Thứ Năm, 19/09/2019 08:29

Áo chàng xanh lam lũ

Có một định kiến giới lộ liễu trong thời hiện đại rằng quần áo đàn ông thì phải dùng những màu “nam tính”, và thế là cánh đàn ông thế kỉ hai mươi bỗng xám xịt hơn hẳn tổ tiên... (NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ)

.NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

Minh họa: Bùi Quang Đức

Có một định kiến giới lộ liễu trong thời hiện đại rằng quần áo đàn ông thì phải dùng những màu “nam tính”, và thế là cánh đàn ông thế kỉ hai mươi bỗng xám xịt hơn hẳn tổ tiên, hoặc so với ngay những nơi còn giữ trang phục truyền thống. Nói “cánh đàn ông” là ta đang nói những người chịu ảnh hưởng của thời trang phương Tây hiện đại, trong đó có Việt Nam. Đúng một trăm năm trước, các vị nam giới có học người Việt đã cắt tóc, mặc đồ Âu để hội nhập vào thế giới văn minh, cho dù sự bắt đầu có phần miễn cưỡng. Thế nhưng trừ trang phục vua chúa còn thấy được qua các tượng thờ trong đền chùa, dăm bộ triều phục vua Lê hay vài hình ảnh tư liệu của các vua cuối cùng của nhà Nguyễn có nhiều màu sắc rực rỡ, màu áo người đàn ông Việt đã từ lâu chỉ quanh quẩn màu nâu, từ nâu non đến gụ và sẫm hơn thì thâm, đôi khi có sắc trắng. Bộ ảnh màu đầu tiên chụp người Việt khoảng năm 1915 của Léon Busy cho thấy, màu áo mộc mạc và thanh đạm như chính dáng vẻ người xưa.

Khải Định lên ngôi, bắt đầu thời kì quân vương nước Việt xuất hiện công khai trên truyền thông hay các sự kiện công cộng. Khi nhân dân được chiêm ngưỡng mặt rồng thì hỡi ôi, ông vua này đã bị nhà cải cách số một thời ấy là Phan Chu Trinh hạch tội “phục sức không đúng phép” vào hàng thứ năm trong thất điều: “Bệ hạ tự chế ra một thứ lễ phục kiểu mới, tự mặc để ra triều. Kiểu ấy là trên áo cẩm bào cũ, thêu vào cái cầu vai kiểu Âu, còn cổ áo và tay áo thời đính vàng ngọc lòe loẹt, Âu không ra Âu, Á không ra Á, lại trên nón vua thời thêu thêm những hình rồng phụng sáng ngời”. Cụ Phan sỉ vả đức vua không thương xót: “Lại từ cái khăn, cái mũ, cho chí cái áo, cái giày, bệ hạ đều đính vàng ngọc kim cương, giá phí biết là bao nhiêu! Rất đổi lấy vàng luột giát ra làm cái ủng để bao khắp chân, xa phí dại dột, từ xưa đến nay chưa có nghe ông vua nào làm như thế bao giờ”. Cụ kết luận: “Nay bệ hạ lại trái hẳn, tự chế tự mặc, chỉ lo làm sang một mình, người trong nước xem vào không gì là chính đính, lại làm cho tai mắt người ngoài lầm lạc, đã sai phép bang giao, lại làm nhục quốc thể, chiếu luật pháp nước nhà, phải chịu điển hình. Đó là năm tội”.

Khải Định khi dự Đấu xảo ở Pháp năm 1922 còn để lại một bộ ảnh chứng thực cho những mô tả của Phan Chu Trinh, và ngay ở lăng của ông, còn bức tượng bằng tỉ lệ thực. Nhìn bằng con mắt hiện đại, ta thấy bộ đồ áo dài cải biên binh phục Tây có đội cái nón chóp đính vàng bạc lấp lánh của Khải Định không khác gì các thí sinh Việt Nam ngày nay mặc đồ dự thi hoa hậu Hoàn vũ thế giới, chỉ trừ việc đức vua An Nam chiều cao khiêm tốn và mặt rồng kém sắc.

Nhưng truyền thống bậc chăn dắt thiên hạ phục sức rực rỡ lại sẵn có trong thư tịch. Ai nấy học văn ở nhà trường cũng biết vài câu thơ cổ (bản dịch) như Áo chàng đỏ tựa ráng pha/ Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in (Chinh phụ ngâm) hay Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh (Tì bà hành), những kẻ trượng phu vốn dòng hào kiệt áo xanh áo đỏ chẳng thiếu màu gì. Các bức tranh thờ thường cho các vị tôn quý những màu sắc lộng lẫy nhất. Quan Công hay mặc áo gấm xanh do “Lưu hoàng thúc cho, tôi mặc ở ngoài như nhìn thấy mặt anh” (Tam quốc diễn nghĩa), Quang Trung khi tiến vào Thăng Long mặc một chiếc áo bào màu đỏ “đã bị nhuộm đen vì khói thuốc súng” (Hoàng Lê nhất thống chí). Nói chung vốn văn hóa truyền thống trao truyền đến chúng ta đặt các vị anh hùng cái thế trong một phổ hào quang chói lọi. Nó còn kịp khiến một nhà Thơ mới chịu ảnh hưởng Tây học như Xuân Diệu vẫn viết ra những câu như Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu/ Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên (Thu). Màu huy hoàng ấy phủ lên đời sống một giấc mộng, trong ấy thứ gì cũng rực rỡ võng điều ngựa tía.

Nhưng càng về gần thời hiện đại, dưới ảnh hưởng hình ảnh thời trang phương Tây thông qua những bộ Âu phục xám lạnh hay quân phục kaki viễn chinh của người Pháp, các nguồn màu áo đàn ông trong đời sống thường nhật được nhận diện dưới một thẩm mĩ mới. Màu áo nâu người vùng hạ bản và “sắc chàm pha màu gió” miền ngược dưới nét vẽ của các họa sĩ Pháp sang dạy ở trường Mĩ thuật Đông Dương xuất hiện nhiều hơn là các lễ phục lộng lẫy. Rồi trong cao trào giải phóng dân tộc và các cuộc chiến tranh tiếp diễn, nhất là ở miền Bắc, gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn (thơ Nguyễn Đình Thi) thành màu chủ đạo miền quê, màu xanh công nhân phổ biến thành phố, còn lại thì đứa trẻ nào cũng biết “màu áo chú bộ đội”. Có một thời màu áo lính là màu của lí tưởng, của một chỗ dựa, màu của một sức mạnh mà những năm tháng khó khăn có thể cung cấp cho hậu phương một sự động viên. Những bức tranh cổ động cố định những màu xanh bộ đội, xanh công nhân, nâu đất, đỏ cờ, vàng sao như một tổ hợp có tính quy chế. Khi mà ai cũng chung một màu áo thì thực ra là không có màu. Màu sắc giấu một nỗi hoài niệm, một kí ức. Đường vẫn nao dòng cũ/ Ngựa vào bước chân xưa/ Áo chàng xanh lam lũ/ Trời ơi, trời đừng mưa - (Yến Lan).

Ở miền Nam, xem lại phim ảnh thì thấy áo nam giới thời chiến cũng không có mấy sắc màu rực rỡ, trừ loại áo chim cò bắt mắt của giới trẻ kiểu “hippy” (không biết chiếc áo kiểu này đầu tiên ra Hà Nội là năm nào). Dĩ nhiên màu áo phụ nữ vào thơ nhạc thì phong phú hơn, từ áo trắng em bay tựa cánh thiên thần đến hoa trắng thôi cài trên áo tím. So với phong phú những áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường (thơ Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên) thì các “cô Bắc kì nho nhỏ” thời chiến đọng lại biểu tượng vai áo bạc quàng súng trường (thơ Nguyễn Đình Thi, nhạc Hoàng Hiệp). Đến nỗi trí nhớ của tôi về quá khứ tưởng như chỉ có hai màu đen trắng như các bộ phim hồi ấy. Ngay cả cho dù tuần nào tôi cũng được xem cải lương trên truyền hình qua những chiếc tivi đen trắng, biết chắc sự lóng lánh của y phục các diễn viên nhưng các màu sắc trên ấy hoàn toàn do tưởng tượng. Khỏi phải nói tôi sửng sốt thế nào khi lần đầu tiên được xem những thước phim màu của Việt Nam (phim màu của các nước xã hội chủ nghĩa thì đã khá phổ biến ở rạp hay bãi chiếu bóng). Tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những màu áo đa dạng của đất nước mình. Thấy cô diễn viên có môi son đỏ thực là đỏ chứ không phải một chỗ trống sắc ghi chờ tôi điền màu vào đấy.

Nhưng cho đến thời đầu những năm 1990, đa phần đàn ông vẫn không mặc áo màu sặc sỡ. Hình tượng nam tính trong vốn văn hóa Việt Nam vẫn gắn với trách nhiệm Tổ quốc, xã hội, gia đình, nghĩa là màu áo của họ dường như là mã (code) nhận diện chỗ đứng của họ. Thầy giáo áo trắng, giám đốc áo màu nhu trơn, nhân viên công quyền nhất định không ngoài một màu sáng trung tính. Một cái áo có màu sặc sỡ chỉ có thể xuất hiện ở tủ áo nghệ sĩ, Việt kiều về nước (đồng nghĩa có tiền, tất nhiên tiền của tư bản!) hoặc khi ra bãi biển, nơi các ông chồng muốn có chút vẻ nghệ sĩ bên cạnh đĩa mực hấp và chai bia, và nếu ở quán karaoke thì không kém gì nghệ sĩ chơi hạ uy cầm (guitar Hawaii). Các vở kịch hay phim ảnh một thời hễ khắc họa nhân vật nam hư hỏng hay khác người (theo nghĩa xấu) thì hoặc tóc tai xăm trổ hoặc mặc áo chim cò. Một nhân vật nam trong vở kịch truyền hình có tên Êkip diễn hồi giữa những năm 1980 được cho mặc áo chim cò vì ngụ ý anh ta là một phần tử xấu trong cơ chế quan liêu bao cấp - và vì anh ta “ái” (đồng tính luyến ái), cũng chính là tên của anh này. Việc cho anh ta mặc áo chim cò ngầm đặt loại áo này ra khỏi tủ áo những người đàn ông đàng hoàng. Khoan bàn về sự phân biệt giới ở đây, mà rõ ràng ba chục năm sau, giờ đây một anh đàn ông “đích thực” ở ta mặc một cái áo chim cò đi ngoài đường trông lại vui mắt và no đủ.

Có một hiện thực là vào những năm Việt Nam hội nhập tương đối sâu với khu vực, dòng quần áo nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia hay Indonesia đã cho cánh đàn ông Việt thấy, à hóa ra đàn ông các xứ xung quanh lại lấy những áo hoa văn làm quốc phục, mà cũng không kém phần nam tính. Các chương trình truyền hình tường thuật đoàn Việt Nam thi đấu ở đại hội thể thao Đông Nam Á hay châu lục cũng mở mắt cho người Việt thấy sự đa dạng của thế giới này. Hình ảnh các nguyên thủ siêu cường họp APEC mặc áo batik ở Bali chẳng hạn, cũng khéo tiếp thị một cảm giác thư giãn nhờ các hoa văn nhiều màu sắc thay vì các bộ complet xám xịt cứng đơ. Mỗi nguyên thủ một màu, giờ đây xanh đỏ tím vàng không còn là cái gì lố lăng nữa. Nhưng dòng thời trang khiến đàn ông Việt thay dần màu áo trong tủ chính là ảnh hưởng từ trào lưu metrosexual từ thời trang thế giới. Ngày mà danh thủ David Beckham hay Christian Ronaldo mặc những bộ quần áo sặc sỡ, đàn ông Việt Nam không còn thành kiến với áo sơmi hồng hay quần xanh cốm nữa. Có một dạo màu pastel (màu phấn) như cơn lũ tràn từ Hàn Quốc qua châu Á, về Việt Nam, đàn ông đột nhiên có dáng vẻ mơ màng như bước ra từ tranh của Monet hay Renoir thời hội họa ấn tượng, thời những sắc màu tươi sáng lấy cảm hứng trực tiếp từ thiên nhiên được các họa sĩ đưa lên mặt tranh.
Thực ra việc không còn cố định một mã màu nào cho nam giới phản ánh một sự giải phóng ý niệm xã hội quan trọng hơn người ta tưởng. Nó còn phản ánh sự chi phối của dòng tư bản thời toàn cầu hóa, khi các nhãn hiệu thời trang may sẵn cũng như nguồn hàng dệt cung cấp các mốt hay mẫu vải cho vài tỉ người. Dòng thời trang may sẵn giá rẻ giờ đây lại khuôn nam giới vào một vài kiểu dáng của áo phông hay áo sơmi, tuy rằng màu sắc ở hai gian hàng nam nữ có vẻ không còn như mặt trăng mặt trời nữa. Đàn ông bây giờ có những màu áo nữ tính hơn trước, gây hấn hơn trước, không trật tự như trước. Với những người hoài cổ, người ta nhớ lại một thời đàn ông có một vài sắc hòa lẫn xung quanh. Cụ Nguyễn Du cho chàng Kim Trọng cỏ pha màu áo nhuộm non da trời, vào thời bao cấp thường được cho là thủ pháp ước lệ, nay thì thành hiện thực chủ nghĩa không lệch đi đâu được.

Cụ Phan Chu Trinh có nói rằng không phản đối việc cải cách trang phục, và chính cụ cũng mặc Âu phục khi ở Pháp. Nhưng điều cụ Phan giận dữ với Khải Định chẳng hẳn vì vị vua này mặc quá lòe loẹt mà vì ông ta thản nhiên chưng diện ăn chơi xa xỉ trong cảnh đất nước “sự hủ bại vẫn không thay đổi, cách văn minh chẳng hề bắt chước, mà cái nọc độc chuyên chế ức hiếp vẫn còn gớm ghiếc như thế”. Ở vào cảnh huống ấy, màu áo là một diễn ngôn chính trị. Diễn ngôn này bao trùm cả thế kỉ hiện đại của Việt Nam. Bây giờ thì màu sắc là lãnh địa của thời trang toàn cầu, khi những ngôi sao truyền thông chiến thắng tuyệt đối các chính trị gia hay các bậc quân vương. Đôi tất đỏ của Thủ tướng Canada Trudeau tung tăng trên các mặt báo nhiều không kém các chính sách của vị lãnh đạo đỏm dáng này. Mà chẳng phải các chính khách bây giờ cũng chính là các ngôi sao truyền thông đó sao?

N.T.Q