Thứ Sáu, 20/11/2020 14:53

HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

4 tác giả được trao giải thưởng, bội thu tiểu thuyết và hội viên mới

Ngày 20/11, tại Hà Nội, Hội nhà văn Việt Nam tổ chức buổi lễ trao Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2020, trao giải Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) và lễ kết nạp hội viên mới.

Ngày 20/11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức buổi lễ trao Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2020, trao giải Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) và lễ kết nạp hội viên mới.

Dự lễ trao giải có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Bùi Sĩ Tiếu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư tỉnh ủy Thái Bình; ông Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lí luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; Nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đồng Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Trần Văn Tuấn, đồng Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam; đại diện các Hội đồng xét tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam; các tác giả đạt Giải thưởng hàng năm, giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V và các Hội viên mới.

Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2020

Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Trần Đăng Khoa trao giải cho các tác giả đoạt giải.

Thay mặt ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh đã phát biểu đánh giá giải thưởng Hội Nhà văn năm 2020 và Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 diễn ra trong 5 năm (2015-2019) của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, tác phẩm tham dự giải thưởng văn học Hội Nhà văn năm 2020 rất đa dạng và phong phú, khi có tổng số 2500 tác phẩm được Nxb Hội Nhà văn xuất bản năm 2019 và số lượng lớn các tác phẩm văn học từ các nhà xuất bản khác trên cả nước. Hội đồng chuyên môn đã làm việc rất nghiêm túc, công tâm, kĩ càng, cân nhắc thận trọng lựa chọn từ vô vàn tác phẩm tham dự, chọn ra 4 tác phẩm đoạt giải thuộc 4 hạng mục:

Thơ, Văn xuôi, Lý luận phê bình Văn học dịch.

Sau 3 năm hạng mục Thơ không có giải thưởng thì năm 2020, đã tìm ra chủ nhân của giải thưởng là nhà văn Trần Kim Hoa với tác phẩm Bên Trời. Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá: “Nhà thơ Trần Kim Hoa không cố gắng dựng một tượng đài kì vĩ của đời sống của thời đại trong thơ, mà khắc họa khiêm nhường những bước đi của con người thánh thiện, trong trẻo từng bước tới cõi thiện. Tập thơ khá dày dặn nhưng từ đầu đến cuối vẫn giữ được mạch cảm xúc trong vắt, không có bài trung bình - yếu. Mượn câu nói của nhà thơ Chế Lan Viên, “trong thơ suy nghĩ sâu sắc thì rất khó, nhưng rung động sâu sắc còn khó hơn nhiều” thì tập thơ của Trần Kim Hoa bước đầu đã làm được điều đó”.

Với giải thưởng Văn xuôi, 2020 cũng là năm đầy khác biệt, khi Hội đồng chuyên môn không chọn được tác phẩm trình Hội đồng chung khảo, do đó việc vận dụng Quy chế xét giải hàng năm đã được thực hiện để chọn ra tác phẩm Gánh gánh gồng gồng của nhà văn, nhà báo, nhà điện ảnh Trịnh Xuân Phượng ( 92 tuổi) được tiến cử và đọc chung trong toàn Hội đồng và tác phẩm đã giành giải thưởng. Cuốn sách này là một cống hiến cho văn học Việt Nam. Cống hiến về đề tài: giữa bao nhiêu tác phẩm viết về tầng lớp công nông binh thì cuốn sách đã bù vào một khoảng trống còn thiếu, viết về tầng lớp trí thức yêu và say mê với lí tưởng, dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc. Cống hiến về hình thức: là một tác phẩm hiện đại, về tốc độ, về bút pháp có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hồi kí và thơ…

Tác phẩm Lời nguyện cầu Chernobyl, tác giả Svetlana Alexievich, qua bản dịch của của Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Bích Lan, đã được trao giải ở hạng mục Văn học dịch. Hội đồng chuyên môn dựa trên tiêu chí bản dịch chuyển ngữ tốt và các tác giả đã lựa chọn cuốn sách hay để giới thiệu đến độc giả.

Nhà phê bình Nguyễn Văn Dân tiếp tục được ghi nhận những cống hiến của mình bằng giải thưởng ở hạng mục Lí luận phê bình bằng tập Văn hoá - văn học dưới góc nhìn liên không gian.

Trao giải Cuộc thi tiểu thuyết (2015-2019) và kết nạp hội viên mới Hội Nhà văn năm 2020

Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trao giải cho các nhà văn đoạt giải trong cuộc thi tiểu thuyết.

Cuộc thi tiểu thuyết được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 từ quan niệm, một nền văn học trưởng thành không thể vắng bóng tiểu thuyết. Sự đầu tư cho tiểu thuyết đáp ứng kì vọng của độc giả, đáp ứng sự mở rộng về đường biên, thể tài nhưng không quên khuyến khích các thể loại văn học khác. Từ đó đến nay, cuộc thi tiểu thuyết đã diễn ra 5 mùa liên tục.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, năm 2020 có thể nói là một năm bội thu của tiểu thuyết từ Cuộc thi tiểu thuyết (2015-2019). Hội đồng chuyên môn đã làm việc rất nghiêm túc, cân nhắc và công tâm vì một nền văn học chất lượng cao “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Năm nay, thành công lớn nhất của cuộc thi tiểu thuyết đó là có thêm nhiều tác phẩm viết về lịch sử về kháng chiến. Nhiều tác phẩm đã khái quát lịch sử 10 thế kỉ từ triều đại nhà Lý đến triều đại Hồ Chí Minh. Nhiều tác phẩm đã lấp những khoảng trống của mảng văn học sử như Từ Dụ Thái Hậu của Trần Thùy Mai, Thị Lộ chính danh của Võ Khắc Nghiêm...; Bên cạnh đó có nhiều tác phẩm đi vào những vấn đề nối cộm trong cuộc sống với cách viết sắc sảo như: Quay đầu lại là bờ của Hữu Phương; Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn; Gió Thượng Phùng của Võ Bà Cường...

Theo đó, tác phẩm Từ Dụ Thái Hậu, tác giả Trần Thùy Mai, đã đoạt giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019).

Năm giải Nhì thuộc về các tác phẩm Mệnh đế vương, tác giả Trương Thị Thanh Hiền; Trong vô tận, tác giả Vĩnh Quyền; Quay đầu lại là bờ của Hữu Phương; Thị Lộ chính danh, tác giả Võ Khắc Nghiêm; Gió xanh, tác giả Chu Lai. Trong số các tác phẩm đoạt giải nhì, có tác phẩm rất đáng ghi nhận về quá trình vươn lên khẳng định tên tuổi trong nghiệp viết, đó là tiểu thuyết Mệnh đế vương của Trương Thị Thanh Hiền. Tác giả là một nữ dược sĩ sinh sống và làm việc tại vùng sâu vùng xa của An Giang. Bằng tình yêu văn chương, chữ nghĩa, chị đã tìm hiểu các tư liệu về lịch sử để viết lên cuốn tiểu thuyết dày 626 trang viết về triều Lý đầy kĩ càng, bề thế, chu đáo, cặn kẽ, xúc động và sâu sắc.

Bảy giải Ba được trao cho các tác phẩm Và khép rồi lại mở của nhà văn Vũ Từ Trang; Vùng xoáy của Vũ Quốc Khánh; Vỡ vụn, Cuộc vuông tròn, tác giả Nguyễn Bắc Sơn; Gió bụi đầy trời, tác giả Thiên Sơn; Sông Luộc ở phương nam, tác giả Khôi Vũ; Gió Thượng Phùng của Võ Bá Cường; Chim bằng và Nghé hoa, tác giả Bùi Việt Sỹ.

Bảy giải Tư được trao cho các tác phẩm: Ngô Vương của Phùng Văn Khai, Đông trùng hạ thảo của Mai Tiến Nghị; Hùng Binh của Đặng Ngọc Hưng; Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang, Lạc lối của Thùy Dương; Hạc Hồng của Lê Hoài Nam và Bụi đời thục nữ của Nguyễn Trí..

Ngoài ra, BTC cuộc thi cũng trao nhiều giải thưởng cho các tác phẩm khác.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Hữu Thỉnh chụp ảnh với một số Hội viên mới.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng khẳng định, năm 2020 cũng là năm công tác xét, kếp nạp Hội viên mới được thực hiện nghiêm túc, bám sát yêu cầu đặt ra của Hội Nhà văn là ngày càng nâng cao chất lượng hội viên, chất lượng của Hội Nhà văn Việt Nam được phản ánh cụ thể bằng tác phẩm, bằng sự nghiệp văn học. Do vậy, kết quả cuối cùng là Ban Chấp hành Hội đã quyết đinh kết nạp 53 hội viên mới, trong đó chuyên ngành Thơ 25 hội viên; Văn xuôi 20 hội viên; Lý luận phê bình 6 hội viên và chuyên ngành Dịch 2 hội viên.

BÌNH NGUYÊN