính phủ phê duyệt, kinh phí trên 2000 tỉ đồng đang được triển khai.

Năm 2011, tôi vinh dự được cùng các cựu chiến binh trên những con thuyền vượt biển ra miền Bắc năm xưa ra thăm Hà Nội. Khi tiếp đón đoàn tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói: “Thời bấy giờ, các đồng chí dám dùng con thuyền đánh cá bình thường để vượt biển ra miền Bắc, xin Trung ương đưa vũ khí vào miền Nam đánh giặc, chỉ hành động ấy, tinh thần ấy, các đồng chí xứng đáng là những người anh hùng rồi!”.

Bến Tre sắp kỉ niệm 60 năm ngày Đồng Khởi (17/1/1960 - 17/1/2020) và 59 năm ngày những con thuyền vượt biển ra miền Bắc. Những sự kiện lịch sử ghi dấu một thời hào hùng đã khiến cả nước tự hào, ngưỡng mộ. Những ngày này người dân Bến Tre đang hồi hộp mong chờ ngày kỉ niệm trọng đại, thiêng liêng. Và tôi, một người có nhiều kí ức và kỉ niệm đẹp về đất và người Bến Tre cũng đang cảm thấy bồi hồi, rạo rực

 

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7/2019

Đ.V.N