Thứ Hai, 12/08/2019 08:40

Bản lĩnh và lựa chọn trên con đường Múa

Trong quá trình thực hành nghệ thuật, người nghệ sĩ múa luôn phải dũng cảm đứng trước những lựa chọn, những ý tưởng mà đôi khi bản thân họ cũng không biết đâu là chính xác.

Trong quá trình thực hành nghệ thuật, người nghệ sĩ múa luôn phải dũng cảm đứng trước những lựa chọn, những ý tưởng mà đôi khi bản thân họ cũng không biết đâu là chính xác. Buổi trò chuyện của ba nghệ sĩ múa: Trần Ly Ly, Đoàn Minh Hoàn, Nguyễn Duy Thành, thuộc những thế hệ khác nhau, hình thức sáng tạo và lựa chọn hướng đi khác nhau đã diễn ra chiều ngày 10/8 tại Hà Nội.

Trần Ly Ly hướng dẫn các nghệ sĩ trong vở diễn Có có không không

Nghệ thuật kén người

Trong những năm gần đây, loại hình nghệ thuật múa, đặc biệt là múa đương đại đã phát triển mạnh mẽ và bước đầu được công chúng đón nhận. Nhiều đề tài văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội được nghệ sĩ múa chuyển tải vào tác phẩm của mình qua lăng kính sáng tạo, bứt phá. Bằng cách nào đó, họ đã lôi kéo người xem, tạo nên dấu ấn tươi mới cho loại hình nghệ thuật này.

Tuy nhiên, không nhiều người lựa chọn cho mình con đường múa, bởi thực hành nghệ thuật đòi hỏi một niềm đam mê và tình yêu lớn. Là thế hệ tiên phong đưa múa đương đại vào Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly cho rằng múa đương đại hiện nay mở ra nhiều cánh cửa khác nhau, là môn nghệ thuật hội tụ của nhiều hình thức nghệ thuật trên sân khấu.

Như nhiều môn nghệ thuật kén người xem khác, nguồn ngân sách cấp cho múa vô cùng hạn hẹp. Việc tổ chức một chương trình biển diễn với các nghệ sĩ múa là điều khó khăn và có thời gian dường như là không tưởng – bởi giá vé có hạ xuống thấp cũng không có người mua. “Lúc này, mình gần như chết với nghề múa, mình phải lựa chọn cho mình những hướng đi, thử thách hoàn toàn mới”.

Năm 2005, Trần Ly Ly đoạt giải thưởng về biên đạo với tác phẩm Đê. Năm 2006, cô thành công lớn với vở múa Một ngày. Tác phẩm đã được chọn trình diễn tại Những ngày châu Âu tại Việt Nam năm 2007. Sống trong hộp trình diễn năm 2008, Zen và 7X trình làng năm 2012. Cũng trong năm 2012 và 2014, Ly Ly tiếp tục khẳng định tài năng. Hai tác phẩm múa Cứu bạn và Thơ nhạc Ballet sau khi trình làng đã giúp cô giành Giải thưởng tài năng trẻ Việt Nam. Năm 2016, vở múa Có có không không lần 2 được nữ nghệ sĩ dồn tâm huyết thể hiện khát vọng được sống là chính mình của những người đồng tính. Một số tác phẩm múa hiện tại như One day, Thiền, 7x, Yes yes no no, Lạc giới… đều là những thử nghiệm mới mẻ của cô.

Tiết mục Hoa của trời của Đoàn Minh Hoàn

Tìm lối đi riêng

Đứng trước mỗi tác phẩm, nhiều lần Trần Ly Ly phải “lạc lối” trước quá nhiều ý tưởng. Chị thử hết cách này, cách khác và tìm ra điều mình cần nhất. “Đôi khi lạc lối làm bản thân mình thấy hoang mang”, nghệ sĩ múa cho biết.

Nếu Trần Ly Ly đã lựa chọn múa là con đường sống của mình, thì Đoàn Minh Hoàn đã không ít lần “bỏ nghề” bởi không tìm được chính mình trong múa.

Những ngày đầu mới học múa, Đoàn Minh Hoàn chịu ảnh hưởng của một số nghệ sĩ đi trước. “Trong khoảng 4 năm thực hành nghệ thuật, mình cảm thấy đều không đến đâu, “tại sao múa mãi không ra tiền” và mình quyết định dừng lại, lựa chọn con đường khác đó là kinh doanh. Nhưng sau 5 năm, khi mình đã vững về kinh tế, mình vẫn cảm thấy dường như không được sống, không được giải tỏa năng lượng sẵn có, mình quyết định quay lại múa.

Lúc này, khi đã có trải nghiệm của cuộc sống, mình chợt nghĩ: Tại sao mình có kiến thức về mỹ thuật, điêu khắc, sắp đặt… mình lại không vận dụng nó. Khi đó mình chuyển động trong không gian âm nhạc, và bắt đầu nảy sinh nhiều ý tưởng…”, Đoàn Minh Hoàn cho biết.

Tác phẩm Thán của Nguyễn Duy Thành

Đoàn Minh Hoàn là một nghệ sỹ thị giác có niềm đam mê với múa không theo một thể loại cụ thể nào. Chị lập ra một ngôn ngữ múa của riêng mình, gọi là múa siêu thực, với ngôn ngữ cơ thể chậm rãi, cách tạo hình kỳ bí, liêu trai và dồn nén về năng lượng (gợi nhớ đến múa Butoh của Nhật) kết hợp với sắp đặt sân khấu, đạo cụ, phục trang do Hoàn tự thiết kế. Chị đưa vào tác phẩm của mình những vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa triết học… được đông đảo công chúng đón nhận.

Nghệ sỹ Nguyễn Duy Thành khởi nguồn từ niềm đam mê với Hip Hop, đến nay Nguyễn Duy Thành đã có hơn 16 năm theo đuổi sự nghiệp nhảy múa và giành được nhiều giải thưởng về hip hop ở châu Á, châu Âu. Anh là nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam kết hợp Hip Hop với ngôn ngữ đương đại và truyền thống Á Đông để tạo nên phong cách riêng biệt.

Bằng nỗ lực không mệt mỏi của các nghệ sĩ, biên đạo, múa đương đại đã từng bước trở thành một bộ phận cấu thành của nghệ thuật múa như một tất yếu lịch sử. Theo dõi nhiều tác phẩm múa dân tộc được sáng tác trong thời gian gần đây chúng ta sẽ bắt gặp “tính đương đại” được bộc lộ ngày càng nhiều hơn. Việc lựa chọn, kết hợp giữa hiện đại và truyền thống là một trong những hướng đi sáng tạo, thể hiện bản lĩnh và cá tính của nghệ sĩ trẻ.

PHƯƠNG PHƯƠNG