Thứ Tư, 28/10/2020 16:00

18 cuốn sách giúp chúng ta hiểu thế giới vào năm 2020

Khủng hoảng khí hậu, giới tính, chủ nghĩa dân túy, thế giới của công nghệ, đại dịch, phân biệt chủng tộc... đó là những chủ đề lớn giúp chúng ta hiểu thế giới vào năm 2020.

Khủng hoảng khí hậu, giới tính, chủ nghĩa dân túy, thế giới của công nghệ, đại dịch, phân biệt chủng tộc... đó là những chủ đề lớn giúp chúng ta hiểu thế giới vào năm 2020.

Ảnh minh họa của Malte Mueller/ Getty.

Cuộc chiến để lấy lại hành tinh của Michael Mann

Michael Mann là một nhà khí hậu học và địa vật lí ưu tú. Ông đang là giám đốc Trung tâm Khoa học hệ thống trái đất tại Đại học bang Pennsylvania, người đã đóng góp vào sự hiểu biết khoa học về biến đổi khí hậu lịch sử dựa trên kỉ lục nhiệt độ của ngàn năm qua. Michael Mann là tác giả của hơn 200 ấn phẩm cùng các cuốn sách như: Dire Predictions: Understanding Global Warming (tạm dịch: Dự đoán hướng: Hiểu được sự nóng lên toàn cầu, 2008); The Hockey Stick and the Climate Wars: Dispatches from the Front Lines (tạm dịch: Cây gậy khúc côn cầu và cuộc chiến khí hậu: dự báo ở phía trước, 2012); đồng tác giả với Tom Toles như cuốn The Madhouse Effect: How Climate Change Denial Is Threatening Our Planet (tạm dịch: Hiệu ứng nhà điên: biến đổi khí hậu đang đe dọa hành tinh của chúng ta, 2016) và cuốn sách đồng tác giả với Megan Herbert The Tantrum That Saved the World (Cơn giận giữ đã cứu nhân loại, 2018). Cuốn sách mới của ông The Fight to Take Back Our Planet (tạm dịch: Cuộc chiến để lấy lại hành tinh của chúng ta) sẽ ra mắt vào tháng 1/2021.

Đối với những sinh vật nhỏ như chúng ta của Sasha Sagan

- Ảnh:

Carl Sagan được cho là nhà truyền thông khoa học vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta. Ông đã truyền cảm hứng cho bao người bước vào thế giới khoa học. Ông đã không còn trên cõi đời nữa nhưng con gái ông - Sasha Sagan đã tôn vinh di sản của cha mình trong cuốn sách mới tuyệt vời của cô For Small Creatures Such as We, lấy tựa đề từ một dòng trích từ cuốn tiểu thuyết Contact của Carl (được chuyển thể thành phim truyện cùng tên năm 1997), Sasha mời gọi chúng ta khám phá những điều kì diệu hàng ngày của cuộc sống qua con mắt khoa học, chia sẻ một thế giới quan được thấm nhuần trong sự giáo dục độc đáo của cô. Cuốn sách sẽ mang đến cho người đọc những cảm nhận tích cực về thế giới, về vũ trụ và vị trí của chúng ta.

Tất cả những gì chúng ta có thể tiết kiệm được của nhiều tác giả

Biến đổi khí hậu là một “nhân tố đe dọa” mạnh mẽ, lấy đi những tổn thương và bất công hiện có và làm cho chúng trở nên tồi tệ hơn. Phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với nguy cơ phải di dời hoặc tử vong do các thảm họa thời tiết khắc nghiệt và có mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và bạo lực trên cơ sở giới. Các nhiệm vụ cốt lõi để tồn tại, chẳng hạn như kiếm tìm và thu thập nước, gỗ và trồng thực phẩm, phần lớn thuộc về phụ nữ ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Biến đổi khí hậu có thể làm tăng gánh nặng, kéo theo các cuộc đấu tranh về an ninh y tế, giáo dục và tài chính. Cuốn All We Can Save (tạm dịch: Tất cả những gì chúng ta có thể tiết kiệm được) do Ayana Elizabeth Johnson và Katharine K Wilkinson biên tập, là tập hợp các bài luận của hơn sáu mươi phụ nữ, những người đi đầu trong phong trào khí hậu.

Chủ nghĩa dân túy là gì? của Jan-Werner Müller

Các phong trào mà chúng ta gọi là “dân túy” được xác định bởi ý tưởng trung tâm: bác bỏ chủ nghĩa đa nguyên. Đó là lập luận mà Jan-Werner Müller đưa ra trong cuốn sách What Is Populism? của ông. Theo Müller, những người theo chủ nghĩa dân túy cho rằng họ đại diện cho nhân dân, đất nước; những đối thủ của họ là những kẻ phản bội, người nước ngoài hoặc những kẻ không yêu nước và rằng không thể có các thể chế và biểu tượng chính trị trung lập. Nếu những kẻ theo chủ nghĩa dân túy độc tài có được quyền lực, họ sẽ tìm cách thay đổi những quy tắc chuẩn mực của xã hội cũ để thay thế bằng thể chế độc tài mà mình sẽ nắm quyền.

Nhà nước Mafia thời hậu Cộng sản: Trường hợp của Hungary của Bálint Magyar

Post-Communist Mafia State: The Case of Hungary chỉ ra rằng, chủ nghĩa dân túy chuyên chế thường gắn liền với sự gia tăng tham nhũng. Một khi các thanh tra chính phủ, tòa án và truyền thông đều bị chính trị hóa, do những người có liên hệ với đảng cầm quyền điều hành thì họ sẽ không có trách nhiệm giải trình với nhân dân và một chế độ đầu sỏ kiểu mafia chắc chắn sẽ xuất hiện. Tác giả Bálint Magyar đã phân tích sự việc này đã diễn ra như thế nào ở Hungary, một đất nước mà chủ nghĩa hoài nghi và lòng tham không chỉ dẫn đến sự kết thúc của nền dân chủ mà còn là sự kết thúc của một thị trường công bằng. Thay vào đó, Hungary có một hệ thống gian lận, mà tầng cao nhất của nền kinh tế bị chi phối bởi những người bạn của thủ tướng. Đây là cuốn sách dành cho bất kì ai muốn hiểu chủ nghĩa dân túy bắt đầu và kết thúc như thế nào.

Cuốn sách về nạn phân biệt chủng tộc

Là một nhà văn và giáo viên đến từ nam London, hiện đang sống ở Yorkshire, Jeffrey Boakye là tác giả của Hold Tight: Black Masculinity, Millennials, and the Meaning of Grime, và Black, Listed: Black British Culture Explored . Cuốn sách sắp xuất bản của ông, I Heard What You Said (Tôi đã nghe những điều bạn nói), nghiên cứu vấn đề phân biệt chủng tộc trong các trường học ở Anh.

Các nhà hoạt động trẻ tại một cuộc biểu tình Black Lives Matter ở Hyde Park, London.

Brit (ish) – cuốn sách về chủng tộc và danh tính

Afua Hirsch đưa ống kính của báo chí vào cuộc sống, thời đại và suy nghĩ của riêng cô về những vấn đề về chủng tộc và danh tính. Brit (ish) như một cuốn hồi kí sinh động, chân thực và sâu sắc, đồng thời sách cũng giống như một nghiên cứu lịch sử hiện đại và văn hóa đại chúng. Phạm vi trọng tâm đề cập trong cuốn sách khá rộng lớn, ấn tượng, thu hút sự chú ý từ thể thao, nghệ thuật và truyền thông đến chính trị, giáo dục và lịch sử thủ đô. Afua Hirsch có hiểu biết rất rộng và sâu sắc, dệt thành bức tranh cụ thể về cuộc sống mà chúng ta có thể học hỏi.

Người nhập cư tốt ở Hoa Kỳ, nhiều tác giả

“Hai mươi sáu nhà văn phản ánh về nước Mĩ” nghe có vẻ đơn giản, nhưng tập hợp các bài tiểu luận về kinh nghiệm được “nuôi dưỡng” ở nước Mĩ ngày nay thực sự giống như một tấm thảm đa dạng và phức tạp về các quan điểm tạo nên từ nhiều góc độ hấp dẫn. Mối quan hệ của người da trắng được coi là chính thống của Mĩ với nhóm người thiểu số khác (những người nhập cư thế hệ thứ nhất, thứ hai) được quan tâm và lắng nghe nghiêm túc. The Good Immigrant USA chỉ ra những vết nứt, và những khác biệt trong nền xã hội, văn hóa và chính trị Mĩ và những cuộc tranh luận nhạy cảm đem đến cái nhìn chân thực về giai tầng, chủng tộc ở nước Mĩ hiện nay.

Số phận của người mẹ da đen tại Anh dưới ngòi bút của Candice Brathwhaite

Nếu bạn biết một thực tế nghiêm túc rằng phụ nữ da đen ở Anh có nguy cơ tử vong khi sinh con cao gấp 5 lần so với những phụ nữ da trắng đồng trang lứa, thì cuốn sách I Am Not Your Baby Mother của Candice Brathwaite chính là một khám phá quan trọng về thực tế làm mẹ của người da đen tại đây. Nhà văn đã thực hiện một công việc khó khăn là thu thập và tổng hợp những luận thuyết và bình luận xã hội thành một cuốn hồi kí đáng đọc. Sách không chỉ vén màn những thành kiến ​​và định kiến ​​chủng tộc cố thủ trong các thể chế khác nhau của chúng ta, mà sách cũng đem đến những kiến thức quan trọng để hướng dẫn cho những người phụ nữ da đen người Anh trở thành người mẹ như thế nào.

Helen Lewis về nữ quyền và giới tính

Trước đây là phó tổng biên tập của tờ New Statesman, hiện Helen Lewis là cây bút của tờ Atlantic và là người dẫn chương trình thường xuyên của BBC Radio 4's The Week ở Westminster. Cuốn sách đầu tiên của cô, Difficult Women: A History of Feminism in 11 Fights (tạm dịch: Những người phụ nữ khó khăn: Lịch sử của nữ quyền trong 11 cuộc chiến), đã được xuất bản vào đầu năm 2020.

Những phụ nữ lấy cảm hứng từ nhóm nữ quyền Chile Las Tesis biểu tình bên ngoài tòa án hình sự thành phố New York trong phiên tòa xét xử Harvey Weinstein vào tháng Giêng.

Sách của Laura Spinney về đại dịch

Nhà báo, nhà khoa học người Anh có trụ sở tại Paris - Laura Spinney là tác giả của cuốn sách Pale Rider: The Spanish Flu of 1918 and How It Changed the World (tạm dịch: Pale Rider: Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và chúng đã làm thay đổi thế giới như thế nào). Dựa trên những nghiên cứu mới nhất về lịch sử, virus học, dịch tễ học, tâm lí học và kinh tế học, Pale Rider kể lại một cách tài tình về thảm họa ít được biết đến đã thay đổi nhân loại mãi mãi.

Cái chết đen 1346-1353 của Ole Benedictow

Một số cuốn sách đã viết về đại dịch tồi tệ nhất mọi thời đại: The Black Death (tạm dịch: Cái chết đen, 1969) của Philip Ziegler và A Distant Mirror (tạm dịch: Một tấm gương xa xôi, 1978) của Barbara Tuchman. Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về một trong những thảm họa khủng khiếp nhất đến với loài người, bạn có thể đọc The Black Death 1346-1353 của Ole Benedictow, thảm họa đến mức nhà thơ Petrarch đã than thở rằng không ai trong tương lai có thể tin rằng điều đó đã xảy ra.

 

Câu chuyện về người trợ giúp ở châu Phi của Stephanie Nolen

Trong sáu năm qua, Stephanie Nolen đã theo dõi tình hình AIDS trên khắp châu Phi và 28:Stories of Aids in Africa là kết quả. Thông qua 28 câu chuyện, giai thoại về những người châu Phi có cuộc sống bị ảnh hưởng bởi AIDS, cô đã vẽ nên bức chân dung về một lục địa đang gặp khủng hoảng, rộng hơn là cả nhân loại. Cô cảnh tỉnh các vấn đề chính trị, xã hội và văn hóa có tác động thế nào đối với việc hình thành một đại dịch. Bằng sức mạnh và sự đơn giản, Stephanie Nolen khiến chúng ta lắng nghe, cho phép chúng ta hiểu và truyền cảm hứng cho chúng ta quan tâm. Sách là tài liệu cần thiết cho bất kì ai quan tâm đến số phận của loài người.

Quy tắc lây nhiễm của Adam Kucharski

The Times đánh giá cuốn The Rules of Contagion (tạm dịch: Quy tắc lây nhiễm):Thật khó tưởng tượng có một cuốn sách hợp thời hơn... Phần lớn thế giới hiện đại sẽ tìm thấy ý nghĩa khi đọc nó”.

Quả thật, Quy tắc lây nhiễm của nhà dịch tễ học Adam Kucharski là cuốn sách rất kịp thời. Cả thế giới đều đã biết đến dịch Covid-19, mức độ nghiêm trọng và những tác hại khôn tả mà nó gây ra. Cuốn sách này đã giải thích những quy tắc lây lan cơ bản của vi rút, về những hành vi của con người trước dịch bệnh và khả năng dự đoán những điều xảy ra tiếp theo…

Steve Jobs của Walter Isaacson

Steve Jobs đã cách mạng hóa năm ngành công nghiệp - máy tính cá nhân, phim hoạt hình, âm nhạc, điện thoại và máy tính bảng. Nếu bạn muốn hiểu thế giới kĩ thuật số của chúng ta phát triển như thế nào thì cuốn tiểu sử dài 630 trang của Walter Isaacson là một lựa chọn tốt để khởi đầu. Mặc dù Steve Jobs đã hợp tác với tác giả, nhưng ông không kiểm soát những gì được viết và không đặt bất kì giới hạn nào. Đọc nó, bạn sẽ không muốn làm việc cho Jobs. Mặt khác, bạn rất vui vì những người như ông ấy tồn tại.

Bản chất của công nghệ là gì và nó phát triển như thế nào của W. Brian Arthur

Brian Arthur là một nhà kinh tế học xuất sắc, một ngày nọ ông tự hỏi điều chúng ta gọi là “công nghệ” là gì. Bản chất của nó là gì và nó phát triển như thế nào. Cuốn sách đáng chú ý này là kết quả của việc ông tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này. Sách như một nghiên cứu về mặt lí thuyết về nguồn gốc và sự tiến hóa của công nghệ.

Tái thiết kế nhân loại của Brett Frischmann và Evan Selinger

Chúng ta thường muốn nghĩ rằng, công nghệ để phục vụ nhân loại, nhưng cuốn sách Re-engineering Humanity (tạm dịch: Tái thiết kế nhân loại) của nhà pháp lí Frischmann và nhà triết học Selinger lại chỉ ra một khả năng đen tối hơn. Đó là chúng ta đã và đang xây dựng một thế giới mà con người đang được tái thiết kế một cách tinh vi để họ dễ tiếp thu logic hơn với máy móc. Hãy đọc những tranh luận và các ví dụ cụ thể của họ trong cuốn sách chứng minh cho nhận định này.

 

Tương thích với con người của Stuart Russell

Trong trí tưởng tượng phổ biến, trí tuệ nhân tạo siêu phàm là một thủy triều đang đến gần đe dọa không chỉ việc làm và các mối quan hệ của con người, mà còn đe dọa chính nền văn minh. Xung đột giữa con người và máy móc được coi là không thể tránh khỏi và kết quả của nó đều có thể đoán trước được.

Trong Human Compatible, nhà nghiên cứu AI nổi tiếng Stuart Russell lập luận rằng có thể tránh được viễn cảnh này, nhưng chỉ khi chúng ta suy nghĩ lại về AI từ đầu. Russell bắt đầu bằng việc khám phá ý tưởng về trí thông minh của con người và máy móc. Ông mô tả những lợi ích ngắn hạn mà chúng ta có thể mong đợi. Ông cũng giải thích những cách con người đã tìm ra để sử dụng sai AI, từ vũ khí tự trị gây chết người đến phá hoại bằng vi-rút… Russell gợi ý rằng chúng ta có thể xây dựng lại AI trên một nền tảng mới, ở đó các khối máy sẽ khiêm tốn, vị tha và cam kết theo đuổi mục tiêu của chúng ta chứ không phải của chúng.

BÌNH NGUYÊN theo The Guardian