- Chiều 31/3 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội sách mùa xuân, NXB Trẻ tổ chức chương trình giao lưu với nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nhân dịp ra mắt tuyển tập truyện ngắn Của để dành với chủ đề “Khi văn chương là lời tình tự”.
Từ trái sang: nhà văn Trương Quý, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Tiến Thụy và TS văn học Trần Ngọc Hiếu
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ là cái tên quen thuộc với độc giả từ những năm 90 của thế kỉ trước cùng những truyện ngắn như Hậu thiên đường, Mùa đông ấm áp, Cát đợi, Xin hãy tin em, Hoàng hôn màu cỏ úa... Không phải là những đề tài quen thuộc về chiến tranh, người lính như những nhà văn cùng thời thường viết, Nguyễn Thị Thu Huệ đem đến một làn gió mới cho văn học Việt bởi cách viết cá tính, táo bạo, bản năng và rất đàn bà của mình.
Sinh ra trong gia đình nghệ thuật, nữ nhà văn đã thừa hưởng tố chất nghệ sĩ, chị thể hiện điều đó qua ngòi bút sắc sảo, thông minh và đa cảm. Của để dành là tập truyện ngắn đánh dấu một chặng đường dài cùng với văn chương của chị. Nhà văn chia sẻ, chị đến với văn chương từ rất sớm và rất hồn nhiên, nghĩ gì thì viết, không đặt nặng điều gì, giống như mình viết nhật ký vậy. Sau này va vấp nhiều rồi bước vào đời sống gia đình, với tính cách thường hay quan sát và suy ngẫm về mọi thứ, chị đã viết nên những trang văn từ chính đời sống. Đặc biệt với phụ nữ, Nguyễn Thị Thu Huệ thấy ai cũng khổ, chị dành cho phụ nữ một tình cảm đặc biệt, và đó cũng là lí do mà chị viết nhiều về họ.
Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu bày tỏ, ngay từ khi còn là học sinh trung học anh đã đọc và vô cùng ấn tượng với Nguyễn Thị Thu Huệ. Đầu những năm 90 chị cùng với các nhà văn nữ cùng thời đã xuất hiện và tự khắc họa diện mạo của chính mình qua tác phẩm, nhân vật. Đó là mẫu hình của những người phụ nữ đa đoan, với nhu cầu sống cho mình, vì mình, vì họ cũng cần được hưởng thụ. Điều này xa vời với cái nhìn gia trưởng của các nhà văn nam khi viết về phụ nữ. Và đặc biệt, thế giới nhìn qua Nguyễn Thị Thu Huệ đã thách thức hình dung của người đọc.
Trong sự nghiệp của mình, Nguyễn Thị Thu Huệ từng ghi danh với giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội năm 1992 - 1994. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy, Trưởng ban văn xuôi Tạp chí Văn nghệ Quân đội chia sẻ: Đó là một giải thưởng nhiều tranh cãi nhưng rất xứng đáng. Giọng văn của chị gây ảnh hưởng không ít đến những người cầm bút về sau. Đặc biệt nhà văn Đỗ Tiến Thụy rất ấn tượng với cách nhìn đàn ông của chị, đó là một cách nhìn khách quan, rất đời và mang đầy hơi thở của cuộc sống. Sự vị tha, bao dung với người đàn ông trong tác phẩm của chị khiến cho đàn ông luôn nghĩ mình phải sống tử tế hơn.
 |
Tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ |
Cũng trong buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã đưa ra suy nghĩ của mình về lao động nghề nghiệp của các nhà văn. Chị cho rằng, trước đây khó khăn là vậy mà chúng ta vẫn viết nhiều viết tốt, bây giờ dường như nhà văn đang lười đi vì mạng xã hội. Chia sẻ này đặt ra một ý thức về nghề với những người viết chuyên nghiệp.
Của để dành tập hợp và chọn lọc các truyện ngắn được nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ viết từ khi bắt đầu cầm bút cho đến khi chị trưởng thành và ghi dấu ấn khẳng định nội lực vững vàng của một cây bút truyện ngắn đương đại. Qua đây người đọc cũng có thể hình dung được sự biến đổi của xã hội Việt Nam trong những thập niên qua cùng cái nhìn sâu hơn vào những thân phận người. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ khẳng định: “Văn chương với tôi chính là lời tình tự, là tri kỷ, là sự thủy chung. Văn chương làm tôi hài lòng vì không bao giờ phản bội mình”.
Buổi toạ đàm ghi nhận nhiều ý kiến, cảm nhận của các nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ và độc giả yêu thích văn chương của Nguyễn Thị Thu Huệ. Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái đánh giá cao giọng điệu bản năng, phù hợp với thể loại truyện ngắn của chị. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thì cho rằng Thu Huệ đã viết thật lòng như chính con người chị, chị không nói dối độc giả, đó là tố chất không thể thiếu của một nhà văn tài năng. Nhà phê bình trẻ Mai Anh Tuấn ấn tượng với cảm thức về sinh nở, về thân thể thầm kín của người phụ nữ trong tác phẩm của chị, điều này khác xa với người nữ trong bảo tàng văn học trước đó. Cùng sự lao động say mê và kiên tâm với thể loại truyện ngắn được chị định hình phong cách đã làm nên thành công của Nguyễn Thị Thu Huệ. Nhà thơ Hữu Việt đáng giá cao năng lượng dồn nén trong ngòi bút Thu Huệ, chị góp phần làm nên không khí văn chương của cả một thời kì trong văn chương. Nhà thơ cũng cho rằng Thu Huệ bây giờ viết đã khác đi.
KIM NHUNG