Thứ Ba, 26/11/2019 00:27

10 tác phẩm hư cấu hay nhất thập kỉ qua

Năm 2019 dần khép lại, ban biên tập tạp chí Time bình chọn đã chọn ra 10 tác phẩm hư cấu hay nhất thập kỉ qua từ năm 2010 đến nay.

Năm 2019 dần khép lại, ban biên tập tạp chí Time bình chọn đã chọn ra 10 tác phẩm hư cấu hay nhất thập kỉ qua từ năm 2010 đến nay.

A Visit From the Goon Squad (tạm dịch: Một chuyến trở về từ thời gian, 2010) của Jennifer Egan

Tiểu thuyết này vinh dự nhận giải thưởng Pulitzer ở hạng mục sách hư cấu năm 2011 và đứng thứ 24 trong các cuốn sách hay nhất từ năm 2000 do The Guardian bình chọn. Cuốn sách gồm mười ba câu chuyện về các nhân vật liên kết với nhau bởi Bennie Salazar, giám đốc một công ty âm nhạc và trợ lí của ông, Sasha. Những người này trưởng thành và có những thay đổi theo những hướng không thể lường trước, đôi khi là bất thường trong cuộc sống của họ. Những chủ đề về âm nhạc, giải trí, xã hội, những câu chuyện dịch chuyển qua lại từ những năm 1970 đến hiện tại và tương lai, diễn ra từ châu Phi đến Naples, rồi New York và San Francisco, Ý và Kenya, từ nhà sản xuất âm nhạc đến viên tướng diệt chủng… Tất cả đã tạo nên một thiên phóng sự về văn hóa, lịch sử và xã hội rộng lớn…

My Brilliant Friend (tạm dịch: Người bạn tuyệt vời của tôi, 2011) của Elena Ferrante

Đây là một kiệt tác văn học hiện đại từ một trong những tác giả nổi tiếng nhất nước Ý. My Brilliant Friend là một câu chuyện giàu cảm xúc, mãnh liệt và hào phóng về hai người bạn, Elena và Lila. Qua bức chân dung tỉ mỉ của hai người con gái, tác phẩm cũng kể lại câu chuyện về một khu phố, một thành phố và một quốc gia trải qua những thay đổi, biến động từng ngày. Sách là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong bốn bộ tiểu thuyết Neapolitan được chuyển thể thành phim truyền hình nổi tiếng thế giới.

Gone Girl (Cô gái mất tích, 2012) của Gillian Flynn

Tiểu thuyết kinh dị thuộc thể loại bí ẩn và tội phạm của nhà văn Mĩ Gillian Flynn. Cuốn sách xoay quanh sự mất tích bí ẩn của Amy - nữ nhà văn xinh đẹp và mọi nghi ngờ được đổ dồn hết về người chồng Nick khi cảnh sát và báo chí tin rằng chính Nick đã sát hại vợ mình. Cuốn sách sớm nổi tiếng và lọt vào danh sách bán chạy nhất của New York Times. Các nhà phê bình văn học Mĩ đánh giá, tiểu thuyết có cốt truyện phức tạp, gay cấn, sử dụng lối kể không đáng tin cậy một cách tinh vi. Năm 2014, cuốn sách được chuyển thể thành phim và nhận được nhiều đề cử quan trọng của Oscar, Quả cầu vàng, giải BAFTA và Critics' Choice Award.

Americanah (tạm dịch: Văn minh Mĩ, 2013) của Chimamanda Ngozi Adichie

Khi xuất bản cuốn sách đầu tiên Purple Hibiscusở tuổi 25, Chimamanda Ngozi Adichie đã được coi là một thần đồng văn học. Americanah - tiểu thuyết thứ ba của Adichie, khiến cô củng cố thêm vị trí một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế hệ của mình. Nhân vật chính của tác phẩm là Ifillacu, là một nhà văn trẻ, từ Nigeria đến Mĩ để theo đuổi một nền giáo dục ưu tú và tại đây, cô học được ý nghĩa của người phụ nữ da đen ở một đất nước giàu có và quyền lực, đan xen với câu chuyện tình yêu của cô với người bạn cùng lớp thời trung học Obinze. Câu chuyện về cuộc sống, giấc mơ của con người, vấn đề di cư, lí tưởng, những mặt trái về nước Mĩ hay sự hóm hỉnh hài hước về chuyện kiếm tìm vị trí của con người trong một thế giới rộng lớn… gộp lại tạo nên tác phẩm đặc sắc. Americanah lọt top 10 cuốn sách hay nhất năm 2013 của New York Times và là tác phẩm chiến thắng của chương trình “One Book, One New York” năm 2017 khuyến khích người dân trong thành phố cùng đọc một tác phẩm.

Life After Life (Chuỗi đời bất tận, 2013) của Kate Atkinson

Cuốn sách như một thể nghiệm của nhà văn Kate Atkinson về tiểu thuyết. Cô đã kể cuộc đời của một phụ nữ Ursula Todd, sinh năm 1910 và sau đó, kể đi kể lại số phận của nhân vật này trong những thời điểm, hoàn cảnh, và sự khởi đầu khác nhau. Nhân vật Ursula Todd được thấy mình chết đi sống lại qua mỗi biến cố: bị ngạt thở, chết đuối, bệnh tật, bạo hành, chiến tranh, bom đạn, được cứu sống, bị bỏ rơi… Ngôn ngữ kể chuyện linh hoạt, khi cảm động, khi nhẹ nhàng, khi hài hước, lúc lại đầy chua xót. Bất chấp những thảm kịch xảy đến, sự tồn tại cuối cùng Ursula cuối cùng khẳng định, chúng ta nên cố gắng và làm hết sức mình, ngay cả khi phải đối mặt với cái chết. Các báo The Guardian, Telegraph hay Independent đều ngợi ca đây là một trong những cuốn sách hay nhất của văn học Anh và thế giới.

Tenth of December (Ngày Mười tháng Mười hai, 2013) của George Saunders

Saunders là bậc thầy miêu tả độc thoại nội tâm của nhân vật - những giọng nói bí mật, những huyễn tưởng, những trò đùa riêng tư, nỗi buồn. Nhưng hơn thế, Saunders còn là thiên tài trong việc khắc họa nỗi trớ trêu và phi lí xung quanh, bên trong chúng ta, dù viết về tình yêu, tình dục, cái chết, mất mát, tuyệt vọng, giai cấp, công nghệ hay chiến tranh. Ta có thể thích thú, có thể khó chịu, nhưng sau tất cả, ta lại thấy muốn yêu thương con người. George Saunders là một trong những nhà văn độc đáo và quan trọng bậc nhất của thế hệ ông, và Ngày Mười tháng Mười hai là tập truyện ngắn sâu sắc, lay động và hài hước nhất. Mười truyện ngắn là mười câu chuyện về những nhân vật kì lạ, hầu hết bị dồn đến đường cùng với đầy đủ mọi trớ trêu, để rồi từ đấy bật lên những nét tươi sáng tốt lành nhất của đời người. Cuốn sách thuộc top 10 sách hay nhất năm 2013 do The New York Times bình chọn, chiến thắng giải Story Prize và Folio Prize năm 2013 và 2014.

The Sellout (tạm dịch: Bán sạch hết, 2015) của Paul Beatty

Lấy bối cảnh tại Los Angeles, California, chuyện được kể qua lời của nhân vật chính trồng cần sa và dưa hấu để kể về các vấn đề đời sống đô thị, các phong trào dân chủ, hiến pháp Mĩ, mối quan hệ gia đình, vấn đề phân biệt chủng tộc, nhất là đối với người Mĩ da đen. Năm 2016, cuốn sách chiến thắng giải Man Booker và Paul Beatty là nhà văn Mĩ đầu tiên giành được giải thưởng này. Nhà phê bình Elisabeth Donnelly của tờ The Guardian gọi đây là “một tác phẩm bậc thầy khiến Beatty trở thành nhà văn hài hước nhất nước Mĩ”...

Sing, Unburied Sing (tạm dịch: Hành trình về nhà, 2016) của Jesmyn Ward

Sing, Unburied, Sing là tiểu thuyết thứ ba của Jesmyn Ward, người giành giải Sách quốc gia cho tiểu thuyết năm 2011. Nhà văn đã mời gọi độc giả du ngoạn đến vùng nông thôn nước Mĩ thế kỉ XXI: khám phá khám quá hành trình của Mississippi từ quá khứ, hiện tại và tương lai, bức chân dung thân mật của một gia đình và một câu chuyện sử thi về hi vọng và đấu tranh... Năm 2017, Jesmyn Ward trở thành nhà văn nữ hai lần đoạt giải Sách quốc gia cho hạng mục tiểu thuyết, và lần này là với Sing, Unburied, Sing, cuốn sách cũng được New York Times bình chọn là một trong 10 cuốn sách hay nhất trong năm đó.

Little Fires Everywhere (Những đóm lửa lưu lạc, 2017) của Celeste Ng

Hành trình của người mẹ đơn thân Mia Warren và cô con gái tuổi teen Pearl bắt đầu bằng cách: cắt đứt mọi mối liên kết với quê hương, xóa đi những kí ức về quá khứ, rong ruổi hết nơi này đến nơi khác, chưa từng có ý định sẽ “cắm rễ” ở một nơi nào. Mãi cho đến khi họ chuyển tới vùng Shaker Heights bình yên, thuê nhà của gia đình Elena Richardson. Sự xuất hiện của hai mẹ con Mia đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình Richardson, gây xáo trộn cộng đồng bình yên này… Little Fires Everywhere không chỉ là câu chuyện xúc động của tình mẫu tử mà còn nói về sức nặng của những bí mật, sự đối hòa giữa nghệ thuật với bản chất, như những ngọn lửa âm ỉ, ủ trong vẻ ngoài tĩnh lặng, chực chờ bùng cháy. Cuốn sách lọt top sách bán chạy của New York Times và chiến thắng giải thưởng Sách hư cấu do cộng đồng Goodreads bình chọn.

The Nickel Boys (tạm dịch: Những chàng trai Nickel, 2019) của Colson Whitehead

Tác giả của The Underground Railroad (Đường sắt ngầm) đoạt Giải sách quốc gia Mĩ và Pulitzer 2016 là một người kể chuyện hoàn hảo. Trong The Nickel Boys, nhà văn nắm vững quyền làm chủ nhân vật và cốt truyện để tạo ra những kịch tính, hồi hộp xuyên suốt. Cuốn sách là một phiên bản hư cấu của trường nam sinh Dozier còn gọi là Học viện Nickel, của bang Florida, Mĩ, thành lập năm 1900, đóng cửa năm 2011. Sau đó ngôi trường nhiều lần bị cáo buộc rằng cho phép giáo viên, nhân viên đánh đập, hãm hiếp, tra tấn, thậm chí là giết hại học sinh và nhiều cuộc điều tra lớn đã diễn ra, phát hiện nhiều bí mật ẩn giấu… The Nickel Boys lọt vào top sách bán chạy của New York Times và được đề cử giải thưởng Sách quốc gia Mĩ năm 2019.

HỮU BẮC theo Time