Thứ Năm, 08/09/2022 15:03

Bác Hồ - Một hiện tượng văn hóa!

Cảm quan người Việt là cảm quan thiên nhiên, nhìn sự vật qua lăng kính thiên nhiên. Con người và thiên nhiên hoà lẫn vào nhau, làm chuẩn mực thẩm mỹ cho nhau... (NGUYỄN HÀ THANH)

. NGUYỄN HÀ THANH
 

Cảm quan người Việt là cảm quan thiên nhiên, nhìn sự vật qua lăng kính thiên nhiên. Con người và thiên nhiên hoà lẫn vào nhau, làm chuẩn mực thẩm mỹ cho nhau, cùng nâng nhau lên vị thế những vẻ đẹp trong kỳ quan vũ trụ: “tóc mây”, “khuôn trăng”, “mặt trái xoan”,… Bản sắc văn hoá Việt không chỉ thể hiện rất rõ trong thơ văn Bác Hồ, mà còn biểu hiện sinh động cụ thể trong phong cách đời sống thường ngày. Là người đầu tiên của chính thể dân chủ mới viết về vấn đề môi trường Bác đưa ra các giải pháp rất cụ thể để làm sao có một môi trường lành mạnh “Về văn hóa, phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân...Về vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận...”. Những lời dạy này in trong Đời sống mới phát hành tháng 3/ 1947 được ký tên Tân Sinh. Khái niệm “môi trường” được Người quan niệm gồm hai phương diện, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Về môi trường tự nhiên, ngoài yêu cầu phải “sạch sẽ”, Người cũng chỉ ra các biện pháp đơn giản mà phù hợp. Chúng ta cùng nhớ lại những ngày đầu năm 1947, đất nước vừa giành được độc lập thì phải đương đầu với cuộc xâm lược trở lại của thực dân Pháp. Với cương vị một Chủ tịch nước, một vị Tổng tư lệnh quân đội phải gánh vác trăm công ngàn việc thế mà Bác vẫn dành thời gian viết những dòng hết sức cụ thể về “đời sống mới”, chăm lo thiết thực đến sinh hoạt nhỏ nhặt nhất của đồng bào. Quả thật, đó là một sự vĩ đại và cũng thật bình dị, chân tình, sâu sắc, nhân hậu biết bao!

Tháng 5/1959 lên thăm Sơn La, nói chuyện với đồng bào Bác nêu ra nguyên nhân của một số bệnh thường gặp “đồng bào còn nhiều người sốt rét, các cháu bé thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh…” (1). Sau này nhiều lần Người chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa lao động, vệ sinh và sức khỏe “muốn lao động sản xuất tốt thì phải giữ gìn sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch” (2).

Soi ánh sáng từ những lời dạy của Bác vào ngày hôm nay khi mà môi trường ngày càng bị ô nhiễm, dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường càng thấy rõ hơn nguyên nhân chủ yếu là do ý thức con người.

Rất quan tâm đến vấn đề trồng cây gây rừng, đi thăm các địa phương Bác đều khuyến khích động viên mọi người trồng thật nhiều cây xanh, vì cây cối không những đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn “ảnh hưởng tốt đến khí hậu và sức khỏe của nhân dân” (3). Tại Đại hội chiến thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ ba (5/1958), Bác Hồ có bài phát biểu quan trọng, trong đó nổi bật lên mấy câu thơ “Núi trọc như đầu bình vôi/ Sông không có nước, nước hiếm hoi như vàng/ Hàng năm hạn hán tan hoang/ Người người đói rách, làng làng xác xơ”. Bốn câu thơ cấu trúc theo lối nhân quả, nguyên nhân (vì) “Núi trọc như đầu bình vôi”, dẫn đến hậu quả (nên) “Sông không có nước, nước hiếm hoi như vàng/ Hàng năm hạn hán tan hoang/ Người người đói rách, làng làng xác xơ”. “Núi trọc” vì không có rừng, do không trồng rừng hoặc rừng bị phá, nên dẫn đến hậu quả như đã nêu. Chỉ có một câu đầu chỉ nguyên nhân nhưng có tới ba câu sau chỉ hậu quả. Một ý nghĩa bật ra: muốn no ấm, tiến bộ, giàu có phát triển thì phải trồng rừng, trồng thật nhiều rừng!

Học những quan điểm của Bác, soi vào thực tế hôm nay càng thấy chúng ta chưa làm tốt lời dạy của Người. Môi trường đang bị xuống cấp, ô nhiễm đến mức báo động. Những vụ phá rừng vẫn diễn ra thường xuyên. Nạn ô nhiễm chất thải công nghiệp, nạn ô nhiễm không khí vì khí thải, nạn phun thuốc trừ sâu bừa bãi...đang ngày giờ diễn ra. Rồi nạn khai thác tài nguyên vô tội vạ...Vì lòng tham, vì sự thiếu hiểu biết con người đang tự làm hại mình!

Lời dạy của Bác càng phải được thấm nhuần sâu sắc hơn!

Học và làm theo Bác là văn hóa cao nhất, là lẽ sống chuẩn mực nhất! Vì sao vậy?

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hiện tượng văn hóa đặc biệt, độc đáo, đa dạng hội tụ nhiều phương diện: nhà cách mạng, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà tư tưởng, nhà quân sự, nhà văn, nhà thơ...mà lĩnh vực nào cũng thể hiện một tài năng kiệt xuất. Nhưng giữa các phương diện ấy lại có mối liên hệ thống nhất, hài hòa tuyệt đẹp. Ngày nay hướng nghiên cứu liên ngành đang được hưởng ứng rộng rãi trên thế giới, người ta lại nhận thấy Hồ Chí Minh là một biểu hiện “liên văn hóa” sinh động nhất ở sự kết tinh văn hóa của hôm qua và hôm nay, phương Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, cách mạng và cổ điển, chiến sỹ và nghệ sỹ...Con người và cuộc đời huyền thoại của Người gắn liền với sự nghiệp cách mạng vĩ đại lại là sự biểu hiện một cách đầy đủ cho các phạm trù mỹ học cơ bản: cái cao cả, cái đẹp, cái hài, cái bi...vừa là đối tượng tìm hiểu cũng vừa là chủ thể sáng tạo của nhiều chuyên ngành nghệ thuật. Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây ngạc nhiên về khả năng tập hợp và phát huy một cách cao nhất sức mạnh của quần chúng để tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại và triệt để chưa từng có trong lịch sử, diễn ra trong khoảng thời gian nhanh nhất (hơn một tuần lễ), trong khoảng không gian dài rộng nhất (từ Bắc chí Nam). Nhiều nước châu Mỹ đang tìm hiểu sức ảnh hưởng to lớn của Người với Quốc tế, với người dân Việt Nam. Nghiên cứu đương đại Pháp đang nghiên cứu Hồ Chí Minh là người kiến tạo một nền văn hóa mới với chủ thuyết và hệ khái niệm rất hiện đại...Ở ta có hẳn một chuyên ngành “Hồ Chí Minh học” nghiên cứu, tìm hiểu về con người, di sản tư tưởng, văn hóa của Người.

Đó là nhìn từ góc độ vĩ mô trên các bình diện quan hệ Bác Hồ với cách mạng, dân tộc, thời đại. Xét từ góc độ con người cá nhân Bác ta cũng thấy Người là một đối tượng thẩm mỹ có sức thu phục, thuyết phục, cảm hóa khác thường. Ở Hồ Chí Minh là sự hội tụ đầy đủ nhất những tiền đề của một nghệ sỹ lớn. Người có một phong thái nghệ sỹ đặc biệt vừa là con người thực, vừa như một “ông tiên” đã góp phần quan trọng hình thành nên một phong cách Hồ Chí Minh độc đáo, cá tính nổi bật. Cùng với một trí tuệ kiệt xuất, một lối ứng xử văn hóa tinh tế, phong thái nghệ sỹ ấy đã tạo ra hấp lực không cưỡng lại đối với người đối thoại. N.X. Khơrutsôp – Cố Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô kể lại ấn tượng của mình trong Hồi ký khi gặp Người: “Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã biết rất nhiều người, nhưng không có người nào gây được ở tôi một ấn tượng đặc biệt như ông Hồ Chí Minh”. Con người nghệ sỹ Hồ Chí Minh luôn vì con người, đặt con người cao hơn tất thảy. Thế giới ca ngợi Bác có cách giải quyết tuyệt vời nhất dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất để cố gắng mang hạnh phúc cho dân. Sau tháng 9/ 1945 nước ta sa vào tình trạng kiệt quệ, vận nước mong manh bởi thù trong giặc ngoài nhưng Bác vẫn chủ trương ưu tiên hai nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Đó là tinh thần nhân văn cao cả, là tầm trí tuệ hiếm có trên cơ sở sâu thẳm một tình yêu nước, yêu dân lớn lao hiếm thấy. Dân đói, dân dốt là bất hạnh lớn nhất của bất cứ quốc gia nào và ngược lại. Ở Người còn là một tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, là người của thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên cây cỏ, vô tư, không màng danh lợi. Còn là một trái tim nhạy cảm, giàu cảm hứng, liên tưởng, tưởng tượng. Là một tâm hồn vui vẻ, lạc quan, hay đùa vui, một trí nhớ siêu việt, một tinh thần kiên trì, vượt khó, một vốn sống vĩ đại, một sự hòa nhập tự nhiên vào đời sống... Nhiều nhà văn nhà thơ ví Bác như mặt trời tỏa sáng, như ngọn hải đăng dẫn lối, như ánh sáng xua tan bóng tối, như dải Trường Sơn hùng vĩ, như cánh chim đại bàng...Ngay từ đầu thế kỷ trước một nhà báo Nga đã nhận thấy ở Người toả ra một thứ văn hóa của tương lai. Ngày nay dưới góc nhìn của triết học văn hóa nhiều nhà nghiên cứu châu Âu ví Bác như một cây đại thụ cường tráng lực lưỡng cắm chùm rễ khỏe khoắn vào ba mảnh đất văn hóa của truyền thống Việt, của phương Đông và phương Tây mà vươn cao cành lá vào bầu trời nhân văn nhân loại để quang hợp những ánh sáng tiến bộ của thời đại. Nhờ vậy trái ngọt tư tưởng Hồ Chí Minh có thể dành cho cả thế giới, cho mọi cộng đồng...Không chỉ chúng ta- người Việt Nam tự hào về Bác mà cả nhân loại tiến bộ tự hào vì có một Hồ Chí Minh là CON NGƯỜI “người nhất”, trong sáng đến tận cùng, yêu thương bao la, nhân ái đến tuyệt đối và trí tuệ mẫn tiệp đến khôn cùng...Thế nên Người là nguồn cảm hứng vô tận để văn nghệ sỹ sáng tạo.

Ngôi nhà văn hóa Hồ Chí Minh có một nền móng truyền thống vững vàng, được xây cất bằng nguyên vật liệu hiện đại mới mẻ, được trổ nhiều cửa sổ ngoại ngữ để đón nhiều luồng gió văn hóa đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngôi nhà ấy lại có nhiều cửa thể loại như thơ, văn, kịch, sân khấu, hội họa, điện ảnh...để mỗi người, tùy theo sở trường, năng lực của mình mà đi vào chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Nhìn ở góc độ nghệ thuật ngôn từ thì Bác Hồ là nhà văn, nhà thơ, nhà báo lớn. Ngoài sử dụng điêu luyện tiếng Việt, Bác làm thơ bằng tiếng Hán, viết truyện bằng tiếng Pháp, viết báo bằng tiếng Anh, Nga, Tây Ban Nha, Thái Lan...Trong số bạn quốc tế của Bác, nhà văn, nhà thơ, nhà báo chiếm một tỉ lệ khá cao. Pháp có Raymông Lơphevrơ, Pôn Vayăng Cutuyriê, Gaxtông Môngmutxô, Catxem Xembát, Rômanh Rôlăng, Sác Lôngghê, Gioocdơ Piôsơ, Hanrinê, Côlét, Rapôpo…Liên Xô (cũ) có I.Erenbua, O.Mandetxtan, Ruf. Bersatxki, Ý có Giôvanni Giécmanettô, Ba Lan có M. Giu-láp-ski, Nhật có: Kiôsi Cômatxư, Trung Quốc có Lý Đại Chiêu, Cù Thu Bạch, Tiêu Tam… Hăngri Bacbuýt, nhà văn nổi tiếng thế giới, là một trong những người bạn Pháp gần gũi nhất của Bác. Thế nên các văn nghệ sỹ, không chỉ ở trong nước mà nước ngoài lấy hình tượng Bác Hồ làm nguồn cảm hứng sáng tạo là việc tất nhiên vậy!

N.H.T

---------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 442.

(2), (3) Sđd, tr 335, tr 622.