Thứ Sáu, 20/12/2019 00:16

Bài học Bác Hồ dùng từ thuần Việt và từ nước ngoài

Bác Hồ là người tiên phong trong việc sử dụng từ thuần Việt, giản dị, dễ hiểu. Tháng 3-1966 gặp gỡ môt số phụ huynh và học sinh Hà Tĩnh. (HOÀNG THI THƯ)

 

. HOÀNG THI THƯ

Bác Hồ là người tiên phong trong việc sử dụng từ thuần Việt, giản dị, dễ hiểu. Tháng 3-1966 gặp gỡ môt số phụ huynh và học sinh Hà Tĩnh. Bác nói: “Phụ huynh là cha anh. Ngày xưa phong kiến trọng nam khinh nữ, nên chỉ nói đến cha anh, xem nhẹ vai trò của mẹ... Ta có từ cha mẹ thì cứ gì phải dùng từ phụ huynh. Còn học sinh thì ta dùng học trò cũng được. Từ nào ta thiếu thì hãy mượn”[1]. Rõ ràng cách dùng chữ cũng mang quan niệm xã hội sâu sắc.

Năm 1967 về thăm một công ty vận tải đường thủy, một đồng chí dùng chữ “mã lực”, Bác nói: “Gọi là sức ngựa chứ đừng gọi mã lực”[2]. Cuối tháng 10-1951 lớp học chính trị khoá 2 của Tổng cục Chính trị họp sơ kết. Bác đến thăm, Người ngắm nhìn các khẩu hiệu dán xung quanh vách nứa và chỉ tay vào một khẩu hiệu “Tích cực để tiểu kết thành công”, Người hỏi:

- Các chú bị bệnh gì vậy?

Không riêng đồng chí hiệu trưởng, chúng tôi ngạc nhiên nhìn Bác, chờ đợi sự giải thích, Bác mỉm cười nói:

- Sách thuốc chữ Hán cũ nói về bệnh “tiểu kết”. Bác nghĩ: chả nhẽ các chú lại mắc bệnh tiểu kết cả à?”[3]. Tiểu kết, trong tiếng Hán về bệnh học là bệnh bí đái. Bác phê bình cách dùng sai chữ. Từ đó về sau đều đổi thành “sơ kết”. Tiểu kết ngày nay vẫn được dùng nhưng ít, chỉ thường có trong các luận văn khoa học.

Một đồng chí bộ đội kể lại một lần Bác đến thăm đơn vị, Bác hỏi:

- Vừa rồi Bác thấy chú báo cáo: “Quân số hiện diện”, vậy hiện diện là cái gì?

- Dạ là quân số có mặt ạ! - Tôi lúng túng trả lời.

- Sao chú không nói ngay như vậy Bác nghe có dễ hiểu hơn không? Thế xạ kích là cái gì?

- Dạ, là tập bắn súng ạ!

- Vậy bắn súng lần thứ nhất “cự ly” bao nhiêu?

Tôi hiểu Bác phê bình, nên vội báo cáo ngay:

- Thưa Bác tập bắn lần thứ nhất tầm xa là hai trăm mét ạ!

Bác gật đầu, cười rất vui:

- Thế là trong việc dạy quân sự, các chú vẫn có thể dùng những tiếng quen dùng của dân tộc mình”[4]. Đến thăm một trường dạy múa, Bác nhìn mọi người, cười hiền hậu và hỏi: “- Các cháu đang tập môn gì?”. “- Dạ thưa Bác, giờ này chúng cháu đang tập vũ ạ!”. Bác cười hóm hỉnh: “- "Vũ" là gì nhỉ?”.

Biết Bác muốn nhắc mọi người về cách nói năng sao cho dễ hiểu, một đồng chí vội thưa:

- Dạ, thưa Bác là tập múa ạ.

- Ừ, thế sao không gọi là múa cho dễ hiểu?”[5].

Trong một buổi biểu diễn văn nghệ có cháu lên xin phép Bác để biểu diễn đàn "tam thập lục". Bác nói: “- Cháu gọi là đàn ba mươi sáu dây cho dễ hiểu nhé”[6]. Gặp một đoàn diễn viên, Bác hỏi: “Các cháu đoàn nào?”. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thương trả lời: “Chúng cháu là Đoàn Ca vũ Trung ương ạ”. “Thế ca là gì?”. “Ca là hát ạ!”. Bác lại hỏi: “Vũ là gì?”. “Vũ là múa ạ”. Bác nói: "Thế tại sao lại không gọi là Đoàn Hát múa Trung ương”. Về sau này thì Đoàn Ca vũ Trung ương được đổi thành Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương. Bác đã sửa lại tên đoàn rất đơn giản và đúng với ngôn từ tiếng Việt"[7]. Bác phê bình đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa cũng là phê bình tâm lý nô lệ nói chung trong việc sính dùng từ ngoại: “- Này, chú Khoa, chú không nói được 15 mét à, mà phải dùng quinze pieds. Ta có tiếng ta mà không dùng cứ dùng tiếng Pháp mãi, thế là “nô lệ” đấy!”[8].

Bác đến trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, một cán bộ lên giới thiệu Bác sẽ “huấn thị” cho chúng ta. Bác bảo: “Tôi nói chuyện chứ có “huấn thị” gì đâu!”[9].

Nhưng cũng chính Người lại dùng chữ nước ngoài rất đắc địa, tức là dùng đúng thời điểm, giàu ý nghĩa nhất.

Năm 1946 Bác dặn một cán bộ chuẩn bị sang bên kia biên giới công tác: “Bọn đặc vụ thân Pháp đang ráo riết chống phá ta. Khi sang giao thiệp, có gì đáng nói hãy nói cái gì không đáng nói thì đừng nói. Chú đừng thật thà quá. Đi với Phật phải mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Các chú giữ yên biên giới là tốt, nhưng phải nhớ: “Cư yên tư nguy. Cư trị bất vong loạn”. Chú có hiểu hai câu đó không? (Lúc sống yên ổn, phải nghĩ đến lúc hiểm nguy. Lúc sống thái bình phải nghĩ đến khi có loạn)[10]. Ngày 31-5-1946, trước lúc lên máy bay sang Pháp, Người nắm tay cụ Huỳnh Thúc Kháng, nói: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ dĩ bất biến ứng vạn biến”[11]. Vì là những việc hệ trọng liên quan đến sự an nguy của cả một quốc gia, đối tượng giao tiếp lại là những bậc Nho học nên việc dùng từ Hán Việt như trên là cực kỳ tinh tế, hàm súc về lời mà sâu xa về ý tứ.

Dưới đây là Thư gửi Nguyễn Sơn, nguyên bản viết bằng chữ Hán:

Tặng Sơn đệ:

Đảm dục đại

Tâm dục tế

Trí dục viên

Hạnh dục phương

(Cái gan cần lớn

Cái tâm nên tế nhị, chín chắn

Cái trí phải suy nghĩ toàn diện

Đức hạnh phải vuông vắn, ngay thẳng)[12]. Vì Nguyễn Sơn là một tướng quân sự giỏi, lại giỏi cả thơ văn, giỏi chữ Hán, hiểu biết nhiều, tính tình lại khảng khái có phần nóng nảy nên lời thư của Bác đều nói đúng về con người vị tướng này. Bác rất hiểu tướng của mình, chả thế mà khi đọc thư xong Nguyễn Sơn càng thêm khâm phục kính trọng người viết bội phần.

Trên báo Cứu quốc số 2623 ngày 26-6-1954 Bác có bài Chữ Đại thêm một dấu chấm nêu kinh nghiệm đấu tranh của các cụ trong việc viết biểu ngữ khi Pháp bắt các cụ đi biểu tình ủng hộ Bảo Đại: “Các cụ viết Bảo Đại vạn tuế nhưng thêm một chấm về phía tay phải trên chữ Đại, thành ra là Bảo Khuyển vạn tuế”[13]. Tuy là chỉ giới thiệu một cách đấu tranh của các cụ nhưng cho thấy sự hiểu biết rộng, thâm thúy của tác giả.

Đồng chí Phan Anh kể một lần trao đổi về vấn đề khen thưởng gia đình có con đi bộ đội, Bác hỏi tôi:

“- Chú có biết trong Tam tự kinh có câu gì ứng vào việc này không?

Tôi thưa Bác:

- Đó là câu: Đậu Yên Sơn, hữu nghĩa thương, giáo ngũ tử, danh câu dương (Ông Đậu Yên Sơn có phương pháp giáo dục năm người con đi theo con đường nghĩa lớn). Bác hỏi tiếp:

- Chú có biết câu: Không sợ ít mà sợ không đều, không sợ nghèo mà sợ không yên xuất xứ ở đâu không? Tôi thưa với Bác:

- Đó là câu Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất an[14]. Như vậy Bác cũng khuyến khích mọi người học chữ Nho để tiếp thu vốn văn hóa phương Đông mà phục vụ cuộc sống hiện tại tốt hơn. Cũng theo Phan Anh kể, sau câu trả lời của “học trò” trả bài “kiểm tra”, Bác gật đầu vẻ hài lòng.

Ngày 23-1-1955, Bác viết Chúc mừng năm mới đăng báo Nhân dân số 328:

Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ - Tam dương khai thái

Đoàn kết, thi đua, tăng gia, tiết kiệm - Ngũ phúc lâm môn

(Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ - mùa xuân mở ra điều lành/ Đoàn kết, thi đua, tăng gia, tiết kiệm - năm phúc lớn bước vào cửa)[15]. Vế đối chia hai phần, có nghĩa Việt, có âm Hán, ai cũng hiểu, vừa đúng với truyền thống vừa trang trọng, ngắn gọn, hàm súc và đầy ý vị.

Bà Nguyễn Đình Chi kể, Tết Nguyên Đán 1969 bà tặng Bác 4 thấu mứt do chính tay bà làm. Bác bảo người phục vụ dọn ra bàn để mọi người cùng ăn luôn mà không cần sự kiểm tra an toàn nào. “Thấy Bác chỉ dùng món mứt chanh, tôi thưa Bác xin Bác xơi mứt bí, mứt cam hoặc mứt quất vì mứt chanh đắng. Bác cảm ơn và đáp một cách thâm thúy: - Phải có cam, có khổ chứ!

Bác vui vẻ miệng nói và tay xóc mứt cam ăn...”[16].

Ở đây Bác chơi chữ, cam vừa có nghĩa thuần Việt chỉ “mứt cam”; cam từ Hán Việt có nghĩa ngọt, chỉ hạnh phúc. Đúng là câu nói thâm thúy.

Tập thơ Nhật ký trong tù, theo Giáo sư Phan Văn Các, tuy viết bằng chữ Hán nhưng các con chữ đều nằm trong bảng chữ Hán tối thiểu, thông dụng. Bác dùng 1332 chữ Hán trong tổng số ngót 5 vạn chữ Hán hiện có[17]. Điều ấy chứng tỏ Bác dùng chữ nước ngoài là bắt buộc, có dùng cũng dùng những gì phổ biến, gần gũi.

Vào một buổi tối tại Việt Bắc, Bác mời Hội đồng Chính phủ họp để trao Huân chương cho Bác sỹ Tôn Thất Tùng, Người nói: “Chú Tùng là một Xidovan mà nay được Chính phủ ta tặng Huân chương. Chú phải cố gắng hơn nữa!”[18]. Những ai hiểu sâu rộng văn hóa Pháp sẽ hiểu từ Cidovant - danh từ mà Cách mạng Pháp 1789 dành cho các nhà quý tộc. Chỉ một từ này mà có nhiều ẩn ý: Một là rất kính trọng tài năng, nhân cách của “Chú Tùng”; hai là “Chú Tùng” đã từng là “một nhà quý tộc” Pháp, có công với nước Pháp, nay được Chính phủ ta tặng Huân chương, có nghĩa là Chính phủ rất biết trọng dụng nhân tài, dù người tài đó đã từng phục vụ nước Pháp, mà nay quân Pháp lại đang đánh ta. Và còn toát lên một ý khuyến khích, Bác sỹ Tôn Thất Tùng thật đúng như “một Xidovan”, một Xidovan của cách mạng Việt Nam.

HTT

-------------------------

[1]. Nguyễn Sông Lam, Bình Minh (tuyển chọn) - 120 câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb Thanh niên, 2010, tr 102.

 

[2]. Trần Đình Việt, Trần Đương... (Sưu tầm, biên soạn) - Bông hồng của Bác. Nxb Phụ nữ, 1985. tr 148.

[3]. Ngọc Châu - Bài học Bác dạy .Nxb Công an nhân dân, 2005.tr 148.

[4]. Ngọc Châu - Bài học Bác dạy .Nxb Công an nhân dân, 2005. tr 191.

[5]. Nguyễn Ngọc Trung kể. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 268

[6]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 275.

[7]. Chu Thúy Quỳnh kể- Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 289.

[8]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 271.

[9]. PGS.TS Đinh Xuân Dũng chủ biên - Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức. Nxb Giáo dục, 2008, tr 430.

[10]. Nguyễn Sông Lam, Bình Minh (tuyển chọn) - 120 câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb Thanh niên, 2010, tr 24.

[11]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử- Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 3, tr 235.

[12]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử- Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 4, tr 177.

[13]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 463.

[14]. Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc - Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 365.

[15]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử - Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, Tập 6, tr 29.

[16]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 116.

[17]. Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách nói và cách viết. Nxb Khoa học xã hội, 2010, tr 171.

[18]. GS Trần Văn Giàu - Hồ Chí Minh vĩ đại một con người. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 758.