Thứ Tư, 22/09/2021 10:56

Ấn bản đầu tiên của Frankenstein được bán với giá kỉ lục 1,17 triệu đô la

Ấn bản đặc biệt đậm chất cổ điển gothic của Mary Shelley đã phá kỉ lục đấu giá thế giới cho một tác phẩm của nhà văn nữ.

Ấn bản đặc biệt đậm chất cổ điển gothic của Mary Shelley đã phá kỉ lục đấu giá thế giới cho một tác phẩm của nhà văn nữ.

Ấn bản đầu tiên của Frankenstein; hay còn gọi là The Modern Prometheus, đã lập kỉ lục thế giới về mức giá cao nhất cho một tác phẩm in của nhà văn nữ, sau khi cuốn này được bán đấu giá với giá 1,17 triệu đô la (tương đương 856 nghìn bảng Anh)

Ấn bản đầu tiên của Frankenstein.

Ấn bản Frankenstein này là một trong 500 bản của cuốn tiểu thuyết được in năm 1818, và là bản đầu tiên được bán đấu giá từ năm 1985. Christie's mô tả cuốn này là "đặc biệt hiếm", ban đầu ước tính cuốn sách này sẽ được bán với giá từ 200 nghìn đô la (146 nghìn bảng Anh) đến 300 nghìn đô la (220 nghìn bảng Anh), nhưng sau đó cuốn sách đã được đấu giá với mức giá kỉ lục như trên. Trước đó, trên thế giới kỉ lục mức giá cao nhất cho một ấn bản của nữ nhà văn là bản in đầu tiên Emma của nhà văn Jane Austen từ năm 1816, được Bonhams bán đấu giá vào năm 2008 với giá 150 nghìn bảng Anh. Một bản in cuốn The Tales of Beedle the Bard của JK Rowling được bán với giá 1,95 triệu bảng tại Sotheby's vào tháng 11 năm 2007, nhưng cuốn này được làm thủ công, với những minh họa tỉ mỉ, chứ không phải một cuốn sách in bình thường.

Người phát ngôn của Christie's cho biết: “Ấn bản đầu tiên của Frankenstein cực kì mỏng manh và do đó rất khan hiếm, vì vậy một cuốn sách đầu tiên, đặc biệt trong tình trạng tốt, chắc chắn được các nhà sưu tập mong muốn. Giá bán kỉ lục của những cuốn sách thế này chứng tỏ nhu cầu ngày càng tăng đối với dòng sách kinh điển trong văn học.”

Mary Shelley, con gái của triết gia William Godwin và nhà nữ quyền Mary Wollstonecraft đã nảy ra ý tưởng về Frankenstein vào mùa hè năm 1816, khi ở bên cạnh Hồ Geneva với Percy Shelley, chồng bà và nhà thơ người Anh - Lord Byron. Cả nhóm đã đọc bản dịch truyện ma của Đức bằng tiếng Pháp, và Byron đã thách thức mỗi người viết một câu chuyện ma của riêng mình. Shelley viết trong lời tựa của ấn bản tiểu thuyết năm 1831 của bà rằng, “Tôi vắt óc nghĩ một câu chuyện, một chuyện khả dĩ có thể cạnh tranh được với những câu chuyện đã kích thích chúng tôi lao vào công việc này. Một câu chuyện nói lên được những nỗi sợ hãi bí ẩn nằm sẵn trong con người chúng ta, làm dấy lên sự kinh hoàng thảng thốt, một chuyện khiến độc giả không dám cất mắt nhìn quanh, khiến máu đông lại, tim đập thình thịch…”

Bức vẽ chân dung của nhà văn Anh - Mary Shelley.

Mary Shelley khi đó 18 tuổi, đang đau đớn vì đứa con mới mất. Mary Shelley kể rằng bà đã mơ về một nhà khoa học sử dụng dòng điện để đưa sự sống vào những cái xác ông lượm lặt được ở những hầm mộ. The Guardian dẫn lời bà Mary Shelley: “Khi nhắm chặt mắt, tôi đã thấy một người học trò của thứ khoa học báng bổ đang quỳ bên những thứ anh ta đã sắp đặt cùng nhau. Tôi đã thấy ảo ảnh gớm ghiếc của một người đàn ông, nó duỗi dài ra khi một cỗ máy rất khỏe đang chạy, nó bộc lộ những dấu hiệu của sự sống, nó cựa quậy và chuyển động khó khăn, nửa sống nửa còn chết”.

Sau đó Shelley đã viết câu chuyện về Victor Frankenstein, người đã tạo ra một sinh vật từ các bộ phận của tử thi và đưa nó vào cuộc sống, nhưng sau khi làm nên sinh vật đó, Victor lại lẩn trốn nó như đối với một quái vật khủng khiếp. Kể từ đó, những bi kịch liên tiếp xảy đến trong cuộc đời Victor…

Ban đầu, Frankenstein bị nhà xuất bản của Percy Bysshe Shelley, Charles Ollier và John Murray từ chối. Tiếp đó, sách mới được nhà xuất bản Lackington “chủ yếu kinh doanh sách giá rẻ” chấp nhận in lần đầu tiên vào năm 1818, khuyết danh tác giả, với số lượng ban đầu chỉ 500 bản.

Lần xuất bản thứ hai của Frankenstein được xuất bản vào năm 1822 gồm hai tập (xuất bản bởi G. and W. B. Whittaker) có tên của tác giả.

Ấn bản phổ biến nhất được phát hành vào năm 1831 bởi Henry Colburn & Richard Bentley. Lần in này đã được Mary Shelley kiểm duyệt kĩ càng và sửa đổi rất nhiều, về sau trở thành bản in được đọc rộng rãi nhất. Song song với đó, bản gốc từ năm 1818 vẫn còn được tái bản. Nhiều bạn đọc thích các văn bản năm 1818, họ cho rằng bản in đó mới thể hiện được tính chất văn gốc của Shelley.

Ngày nay, Frankenstein được coi là một trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầu tiên trên thế giới, một tác phẩm kinh dị, phát minh và triết học, giải quyết những câu hỏi chính về ý nghĩa của việc trở thành con người và đã truyền cảm hứng cho vô số tác phẩm chuyển thể sau này.

BÌNH NGUYÊN theo The Guardian