Thứ Hai, 16/09/2019 10:21

Bầy thú giấy

Tôi đưa tay để với lấy tạo vật của mẹ. Đuôi của nó vẫy vẫy và nghịch ngợm trên ngón tay tôi. “Gừ,” nó gầm, âm thanh nghe như là tiếng mèo kêu hòa lẫn với tiếng sột soạt của những tờ báo...(Truyện ngắn của Ken Liu, Mĩ)

 

 

Ken Liu (sinh năm 1976) là một tác giả người Mĩ về khoa học viễn tưởng và giả tưởng, đồng thời là dịch giả, luật sư và lập trình viên máy tính.

Một trong những kí ức sớm nhất bắt đầu bằng việc tôi thổn thức khóc trong đêm. Tôi không nín bất kể bố mẹ đã cố dỗ dành thế nào. Bố từ bỏ và rời khỏi phòng, nhưng mẹ thì bế tôi vào bếp và đặt tôi ngồi lên bàn ăn sáng.

“Kan, Kan. Nhìn xem này”, mẹ nói và lấy xuống một tờ giấy gói từ trên nóc tủ lạnh. Trong nhiều năm trời, mẹ luôn cẩn thân mở những tờ giấy gói quà Giáng Sinh và cất chúng ngay ngắn thành một sấp dày.

Mẹ đặt tờ giấy xuống bàn, ngửa mặt trơn lên và bắt đầu gấp. Tôi ngừng khóc, nhìn theo một cách tò mò.

Mẹ lật giấy, rồi lại gấp nó lần nữa. Mẹ xếp nếp, cuốn, miết, và xoắn cho đến khi tờ giấy biến mất giữa hai bàn tay chụm lại. Mẹ đưa tờ giấy lên môi và thổi, như thổi một quả bóng.

“Kan,” mẹ nói, “Nhìn này, lão hổ”. Mẹ đặt nó xuống bàn, một lão hổ nhỏ cỡ hai nắm bàn tay bằng giấy đứng ở đó, da của lão chính là mặt ngoài của giấy gói, kẹo Giáng Sinh đỏ, cây thông xanh in trên nền trắng.

Tôi đưa tay để với lấy tạo vật của mẹ. Đuôi của nó vẫy vẫy và nghịch ngợm trên ngón tay tôi. “Gừ,” nó gầm, âm thanh nghe như là tiếng mèo kêu hòa lẫn với tiếng sột soạt của những tờ báo. Tôi bật cười vuốt ve và giữ nó giữa ngón trỏ. Lão hổ giấy nghịch ngợm dưới ngón tay tôi, kêu gừ gừ. “Zhe jiao Zhezhi,” Mẹ nói. Cái này gọi là gấp giấy.

Ngày ấy tôi còn chưa hiểu, nhưng hơi thở mẹ thật diệu kì. Mẹ thổi hơi vào thú giấy nên chúng trở thành một phần hơi thở của mẹ, và cả, sự sống của mẹ nữa. Đó là phép màu.

Bố đã chọn mẹ từ một cuốn tạp chí.

Một lần, khi còn học trung học, tôi vòi bố kể chi tiết chuyện ngày xưa. Lúc ấy ông đang cố thuyết phục tôi nói chuyện lại với mẹ.

Mùa xuân năm 1973, ông đăng kí dịch vụ mai mối. Lật giở từng trang giấy, ông đã không dừng lại quá vài giây ở bất cứ đâu, cho đến khi bắt gặp bức hình của mẹ.

Tôi chưa bao giờ được thấy bức hình. Bố tả: Mẹ ngồi nghiêng trên một cái ghế, mặc chiếc xường xám lụa màu xanh lá sát thân người. Mẹ quay đầu nhìn về phía máy chụp hình, mái tóc dài màu đen buông lơi trên ngực và vai. Mẹ đã nhìn thẳng vào bố với đôi mắt bình thản như một đứa trẻ.

“Đó là trang tạp chí cuối cùng mà bố xem.” Ông nói. Tờ bướm nói rằng cô gái mười tám tuổi, thích nhảy, nói được tiếng anh vì sống ở Hồng Kông. Hóa ra chẳng điều nào trong số đó là sự thật. Bố viết thư cho cô gái, và công ty giúp họ thư từ qua lại. Rốt cuộc, ông bay đến Hồng Kông để gặp cô gái. “Sự thật là nhân viên của công ti mai mối đã viết những lá thư thay cho mẹ, mẹ chẳng biết từ tiếng anh nào ngoài ‘xin chào’ và ‘tạm biệt’.”

Loại phụ nữ nào mà lại rao bán mình trên một tập bướm? Hồi học trung học tôi cứ nghĩ mình thạo đời lắm. Sự ngạo mạn khiến ta thấy được an ủi, cảm giác như uống rượu vang vậy. Thay vì giận giữ đến công ti và đòi lại tiền, bố trả một ít cho nhân viên ở khách sạn để phiên dịch cho họ.

Mẹ nhìn bố khi bố nói chuyện, ánh mắt toát lên vẻ vừa sợ hãi và hi vọng. Và khi người phiên dịch thuật lại ý bố, mẹ bắt đầu cười chầm chậm. Bố bèn quay trở lại Connecticut, chuẩn bị giấy tờ để đón mẹ đến. Tôi được sinh ra sau đó một năm. Năm Dần.

***

Như tôi muốn, mẹ cũng gấp một chú dê, một chú hươu và một chú trâu nước bằng giấy. Chúng thường chạy khắp phòng khách trong khi bị lão hổ săn đuổi, gầm gừ đằng sau. Khi bắt được chúng, nó sẽ dẫm lên đám thú ăn cỏ cho đến khi không khí thoát ra sạch và chúng trở lại thành giấy phẳng. Sau đó tôi sẽ phải thổi hơi vào đám động vật lần nữa để chúng lại có thể chạy nhảy xung quanh.

Đôi khi, bầy thú gặp rắc rối. Một lần, trâu nước nhảy vào bát nước tương trên bàn ăn tối (nó muốn đầm mình, như một chú trâu nước thứ thiệt).

Tôi nhấc nó ra thật nhanh nhưng chân chú trâu đã dính đầy tương. Chất lỏng làm những cái chân trở nên mềm oặt và không thể đứng thẳng, trâu nước ngã quỵ xuống mặt bàn. Tôi đã cố phơi nó dưới nắng nhưng những cái chân trở nên cong queo và kể từ đó trâu nước chạy nhảy một cách khập khiễng. Mẹ đã bọc chân trâu nước bằng sáp để nó có thể ngâm mình đến tận ngực (chỉ là không phải trong nước tương nữa).

Ảnh minh họa.

Lão hổ cũng thích vồ những con chim sẻ khi nó chơi ngoài sân sau, nhưng có lần, một con chim gớm mặt đã quay lại mổ và xé rách tai lão hổ. Nó nhăn nhó và rên rỉ trên tay tôi. Mẹ cố gắn cái tai lại bằng băng dính. Lão hổ ghét lũ chim từ đó.

Rồi một ngày, tôi xem chương trình TV về cá mập và xin mẹ làm một chú cho mình. Mẹ gấp cá mập, nhưng nó chật vật bơi một cách không hạnh phúc trên bàn. Tôi đổ đầy bồn rửa bát và thả nó vào trong. Cá mập vui vẻ bơi lội. Nhưng chỉ một lúc sau đó nó bị thấm nước và mềm oặt, chầm chậm chìm xuống đáy bồn, những nếp gấp bị rão ra. Tôi đến gần để cứu cá mập. Nhưng tất cả kết thúc với một miếng giấy ướt. Lão hổ đặt hai bàn chân trước lên và tựa đầu vào cạnh bồn. Tai rủ xuống, nó khẽ gầm gừ trong cổ họng đầy thương tiếc khiến tôi thấy thật có lỗi.

Mẹ làm một chú cá mập mới cho tôi, lần này bằng giấy thiếc. Cá mập sống hạnh phúc trong một bể cá vàng lớn. Lão hổ và tôi thường ngồi cạnh nhau trước bể xem cá mập rượt đuổi lũ cá vàng, lão hổ dán mặt vào thành bể từ phía bên kia và tôi có thể thấy rõ đôi mắt của nó chăm chú vào mình.

Khi tôi lên 10, chúng tôi chuyển sang một căn nhà mới. Hai người phụ nữ hàng xóm sang để chào. Bố mời họ uống nước và xin lỗi vì còn vướng chút hóa đơn với người chủ cũ. “Cứ tự nhiên nhé. Vợ tôi không nói được nhiều Tiếng Anh nên đừng nghĩ cô ấy thô lỗ vì không nói chuyện.”

Khi tôi đọc sách ở phòng ăn, mẹ tháo đồ làm bếp. Hai người phụ nữ trò chuyện ở phòng bên cạnh còn chẳng buồn nói nhỏ. “Ông ta có vẻ bình thường. Mà sao lại làm thế nhỉ?”

“Kết hôn với bọn ngoại lai cứ làm sao ấy. Đứa trẻ trông cứ thiếu cái gì. Mắt thì hí, mặt trắng bệch. Xấu như quỷ.”

“Chị có nghĩ nó nói được tiếng Anh không?” Những người phụ nữ đột ngột yên lặng. Lúc sau, họ tiến vào phòng ăn. “Xin chào, tên cháu là gì?”

“Jack,” tôi nói.

“Nghe có vẻ không giống Trung Quốc lắm nhỉ.”

Mẹ cũng đi tới. Mẹ cười với hai người phụ nữ. Ba người họ đứng thành một hình tam giác quanh tôi, cười và gật đầu với nhau, không biết phải nói gì cho đến khi bố quay trở lại.

***

Rồi Mark, thằng bé cùng khu phố sang, mang theo bộ đồ chơi nhân vật phim Star Wars. Thanh kiếm ánh sáng Obi-Wan Kenobi sáng lên và nó có thể vung tay lên, nói bằng một giọng hùng hồn: “Triệu hồi sức mạnh!”

Tôi chẳng thấy hành động của nó giống Obi-Wan thật tí nào. Tôi đã xem nó làm đi làm lại cái trò ấy năm lần trên bàn cà phê.

“Cậu còn làm gì được nữa?” Tôi hỏi. Mark rất bực mình vì câu hỏi của tôi. “Nhìn cho kĩ vào!” nó nói. Tôi nhìn thật kĩ. Và vẫn chẳng thấy có gì thú vị.

Mark thất vọng vì phản ứng của tôi: “Thế cậu thì có đồ chơi gì nào?”

Tôi đã chẳng có bất kì đồ chơi nào ngoại trừ bầy thú giấy. Tôi mang lão hổ ra từ phòng ngủ. Ngày đó lão đã sờn nhiều chỗ, lởm chởm băng dính và hồ dán - dấu vết của sự sửa chữa mà mẹ và tôi đã làm với lão suốt những năm qua. Lão hổ không còn nhanh nhẹn và dẻo dai như trước. Tôi đặt lão ngồi trên mặt bàn cà phê. Tôi có thể nghe thấy tiếng bước chân rón rén của những con vật khác phía sau hành lang, rụt rè nhìn vào phòng khách. “Xiao laohu”, tôi nói, rồi dừng lại. Tôi chuyển sang tiếng Anh. “Đây là lão hổ.”

Một cách thận trọng, lão hổ sải bước và nhìn chằm chằm vào Mark, đánh hơi tay cậu. Mark săm soi lớp da với những họa tiết Giáng Sinh của lão hổ. “Nó trông chẳng giống hổ tí nào. Mẹ cậu làm đồ chơi cho cậu từ rác à?”

Tôi chưa bao giờ nghĩ lão hổ là rác. Nhưng nhìn lão mà xem, lão thực sự từng chỉ là một mảnh giấy gói. Mark đưa thanh kiếm Obi-Wan lên một lần nữa. Đèn báo sáng; thằng nhóc múa lên xuống. “Triệu hồi sức mạnh!” Lão hổ quay lại và chồm đến, hất văng thứ đồ chơi nhựa rơi khỏi bàn. Nó đập xuống sàn và vỡ tan đầu, thanh Obi-Wan lăn đến chân ghế.

“Gừ gừ,” lão hổ cười phá lên. Tôi cũng cười. Mark thình lình đấm tôi mạnh. “Cái kiếm này đắt lắm đấy! Mày không thể mua nó trong cửa hàng nữa đâu! Có khi nó còn đắt hơn cả số tiền bố mày bỏ ra để mua mẹ mày đấy!”

Tôi ngã xuống sàn. Lão hổ gầm gừ và nhảy lên mặt Mark. Mark hét lên vì sợ hãi và bất ngờ chứ không phải vì đau. Dù sao thì lão hổ cũng chỉ làm từ giấy thôi. Mark nắm lấy lão hổ và tiếng gầm gừ của lão bị bóp nghẹt khi thằng bé vò lão trong tay và xé lão làm đôi. Nó cuộn tròn hai miếng giấy và ném vào tôi. “Thứ rác Trung Quốc ngu ngốc rẻ tiền của mày đây này!”

Sau khi Mark bỏ đi, tôi ngồi hàng giờ cố gắng, dẫu chẳng thành công, dán các mảnh giấy lại với nhau, là thẳng và miết các nếp gấp để lão hổ sống lại. Từ từ, những con vật khác cũng đi vào phòng khách, đứng quanh tôi và mảnh giấy rách từng là lão hổ.

Cuộc chiến của tôi với Mark đã không kết thúc ở đó. Mark rất được yêu mến ở trường. Tôi không bao giờ muốn nghĩ về quãng thời gian hai tuần sau đó. Tôi về nhà vào thứ sáu hôm ấy.

“Xuexiao hao ma?” Mẹ hỏi. Ở trường thế nào? Tôi không đáp và đi vào phòng tắm. Tôi nhìn vào trong gương. Tôi trông chẳng giống mẹ, không dù chỉ một chút.

Vào bữa tối, tôi hỏi bố, “Mặt con có xấu không?” bố đặt đũa xuống. Dù tôi chưa bao giờ kể với ông những gì xảy ra ở trường, dường như bố hiểu. Ông nhắm mắt và vuốt mũi. "Không. Con không xấu.”

Mẹ nhìn bố không hiểu. Rồi mẹ lại nhìn tôi. “Sha jiao ‘xấu’?” Xấu nghĩa là gì?

“Tiếng Anh,” tôi nói “Nói tiếng Anh.”

Mẹ cố thử: “Chuyện gì vậy?”

Tôi đã hằn học đẩy đũa và bát trước khi bỏ đi: ớt xanh xào với thịt bò ngũ vị hương, “Chúng ta nên ăn đồ ăn Mĩ.”

Bố lí luận: “Nhiều gia đình vẫn thi thoảng nấu đồ ăn Trung Quốc mà.”

“Nhưng mình đâu phải là những gia đình ấy?” Tôi nhìn bố. “Những gia đình ấy đâu có mẹ ngoại quốc.” Bố quay mặt đi.

Và rồi ông đặt một tay lên vai mẹ, “Anh sẽ mua cho em một cuốn sách dạy nấu ăn.”

Mẹ tôi quay sang tôi “Bu haochi?” không ngon à?

“Tiếng Anh,” tôi nói, bắt đầu lên giọng, "Nói tiếng Anh."

Mẹ đưa tay chạm vào trán tôi để cảm nhận nhiệt độ. “Fashao la?” Con có bị sốt không?

Tôi gạt tay mẹ ra. "Con ổn. Nói tiếng Anh đi!” Tôi hét lên.

“Em nói tiếng Anh với con đi,” bố nói với mẹ, “Em biết điều này sẽ xảy ra. Em còn chờ gì nữa?”

Mẹ thu tay về. Mẹ ngồi đó, nhìn từ bố sang tôi, rồi lại nhìn về bố.

Mẹ thử nói vài từ, ngập ngừng, rồi thử lại, rồi lại dừng. “Em phải nói,” bố nói. “Anh đã rất kiên nhẫn với em. Nhưng Jack cần phải hòa nhập với mọi người.”

Mẹ tôi nhìn ông. “Nếu em nói ‘tình yêu’, thì cảm thấy ở đây.” Mẹ chỉ vào môi mình. “Nếu em nói ‘ai’, thì em cảm thấy ở đây.” Mẹ đặt tay lên nơi trái tim.

Bố lắc đầu: “Em đang ở Mĩ.”

Mẹ tôi cúi đầu ngồi xuống, trông như con trâu nước ngày xưa khi lão hổ thường vồ lấy và vắt kiệt sức sống ra khỏi nó.

“Và con muốn có những món đồ chơi thực sự.”

Bố đã mua cho tôi trọn bộ đồ chơi nhân vật Star Wars. Tôi đưa thanh kiếm ánh sáng Obi-Wan cho Mark thay cho cái đã bị vỡ. Tôi cất bầy thú giấy vào trong một hộp đựng giày lớn và để nó dưới gầm giường. Nhưng chỉ đến sáng hôm sau là những con vật trốn thoát và trở về chỗ của chúng trong phòng tôi. Tôi bắt tất cả lại và đặt chúng vào hộp đựng giày, đóng nắp lại. Nhưng những con vật bị nhốt trong hộp ồn ào đến nỗi cuối cùng tôi phải để chúng trên căn gác càng xa phòng tôi càng tốt. Nếu mẹ nói chuyện với tôi bằng tiếng Trung, tôi sẽ không trả lời.

Sau một thời gian, mẹ cố gắng dùng tiếng Anh nhiều hơn. Nhưng cách phát âm kì quặc và câu từ lủng củng làm tôi xấu hổ. Tôi cố gắng sửa lại. Cuối cùng, mẹ đã chẳng còn nói nếu tôi ở xung quanh. Mẹ bắt đầu dùng cử chỉ nếu mẹ cần cho tôi biết điều gì đó. Mẹ cũng thử ôm tôi theo cách các bà mẹ Mĩ làm trên TV. Tôi nghĩ những hành động ấy thật gượng, không cần thiết, lố bịch, và vô duyên. Mẹ nhận ra tôi khó chịu và dừng lại.

“Con không nên đối xử với mẹ theo cách đó,” bố bảo.

Nhưng chính bố cũng không thể nhìn thẳng vào mắt tôi khi nói ra điều đó. Tận sâu trong tim, có lẽ bố hẳn đã hiểu rằng thật sai lầm khi kết hôn với một cô thôn dân Trung Quốc và mong cô hòa nhập với cuộc sống ở vùng ngoại ô Connecticut.

Mẹ học nấu ăn kiểu Mĩ. Tôi chơi trò chơi điện tử và học tiếng Pháp.

Thi thoảng, tôi lại bắt gặp mẹ ngồi bên chiếc bàn trong bếp, nâng niu mặt trơn của một tờ giấy gói. Sau đó, một con thú giấy mới sẽ xuất hiện trên đầu giường và thử đùa nghịch với tôi. Tôi tóm lấy, vắt kiệt chúng cho đến khi không khí thoát hết ra và sau đó nhét chúng vào hộp giày trên gác mái. Cuối cùng mẹ cũng ngừng gấp những con vật bằng giấy khi tôi học cấp ba. Lúc đó tiếng Anh của mẹ đã tốt hơn rất nhiều, nhưng tôi đã ở độ tuổi chẳng còn quan tâm đến những gì mà mẹ muốn nói, bất kể là bằng ngôn ngữ nào.

Nhiều lần khi tôi trở về nhà và thấy cơ thể mảnh dẻ của mẹ bận rộn di chuyển trong bếp, hát một bài hát bằng tiếng Trung cho riêng mình, thật khó để tôi tin được rằng chính mẹ đã sinh ra tôi. Chúng tôi không có gì tương đồng. Như thể mẹ đến từ mặt trăng. Tôi sẽ nhanh chóng về phòng, nơi tôi có thể tiếp tục theo đuổi hạnh phúc hoàn mĩ.

***

Bố và tôi mỗi người đứng một bên cạnh mẹ đang nằm trên giường bệnh. Mẹ còn chưa đến bốn mươi, nhưng trông sao già quá. Trong nhiều năm, mẹ đã không chịu đi khám những cơn đau trong thân thể mình, thứ mà mẹ nói đó không phải là vấn đề gì lớn. Vào thời điểm xe cứu thương xuất hiện để đưa mẹ đi, căn bệnh ung thư đã di căn xa khỏi khả năng phẫu thuật. Vậy mà tôi vẫn chẳng để tâm.

Đó là giữa mùa tuyển dụng trước khi tốt nghiệp, tôi đã dành nhiều thời gian làm sơ yếu lí lịch, bảng điểm và đến những buổi phỏng vấn. Tôi đã suy nghĩ xem sẽ nói dối các nhà tuyển dụng thế nào để họ đồng ý trao cho mình một công việc. Tôi hiểu rằng thật tồi khi nghĩ về điều ấy trong khi mẹ thì nằm chờ chết. Nhưng ý thức được điều đó cũng chẳng giúp tôi giữ tâm trí mình khỏi trôi đi. Mẹ tỉnh táo một lúc. Bố cầm tay trái của mẹ bằng cả hai tay mình. Bố cúi xuống để hôn lên trán mẹ.

Bố có vẻ yếu đuối và già nua đến mức khiến tôi giật mình. Tôi nhận ra rằng tôi chẳng biết gì về bố cũng như tôi chẳng biết gì về mẹ. Mẹ mỉm cười với ông, “Em không sao.”

Rồi mẹ quay sang tôi, vẫn mỉm cười: “Mẹ biết con phải quay trở lại trường học.” Giọng nói của bà rất yếu và thật khó để nghe cho rõ giữa âm thanh rè rè của máy móc. "Đi. Đừng lo cho mẹ. Không sao đâu. Cứ học hành cho tử tế là được.”

Tôi đã đưa tay chạm vào mẹ, bởi vì tôi nghĩ đó là điều tôi nên làm. Tôi thấy nhẹ nhõm. Tâm trí bắt đầu miên man về chuyến bay đi và ánh nắng mặt trời rực rỡ ở California.

Mẹ thì thầm điều gì đó với bố. Ông gật đầu và rời khỏi phòng.

“Jack này, nếu…” Một cơn ho nổi lên và mẹ ngắt quãng, “Nếu mẹ không vượt qua được, đừng quá buồn mà ốm mất. Cứ sống như con muốn. Chỉ cần giữ cái hộp trên gác mái, và mỗi năm, vào ngày tết Thanh Minh hãy lấy nó ra và nghĩ về mẹ. Mẹ sẽ luôn ở cạnh con.”

Tết Thanh Minh là ngày tưởng nhớ người đã khuất ở Trung Quốc. Khi tôi còn rất nhỏ, mẹ thường viết một lá thư trong ngày Thanh Minh cho cha mẹ đã mất của mình ở Trung Quốc, kể cho họ nghe những điều vui năm vừa qua của cuộc đời bà ở Mĩ. Mẹ sẽ đọc to bức thư cho tôi nghe, và nếu tôi muốn nói gì đó, mẹ cũng sẽ viết nó trong bức thư.

Sau đó, mẹ sẽ gấp bức thư thành một con hạc giấy và thả nó hướng về phía tây. Chúng tôi đứng thật lâu nhìn con hạc vỗ đôi cánh duyên dáng của nó trên hành trình về miền tây phương cực lạc, về phía bên kia của Thái Bình Dương, về Trung Quốc, về phía những ngôi mộ của gia đình mẹ. Đã nhiều năm kể từ lần cuối tôi đón tết Thanh Minh với mẹ.

“Con không biết gì về lịch Trung Quốc,” tôi nói, “Mẹ nghỉ đi.”

“Hãy giữ chiếc hộp bên mình và mở nó ra ngày nào đó. Hãy mở…” Mẹ bắt đầu ho lần nữa.

“Không sao đâu, mẹ à.” Tôi lúng túng vuốt cánh tay bà.

“Haizi, mama ai ni.” Cơn ho lại tiếp tục. Con trai, mẹ yêu con. Một hình ảnh từ nhiều năm trước chợt ùa về trong trí nhớ của tôi: Mẹ nói ‘ai’ rồi đưa tay lên trái tim.

“Được rồi, mẹ ơi. Đừng nói nữa.”

Bố quay lại, và tôi nói rằng tôi cần đến sân bay sớm vì tôi không muốn bị lỡ chuyến bay. Mẹ đã chết khi máy bay của tôi ở đâu đó trên bầu trời Nevada.

Bố già đi nhanh chóng sau khi mẹ mất. Ngôi nhà quá lớn đối với ông và phải bán đi. Bạn gái của tôi, Susan và tôi đã đến để giúp bố đóng gói và dọn dẹp nơi này. Susan tìm thấy hộp đựng giày trên gác mái. Bầy thú giấy, ẩn mình trong bóng tối của căn gác quá lâu, đã trở nên giòn, và những hình trang trí thì bạc màu.
“Em chưa từng thấy kĩ thuật gấp giấy như thế này.” Susan nói, “Mẹ của anh là một nghệ sĩ tài hoa.”

Bầy thú giấy không di chuyển.

Có lẽ thứ phép thuật giữ chúng sống đã dừng lại khi mẹ chết. Hoặc có lẽ chỉ là tôi tưởng tượng rằng những tạo vật bằng giấy này đã từng sống. Kí ức của trẻ con là thứ không thể tin vào.

Khi ấy là cuối tuần đầu tiên vào tháng tư, hai năm sau cái chết của mẹ. Susan đã rời thị trấn trong một chuyến công tác với tư cách chuyên viên tư vấn quản lí, và tôi ở nhà, lười biếng lướt qua các kênh truyền hình. Tôi dừng lại ở một bộ phim tài liệu về cá mập.

Đột nhiên tôi thấy, trong tâm trí mình, bàn tay mẹ gấp đi gấp lại tờ giấy bạc để làm một con cá mập, trong khi lão hổ và tôi chăm chú xem. Một tiếng sột soạt vang lên. Tôi nhìn lên và thấy một nắm giấy gói và băng rách nằm trên sàn cạnh kệ sách. Tôi đi qua để nhặt nó và vứt vào thùng rác. Quả bóng giấy dịch chuyển, tự bung ra và đó chính là lão hổ, người mà tôi đã không nghĩ tới trong suốt một thời gian rất dài.

“Gừ gừ.” Mẹ hẳn đã dán lão lại sau khi tôi từ bỏ.

Lão nhỏ hơn tôi nhớ. Hoặc có thể là hồi đó bàn tay của tôi nhỏ hơn. Susan đã đặt bầy thú giấy xung quanh căn hộ của chúng tôi để trang trí. Có lẽ cô để lão hổ lại một góc khuất vì lão trông tồi tàn quá rồi. Tôi ngồi xuống sàn và dùng một ngón tay để với lấy. Đuôi lão hổ giật giật, và lão chồm tới một cách nghịch ngợm. Tôi cười, vuốt ve lưng lão. Lão hổ gầm gừ dưới tay tôi.

“Có khỏe không, ông bạn cũ?”

Lão đứng dậy, sung sướng nhảy vào lòng tôi, rồi những nếp gấp tuột ra. Trên đùi tôi là một tờ giấy gói nhàu nát hình vuông, mặt trơn ngửa lên, chứa đầy các kí tự Trung Quốc.

Tôi chưa bao giờ học đọc chữ Trung Quốc, nhưng tôi biết từ ‘con trai’, và chúng ở ngay đầu, nơi mà người ta sẽ viết tên người nhận thư, thứ chữ viết lộn xộn trông như của một đứa trẻ của mẹ. Tôi mở máy tính để kiểm tra trên mạng. Hôm nay là Thanh Minh. Tôi mang lá thư đến trung tâm thành phố, nơi tôi biết xe buýt chở khách du lịch Trung Quốc thường dừng lại. Tôi bắt chuyện với từng du khách, hỏi, “Nin hui du zhongwen ma?” Bạn có thể đọc tiếng Trung không?

Tôi đã không nói tiếng Trung từ lâu và tôi không chắc rằng họ hiểu. Một phụ nữ trẻ đồng ý giúp đỡ. Chúng tôi ngồi xuống một chiếc ghế dài bên phố, và cô ấy đọc to bức thư cho tôi nghe. Thứ ngôn ngữ mà tôi đã cố quên trong nhiều năm chợt quay trở lại, tôi cảm thấy từ ngữ thấm vào mình, qua da, qua xương, cho đến khi chúng siết chặt quanh trái tim.

“Con trai, chúng ta đã không nói chuyện trong một thời gian dài. Con luôn tức giận khi mẹ chạm vào con. Mẹ nghĩ có thể những cơn đau mà mẹ thường cảm thấy là một chứng bệnh nghiêm trọng. Vì vậy, mẹ quyết định viết lá thư này cho con. Mẹ viết trên bầy thú giấy mà mẹ đã gấp cho con, thứ con từng rất thích. Bầy thú sẽ ngừng di chuyển khi mẹ ngừng thở. Nhưng nếu mẹ viết ra bằng cả trái tim, một phần nào đó của mẹ sẽ theo ngôn từ tiếp tục ở lại trên tờ giấy này. Và nếu con nghĩ về mẹ trong lễ Thanh Minh, khi linh hồn người chết được phép trở lại thăm gia đình họ, những gì mẹ để lại sẽ sống dậy. Bầy thú giấy mẹ làm cho con sẽ một lần nữa chạy nhảy và vui đùa, và có lẽ con sẽ đọc được lá thư này.

Và bởi vì mẹ phải viết bằng cả trái tim, nên mẹ phải viết cho con bằng tiếng Trung. Sau tất cả, mẹ chưa từng kể với con về câu chuyện đời mình. Khi con còn nhỏ, mẹ luôn nghĩ mẹ sẽ kể khi con lớn hơn, để con có thể hiểu. Nhưng mà không hiểu sao lại chưa có cơ hội.

Mẹ sinh năm 1957, tại một thôn nhỏ, tỉnh Hà Bắc. Ông bà của con đều xuất thân từ những gia đình làm nông nghèo khó, ít người thân. Chỉ vài năm sau khi mẹ được sinh ra, một nạn đói lớn ập đến Trung Quốc, ngày đó ba mươi triệu người đã chết. Kí ức đầu tiên mẹ có là việc thức dậy và thấy bà ngoại ăn đất để lấp đầy bụng và để lại chút bột mì cuối cùng cho mẹ.

Mọi thứ trở nên đỡ hơn sau đó. Làng mẹ nổi tiếng với nghề làm giấy trang trí, bà ngoại đã dạy mẹ cách làm những con vật bằng giấy và truyền cho chúng sự sống. Đó thực sự là phép màu được tích lũy qua nhiều thế hệ ở nơi mẹ lớn lên. Mọi người làm những con chim giấy để đuổi châu chấu ra khỏi cánh đồng và làm hổ giấy để đuổi lũ chuột. Vào Tết Nguyên Đán, bạn bè và mẹ thường làm những con rồng giấy đỏ. Mẹ không bao giờ quên cảnh tượng tất cả những con rồng nhỏ đó bay vút lên bầu trời, bung nở ra những tràng pháo hoa để xua đi tất cả những kí ức tồi tệ trong năm qua. Con sẽ thích nó.

Rồi Cách mạng Văn hóa năm 1966 xảy ra. Hàng xóm căm ghét lẫn nhau, và anh em trong cùng gia đình xung đột.

Có người biết rằng anh trai bà, bác của mẹ, đã rời đến Hồng Kông vào năm 1946 và buôn bán ở đó. Có một người họ hàng ở Hồng Kông có nghĩa gia đình mẹ là gián điệp và là kẻ thù của nhân dân, cả gia đình đã phải đấu tranh chống lại bằng mọi cách. Người bà tội nghiệp của con đã không thể chịu đựng được sự hà khắc và đã gieo mình xuống một cái giếng. Sau đó, vài người đàn ông với súng săn đã kéo ông của con đi vào rừng, và ông không bao giờ quay trở lại nữa. Mẹ đã ở đó, một đứa trẻ mồ côi mười tuổi. Người thân duy nhất mẹ có trên đời là người bác ở Hồng Kông. Mẹ lẻn đi vào một đêm trên chuyến tàu chở hàng đi về phía nam. Ở tỉnh Quảng Đông vài ngày sau đó, một vài người bắt được mẹ ăn trộm thức ăn từ một cánh đồng. Khi họ nghe mẹ nói rằng mẹ đang cố gắng đến Hồng Kông, họ đã cười. “Em có một ngày may mắn đấy em gái. Công việc của bọn này là đưa các cô gái đến Hồng Kông.” Họ đã giấu mẹ dưới đáy một chiếc xe tải cùng với những cô gái khác và đưa qua biên giới. Bọn mẹ bị đưa xuống một tầng hầm và bị bảo đứng thẳng lên, tỏ ra khỏe mạnh và lanh lợi cho người mua xem.

Các gia đình đã trả cho môi giới một khoản phí để đến và chọn một trong số những cô gái để ‘nhận nuôi’. Gia đình họ Chân đã chọn mẹ để giúp chăm sóc hai cậu con trai nhỏ của họ. Mẹ phải thức dậy mỗi sáng lúc bốn giờ để chuẩn bị bữa sáng. Tắm và cho các cậu bé ăn. Mẹ đi mua thực phẩm. Mẹ giặt giũ và quét dọn nhà. Mẹ phải đi theo và làm việc vặt cho hai đứa trẻ. Ban đêm, họ nhốt mẹ vào tủ trong bếp để ngủ. Nếu mẹ chậm chạp hoặc làm gì sai, mẹ sẽ bị đánh. Nếu hai thằng bé làm gì sai, mẹ cũng bị đánh. Nếu mẹ bị bắt gặp học tiếng Anh, mẹ cũng bị đánh.
“Tại sao mày muốn học tiếng Anh? Mày muốn đến đồn cảnh sát à? Bọn tao sẽ nói với cảnh sát rằng mày là người đại lục nhập cư bất hợp pháp ở Hồng Kông. Họ sẽ bắt nhốt mày vào tù.”

Mẹ đã sống suốt sáu năm như thế. Một ngày nọ, một bà già bán cá ở chợ buổi sáng đã kéo mẹ sang một bên. “Bác biết tình cảnh của những cô gái như cháu. Bây giờ cháu bao nhiêu tuổi, mười sáu tuổi? Một ngày nào đấy, ông chủ của cháu sẽ uống say, hắn sẽ nhìn cháu, kéo cháu đến chỗ hắn và cháu chẳng thể làm gì để ngăn chuyện đó lại. Người vợ sẽ biết được, và cuộc sống của cháu sẽ thành địa ngục. Cháu phải tìm cách thoát ra. Bác biết một người có thể giúp đỡ.”

Bà ta nói với mẹ về những người đàn ông Mĩ muốn tìm vợ châu Á. Rằng nếu mẹ có thể nấu ăn, dọn dẹp và chăm sóc người chồng Mĩ của mình, anh ta sẽ cho mẹ một cuộc sống tốt đẹp. Đó là hi vọng duy nhất mà mẹ có. Và đó là cách mà mẹ xuất hiện trên tờ bướm mai mối với những lời nói dối rồi gặp cha của con. Đó không phải là một câu chuyện lãng mạn, nhưng đó là câu chuyện của mẹ. Ở ngoại ô Connecticut, mẹ đã rất cô đơn. Cha của con tốt bụng và dịu dàng với mẹ, mẹ rất biết ơn ông. Nhưng không ai hiểu mẹ, và mẹ không hiểu gì cả.

Nhưng sau đó con đã được sinh ra! Mẹ đã rất hạnh phúc khi nhìn vào khuôn mặt con và thấy bóng dáng của bà ngoại, ông ngoại và cả chính mẹ nữa. Mẹ đã mất đi toàn bộ gia đình, quê hương, mọi thứ mẹ từng biết và từng yêu. Nhưng con đã xuất hiện, khuôn mặt của con là bằng chứng cho thấy những gì mẹ nhớ là có thật chứ không phải chắp vá từ tưởng tượng. Bây giờ mẹ đã có người để nói chuyện. Mẹ sẽ dạy cho con ngôn ngữ của mình, và chúng ta có thể cùng nhau dựng lại một phần nhỏ của tất cả những gì mẹ yêu thích nhưng đánh mất. Khi con nói những từ đầu tiên với mẹ, bằng tiếng Trung, bằng cùng một giọng nói, mẹ đã khóc hàng giờ.

Rồi mẹ làm những con thú giấy đầu tiên cho con, con cười, mẹ thấy trên đời không còn âu lo. Con lớn lên từng chút, và rồi con còn thậm chí có thể giúp bố và mẹ nói chuyện với nhau. Bấy giờ mẹ mới thực sự thuộc về ngôi nhà này. Cuối cùng mẹ đã thực sự tìm thấy một cuộc sống tốt. Mẹ ước ông bà ngoại có thể ở đây, để mẹ có thể nấu cơm cho họ ăn, và cho họ một cuộc sống tốt. Nhưng ông bà ngoại không còn nữa. Con có biết người Trung Quốc nghĩ thứ gì là cảm giác buồn nhất trên đời không? Chính là cảm giác của một đứa trẻ đủ trưởng thành để có mong muốn chăm sóc cha mẹ, nhưng lại nhận ra rằng họ đã đi xa. Con trai, mẹ biết rằng con không thích đôi mắt Trung Quốc của con, cũng là đôi mắt của mẹ. Mẹ biết rằng con không thích mái tóc Trung Quốc của con, cũng là mái tóc của mẹ. Giá mà con có thể hiểu niềm vui mà sự tồn tại của con mang đến cho mẹ. Và giá mà con có thể hiểu cảm giác của mẹ khi con ngừng nói chuyện với mẹ và không để mẹ nói chuyện với con bằng tiếng Trung. Mẹ cảm thấy mình lại mất đi tất cả mọi thứ lần nữa. Tại sao lại như thế, con trai? Nỗi đau làm cho mẹ không viết nổi.”

Người phụ nữ trẻ đưa tờ giấy lại cho tôi. Tôi không thể nhìn thẳng vào khuôn mặt cô ấy. Không ngẩng đầu lên, tôi nhờ cô ấy giúp tìm chữ ‘ai’ trên lá thư. Tôi viết từ ấy hết lần này đến lần khác trên tờ giấy, đan xen nét bút của tôi với những lời của mẹ. Người phụ nữ trẻ đặt tay lên vai tôi. Rồi cô đứng dậy bỏ đi, để tôi một mình với mẹ. Theo các nếp gấp, tôi gấp lại tờ giấy thành lão hổ. Tôi giữ lão trên cánh tay mình, và khi lão khẽ gầm gừ, chúng tôi bắt đầu đi bộ về nhà.

Phạm Thu Hà dịch

Liam David Wright hiệu đính