Thứ Bảy, 14/07/2012 09:34

Với tôi - Văn nghệ Quân đội (NGUYỄN ĐỨC QUANG)

Cuối học kì I năm thứ nhất, anh Lê Huy Hòa (nay là Giám đốc NXB Lao Động) học trên tôi hai khóa dẫn tôi ra gặp anh Ngô Vĩnh Bình. Đó là lần đầu tiên tôi đến với Văn nghệ Quân đội. Năm đó là năm 1986, thấm thoát đã 20 năm…

Cuối học kì I năm thứ nhất, anh Lê Huy Hòa (nay là Giám đốc NXB Lao Động) học trên tôi hai khóa dẫn tôi ra gặp anh Ngô Vĩnh Bình. Đó là lần đầu tiên tôi đến với Văn nghệ Quân đội. Năm đó là năm 1986, thấm thoát đã 20 năm…

Cho đến bây giờ mỗi khi nhớ lại buổi đầu tiên ấy, tôi vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động. vẫn biết là lần đầu tiên đến với làng văn, làng báo, một sinh viên non dại như tôi… làm sao không khỏi ngỡ ngàng, choáng ngợp với bao cảm xúc. Nhưng có lẽ, chính sự tiếp đón, chuyện trò thân tình gần gũi cởi mở của anh Ngô Vĩnh Bình và các anh hôm đó đã gieo vào tôi những tình cảm mà trong ký ức của mình mỗi khi nhớ đến lại thấy xiết bao thân gần, cho đến ngày hôm nay như vẫn hiển hiện trong sáng ấm áp.

Thế rồi như ‘duyên nợ’ trong suốt 30 năm qua tôi đến với Văn nghệ Quân đội mà nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình như là cầu nối, động viên tiếp sức cho tôi. Sau lần gặp đấy, tôi dần dần được tiếp xúc với các nhà thơ, nhà văn: Nguyễn Trí Huân, Lê Thành Nghị, Nguyễn Bảo,Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Duy Khán, Anh Ngọc, Nguyễn Quốc Trung, Hồng Diệu, vợ chồng nhà văn Chu Lai – Vũ Thị Hồng, rồi sau này là Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Hòa… Rồi các anh đã khuất Trương Hạnh (sau là tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật), Duy Khán, Hải Hồ.

Năm 1980 ra trường về báo Thiếu niên Tiền Phong, theo sự phân công của Ban Biên tập, tôi “làm” trang văn nghệ, lại càng có nhiều dịp gần gũi cộng tác với Văn nghệ quân đội, với các bác, các anh. Nhớ lần báo mở chuyên mục “Giữ gìn vẻ đẹp thanh lịch”, chị Nguyễn Thị Vân Anh (Trưởng ban) “mách” tôi cứ lên đặt bài bác Thanh Tịnh là “xong”. Tôi lên gặp bác, nhà văn của những áng văn tựu trường không quên của tuổi học trò. Năm ấy, nhà văn cũng đã già, sức khỏe đôi chút khó khăn, nhưng lần nào bác cũng “nộp” bài đúng thời gian, yêu cầu. Tôi không chỉ học được cách viết nhẹ nhàng, dí dỏm, mà cả cách làm việc theo đúng “tác phong quân nhân”. Tôi nhớ mãi ngôi nhà số 4 có căn phòng của bác Thanh Tịnh, mà sau này qua “Thanh Tịnh và những giai thoại” của anh Ngô Vĩnh Bình tôi càng hiểu hơn về cuộc đời, tác phẩm của bác.

Không chỉ “đặt” bài bác Thanh Tịnh – hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12) tôi lại có dịp gặp các nhà văn, nhà thơ Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu… đây là những nhà văn, nhà thơ có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi. Tôi lại nhớ có lần đến khu tập thể Vân Hồ để lấy chùm thơ của nhà thơ Vương Trọng, rồi tập thể Nam Đồng gặp nhà văn Hải Hồ (Chú gà trống choai), lại nhớ có lần trong dòng người tấp nập đi chơi tối thứ bẩy, một mình theo lời hẹn đến nhà số 4 nhận chùm thơ của anh Nguyễn Đức Mậu… Rồi có lần say sưa với tác giả “Tuổi thơ im lặng”… Có lẽ bây giờ nhắc lại các anh, các chú không biết có còn nhớ, nhưng với tôi, một người mẫn cán với công việc thấy sự việc diễn ra vẫn như ngày hôm qua đây thôi. Bởi các chú, các anh không chỉ giúp tôi hoàn thành công việc được giao, mà hình như có gì thương tôi, quý tôi, chiều tôi… mà trả những “món nợ” tinh thần nhiều khi không dễ vượt qua.

Cũng từ ngày ấy, tôi luôn được nhận sách tặng của các anh, cả sáng tác và phê bình. Những tác phẩm ấy thôi thúc tôi, một niềm khát khao say mê. Năm 1982 số tháng 8 tôi đăng bài đầu tiên Chiều ngoại thành cuối thu. Tôi vẫn nhớ câu thơ cuối bài anh Nguyễn Đức Mậu biên tập đã nói rõ hơn tình cảm, suy nghĩ của mình gửi gắm qua bài thơ.

Mối duyên tơ với Văn nghệ quân đội của tôi càng gắn bó khi tôi nhập ngũ về đúng sư đoàn 301 (Quân khu Thủ đô) của anh Ngô Vĩnh Bình. Tôi tự hào là lính Đ6-E692 đơn vị “quả đấm” của Quân khu, vinh dự mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Đình Chinh. Là người lính tôi là đồng đội của các anh. Những giây phút gặp gỡ ngắn ngủi mà như tiếp thêm cho tôi bao nguồn hứng khởi trong thời gian làm nghĩa vụ và sáng tác. Học kinh nghiệm của các anh, trong suốt gần 3 năm tôi cặm cụi, chăm chỉ ghi nhật ký và sáng tác, đến nay những cuốn sổ tay ấy – nhất là thời gian ở chốt Vị Xuyên (Hà Giang) với riêng tôi thật quý giá, như một kỷ niệm nhắc cho mình về những năm tháng làm lính, như một minh chúng gắn bó với Văn nghệ quân đội.

Trở về báo, tôi trở về với công việc trước đây tôi được đảm nhiệm, tôi đến nhà anh Ngô Vĩnh Bình nhiều hơn, bởi hai lý do: nhà anh ở 14 Trần Bình Trọng gần với tòa soạn, mặt khác anh “ứng chiến” rất nhanh bài vở chúng tôi cần và hơn nữa, anh là nơi chúng tôi giãi bày những điều tâm sự, suy nghĩ về nghề, thế sự, cả những trăn trở bức xúc riêng tư. Căn nhà 8 m2 ấy đã có bao nhiêu người đến, gặp gỡ, được làm quen nhau: nhà sử học Nguyễn Quang Hưng, nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu, các nhà thơ đàn anh: Nguyễn Tùng Linh, Nguyễn Thanh Kim, Bùi Việt Phong… rồi đám nhà báo choai choai chúng tôi: Hà Trọng Nghĩa, Đỗ Quang Hạnh… tôi không thể nhắc hết những kỷ niệm buồn vui mà chúng tôi đã gửi gắm ở đây suốt bao năm ròng, cả những bữa cơm tất niên đạm bạc theo quy ước đúng chiều 25 tháng Chạp mọi người phải có mặt. Tôi không thể nhắc hết những bàn luận về văn chương, về thế sự và gia đình mà Hà Văn Thọ, ca sĩ Quỳnh Liên… đã được “tranh luận” mỗi buổi chiều về. Sau này, gia đình anh Ngô Vĩnh Bình, chị Nguyễn Thị Hòa và cháu Ngô Vĩnh Hoàng chuyển lên khu tập thể 32A Lý Nam Đế, vì điều kiện khách quan chúng tôi vắng đi những buổi chiều “đàm đạo” tùy hứng và bổ ích như xưa. Những buổi chiều ấy cho tôi gần hơn với Văn nghệ quân đội.

Còn biết bao tên tuổi các anh chị nhà văn, còn biết bao kỉ niệm về ngôi nhà số 4. Tết năm nào, sau buổi đi chơi chợ Hoa – tôi lại vào Văn nghệ quân đội, nâng chén rượu, hưởng chén trà với các anh chị để hưởng them không khí ngày Xuân, ngày Tết. Với Văn nghệ quân đội, 30 năm gắn bó, tôi được chia sẻ, hưởng cái tình mà các anh chị quan tâm, đùm bọc cưu mang tôi trong chặng đường công tác và sáng tác.


NGUYỄN ĐỨC QUANG
 

 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn