Thứ Hai, 30/07/2012 01:00

Một người lính đẹp (Nguyễn Duy)

Có thể gọi tờ Văn nghệ Quân đội là một người lính được chăng? Nếu gọi như vậy được thì đó là một người lính đẹp.

Có thể gọi tờ Văn nghệ Quân đội là một người lính được chăng? Nếu gọi như vậy được thì đó là một người lính đẹp.

Cái đẹp dễ thấy là cái đẹp ngoại hình. Văn nghệ Quân đội bao giờ cũng vậy “quân phục chỉnh tề”, bộ cánh của anh ta dẫu là bộ cánh của người lính đi nữa, thì vẫn cứ vào loại sang trọng bậc nhất trong hàng ngũ các tạp chí của ta hiện nay. Ở cái thời giấy mực hiếm hoi này, có cho được cái tờ bìa trắng in màu, có cho được những trang ruột khỏi đen thùi lũi, quả là một công việc vất vả. Đẹp - đó không phải là vì câu khách, Văn nghệ Quân đội chủ yếu chỉ lưu hành trong các lực lượng vũ trang. Đẹp - đó là biểu hiện tinh thần trách nhiệm trước người đọc; là lương tâm phục vụ đối với người lính; là nhu cầu thẩm mỹ... Lúc này, người ta dễ vin vào nhiều lý do khách quan để quẳng cho người đọc những ấn phẩm lem nhem vừa dở vừa xấu mà chẳng lỗi tại ai cả. Văn nghệ Quân đội, ít ra là cho đến lúc này, đã không làm như vậy, đến với bạn đọc thân yêu của mình thật đàng hoàng, chững chạc - đẹp!

Nếu chỉ đẹp mã không thôi thì nói mà làm gì. Điều đáng nói ở đây là Văn nghệ Quân đội thuộc vào hạng “đẹp người, đẹp nết”. Anh ta có ý có tứ đáo để, biết mình, biết người, biết thời thế lắm. Quan trọng hơn là biết bổn phận. Biết to ra lúc cần to ra, biết nhỏ lại lúc cần nhỏ lại, nhưng luôn luôn tự trọng, biết nghiêm chỉnh và chân thành. Là một tạp chí văn nghệ, Văn nghệ Quân đội không đến nỗi làm cho người đọc phải thất vọng về chất lượng bài vở. Cho dù khuôn khổ có thu lại bằng bàn tay (như hồi chiến tranh) hay phình ra (như hồi trước chiến tranh); cho dù hình thể có lúc vuông, lúc dài, có thể rồi sẽ tròn quay nữa; thì cái điều cần phải đạt tới là sự tồn tại có ích. Văn nghệ Quân đội, ít ra là cho đến lúc này, đã đạt được yêu cầu đó, đã trở thành một nhu cầu đời sống của người chiến sĩ. Với tôi, từ hồi mới là tân binh, anh ta vừa là người bạn tâm tình sâu sắc, vừa là người hướng dẫn tư tưởng tế nhị.

Với tôi, Văn nghệ Quân đội còn là người dạy dỗ viết lách. Và lớp chúng tôi những Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng, Trần Mạnh Thảo, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh... đã từ khắp các ngả đường chiến tranh quây tụ về cái “Quân trường – Văn – Nghệ – Quân - Đội” mà tập duyệt. Trước chúng tôi, đã có vài lớp và sau chúng tôi còn nhiều lớp nữa. Phải ghi nhận thêm một vẻ đẹp nhân nghĩa ở đây, những ai thành công được, Văn nghệ Quân đội cổ vũ hết lòng, những ai va vấp cũng không đụng phải sự lạnh lùng hay vùi dập.

Còn bảy mươi lăm năm nữa thì Văn nghệ Quân đội tròn 100 tuổi, tôi thành thật mong sao cho tới lúc đó Văn nghệ Quân đội cũng đừng có đầu bạc răng long, xin hãy mãi mãi trẻ khoẻ, mãi mãi là một người lính đẹp.

Thành phố Hồ Chí Minh, 26.10.1981

Nguyễn Duy

 
 

 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn